Bình Phước hiện có 55 công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ. Trong đó có 45 hồ chứa, 9 đập dâng, 1 trạm bơm và hệ thống đê bao với nhiệm vụ chính là cấp nước tưới cho các loại cây trồng như: lúa, cà phê, rau màu, cây công nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho một số vùng dân cư.
Kiên cố tuyến kênh đầu mối và kênh mương nội đồng để có mùa bội thu
Qua khảo sát, các công trình thủy lợi (CTTL) này chỉ đáp ứng 72% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới tiêu với 5.897 ha cây trồng, trừ 1.670 ha của tỉnh Bình Dương từ hồ Suối Giai. Trong đó có trên 4.000 ha lúa nước 3 vụ, 1.130 ha cây công nghiệp... và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt gần 52.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiệu quả tưới tiêu của các công trình thủy lợi chỉ khoảng 65% năng lực thiết kế, thậm chí có nhiều công trình như hồ chứa nước Đồng Xoài (Đồng Phú), hồ đội 4, 7, 8... của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng bàn giao chỉ ở mức dưới 50%.
Nguyên nhân các CTTL không hiệu quả là do việc quản lý, khai thác thiếu kinh nghiệm về nghiệp vụ; phần lớn cán bộ vận hành, quản lý không có chuyên môn. Trong khi đó, hầu hết các công trình đều xây dựng ở vùng sâu, vùng xa. Số hồ chứa và các công trình thủy lợi còn lại do UBND các huyện, thị xã, xã, phường, các đơn vị, công ty cao su quản lý. Cán bộ quản lý chưa làm hết trách nhiệm trong công tác quản lý khai thác CTTL.
Những CTTL đang vận hành tốt là do nguồn nước ổn định, hệ thống kênh mương tương đối hoàn chỉnh, được đầu tư, sửa chữa thường xuyên. Ngoài ra, diện tích gieo trồng đúng năng lực của từng CTTL. Với nguồn nước đáp ứng nhu cầu sản xuất, một số địa phương chuyển đổi từ 2 vụ lên 3 vụ lúa nên hiệu quả khá cao, như hồ Bình Hà I (Bù Gia Mập) tưới tiêu đạt 108% công suất, đập Lộc Quang đạt 130%, đập Rừng Cấm (Lộc Ninh) đạt 154% và cung cấp nước sinh hoạt cho trung tâm huyện. Các công trình đạt hiệu quả thấp là do diện tích thiết kế cao hơn so với thực tế nên không phát huy đúng năng lực, như hồ Đồng Xoài, hồ Suối Giai (Đồng Phú) mức độ phục vụ có giới hạn. Bên cạnh đó, vào mùa khô, nhiều CTTL nguồn nước về ít và thiếu kênh dẫn nên không đáp ứng nhu cầu tưới tiêu. Mặt khác, phần lớn các công trình thủy lợi xây dựng đã quá lâu, thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng. Ý thức sử dụng nguồn nước, bảo vệ các công trình thủy lợi của người dân trong vùng chưa cao dẫn đến nhiều công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng; vận hành không phù hợp làm thất thoát nước tưới.
Thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, do đầu tư không đồng bộ, chỉ xây dựng công trình đầu mối, còn kênh mương là kênh đất hoặc mới xây dựng được một đoạn kênh... nên không phát huy hết công suất thiết kế. Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 2 công trình xây dựng hệ thống kênh mương với chiều dài gần 150km.
Tận dụng lợi thế về hệ thống thủy lợi, xã Lộc Khánh (Lộc Ninh) đã quy hoạch vùng sản xuất thâm canh lúa gạo hàng hóa tập trung với diện tích 230 ha, sản lượng lúa trung bình hàng năm đạt 4 tấn/ha. Ông Lâm So, ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh (Lộc Ninh), nói: Trước đây, người dân chỉ trồng được 2 vụ lúa với năng suất rất thấp. Từ ngày có hệ thống thủy lợi đưa nước về đồng, chúng tôi đã tăng vụ nên đời sống khá hơn. Ông Võ Văn Lực, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Khánh, nói: Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, nâng cấp và đầu tư thêm hệ thống kênh, mương nội đồng để tăng khả năng phục vụ tưới tiêu, giúp nông dân ổn định sản xuất, tăng vụ”.
Mới đây Sở NN-PTNT phối hợp với các địa phương rà soát hệ thống kênh mương nhằm đánh giá lại năng lực tưới tiêu của từng công trình. Nhiều công trình thủy lợi sẽ được giao về cho địa phương quản lý. Riêng Công ty TNHH MTV Dịch vụ công trình thủy lợi quản lý 40 công trình. Việc phân cấp này là để các địa phương chủ động hơn trong khai thác, đồng thời khắc phục những tồn tại, yếu kém. Ông Trần Lân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ thủy lợi, cho biết: “Giai đoạn 2011-2015, tỉnh sẽ tập trung xây dựng mới, sửa chữa và kiên cố hóa kênh mương chính. Còn phần kênh mương nội đồng, các địa phương chủ động thực hiện bằng nguồn xã hội hóa”.
Thanh Mảng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065