Tại tỉnh Vĩnh Phúc, phương án bố trí các ca thi trong buổi chiều ở nhiều hội đồng thi vẫn bộc lộ những lúng túng. Hội đồng thi Trường THPT Tam Dương có 460 thí sinh nhưng chỉ có 15 thí sinh thi môn vật lý và 34 thí sinh thi môn lịch sử. Tuy nhiên, do không nhận được hướng dẫn nên lãnh đạo hội đồng thi này đã không chủ động bố trí số lượng giám thị tương ứng ở lại trường thi vào ca chiều, mà vẫn triệu tập 100% giám thị ở lại trường thi. Những giám thị không làm nhiệm vụ ca chiều tập trung ở phòng hội đồng nhà trường chỉ để... chờ thí sinh thi xong. Việc này cũng diễn ra tương tự ở hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Duy Thì.
Chờ thi... đến mệt mỏi
Hôm nay thí sinh dự thi ba môn: toán thi vào buổi sáng với thời gian làm bài 120 phút (bắt đầu làm bài từ 8g). Buổi chiều môn hóa có thời gian làm bài 60 phút (bắt đầu làm bài từ 13g45) và địa lý 90 phút (bắt đầu làm bài từ 16g).
|
Ông Nguyễn Hữu Bằng, chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, đã bày tỏ sự lo lắng cho sức khỏe của các giám thị khi trời trở nên rất nóng nắng vào buổi chiều, trong khi nhiều giám thị không làm nhiệm vụ vẫn phải ngồi chờ đợi, lãng phí thời gian và sức khỏe. Việc bố trí phòng chờ, nghỉ ngơi cho thí sinh giữa các ca thi đã được Ban chỉ đạo thi tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện nghiêm túc. 100% các hội đồng thi đều dành phòng chờ cho thí sinh. Tuy nhiên ở một số hội đồng thi do chỉ có một cổng vào nên lãnh đạo hội đồng thi đã khuyến khích học sinh thi ca 2 đến cùng giờ với thí sinh thi ca 1. Các thí sinh phải ngồi chờ hơn một giờ trong các phòng chờ nóng nực, với tâm trạng mệt mỏi.
Ông Hoàng Minh Quân, giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, cho biết: “Một số hội đồng thi có thí sinh ở xa điểm thi nên việc về nhà vào buổi trưa bất tiện. Ngoài ra giữa ca thi thứ nhất và thứ hai cách nhau một quãng thời gian khá dài nên rất có thể nhiều thí sinh ra khỏi nhà vào đầu giờ buổi thi chiều, nhưng lang thang đi chơi, thậm chí vào tiệm game và có thể mải mê quên giờ thi... Vì thế để quản lý chặt chẽ thí sinh, tránh cho các em đến thi muộn, có hội đồng đã yêu cầu thí sinh thi ca 2 vào hội đồng thi cùng giờ với thí sinh thi ca 1”. Tuy nhiên, theo ông Bằng, việc bắt buộc thí sinh thi ca 2 đến vào một giờ với ca 1 là không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.
Ghi nhận cho thấy ở nhiều địa phương, mỗi hội đồng thi đều bố trí phòng chờ cho thí sinh giữa hai ca thi. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng thực hiện việc này.
Đầu giờ chiều 2-6, nhiều thí sinh dự thi môn lịch sử trong khi trời mưa rất lớn. Do không có phòng chờ nên thí sinh phải đứng chờ dưới mưa, chịu ướt đầu, quần áo, dụng cụ thi. Tại hội đồng thi Trường THCS Lê Lợi (Q.Tân Phú, TP.HCM), 23 thí sinh thi môn sử của Trường THCS - THPT Tân Phú đã đến cổng trường vào khoảng 14g45. Cùng với một số giám thị của môn sử, nhiều thí sinh ở đây đã phải chờ đến 15g05 vẫn chưa được vào hội đồng thi trong khi trời đang mưa. Ông Nguyễn Tiến Đạt - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết sở không tổ chức phòng chờ trong hội đồng coi thi. Do đó thí sinh thi ca 2 chỉ nên đến trước 30 phút.
Hội đồng thi... đóng cửa vì không có thí sinh
Cá biệt hơn là tại Tiền Giang chiều 2-6, hội đồng thi Trường THPT Bình Phục Nhứt (huyện Chợ Gạo) phải đóng cửa “nghỉ xả hơi” do không có thí sinh nào đăng ký dự thi môn vật lý và lịch sử. Không chỉ vậy, nhiều hội đồng thi ở tỉnh này sẽ còn “nghỉ xả hơi” tiếp do nhiều môn không có thí sinh nào đăng ký thi. Theo thống kê của Sở GD-ĐT Tiền Giang, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay hội đồng thi THPT Bình Phục Nhứt không có thí sinh nào đăng ký dự thi bốn môn: vật lý, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ.
Tại Lâm Đồng cũng có đến ba hội đồng thi đóng cửa “nghỉ xả hơi” trong ca thi môn lịch sử do không có thí sinh nào đăng ký dự thi. Đó là các hội đồng thi: Trường THPT Nguyễn Tri Phương (TP Bảo Lộc), Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (huyện Đam Rông) và Trường THPT Hoàng Hoa Thám (huyện Đức Trọng).
Những thí sinh thi sử một mình...
Hội đồng thi Trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) đã đặc cách cho phụ huynh của em K.L. - thí sinh dự thi môn lịch sử duy nhất tại hội đồng - được chạy xe máy vào sát phòng thi khi có quá nhiều người chú ý đến thí sinh này. K.L. là thí sinh được 18 người phục vụ trong quá trình làm bài thi lịch sử, gồm 1 chủ tịch hội đồng, 2 phó chủ tịch hội đồng, 2 thư ký, 3 giám thị và 10 người phục vụ, công an lẫn bảo vệ. Theo lịch thi, 17g30 ngày 2-6 kết thúc thời gian làm bài thi lịch sử. Tuy nhiên, L. lập tức được dẫn vào phòng chờ chứ không đi ra cổng trường như bình thường. Lý do là có nhiều hơn cả số người phục vụ cho bài thi lịch sử của L., trước cổng Trường THPT Quang Trung tập hợp đến hơn 20 phóng viên sẵn sàng máy ảnh, máy ghi âm chờ L. ra để phỏng vấn. Vì vậy, nhằm tránh cho thí sinh rơi vào trạng thái tâm lý không tốt do bị chú ý đặc biệt, nên hội đồng thi đã “giải thoát” cho L. bằng cách bố trí để bố L. đi xe máy thẳng vào trường đón L.. Tuy nhiên, dù có giải pháp đặc biệt này thì cũng phải gần 30 phút sau khi kết thúc giờ thi, L. mới được bố đưa ra khỏi trường. Tương tự, chiều 2-6, tại hội đồng coi thi Trường THPT Thái Lão, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), chỉ có một thí sinh dự thi môn lịch sử, đó là Đoàn Thị Nga (lớp 12A4 Trường THPT Thái Lão, huyện Hưng Nguyên). Thầy Nguyễn Duy Long - chủ tịch hội đồng coi thi Trường THPT Thái Lão - cho biết hội đồng thi duy trì 18 cán bộ phục vụ ca thi “đặc biệt” tại điểm thi này bao gồm lãnh đạo hội đồng, thư ký, thanh tra, giám thị, phục vụ và an ninh... “Sử không phải là môn quá khó và đơn giản là em yêu thích môn học này. Được thầy cô, bạn bè quan tâm giúp đỡ bồi dưỡng, củng cố kiến thức nên em thấy rất thoải mái, tự tin để vượt qua môn này và đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT” - Nga chia sẻ. Trong khi đó tại hội đồng thi Nha Trang đặt ở Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp Khánh Hòa, chỉ có một thí sinh dự thi là Lê Đình Đức (học sinh Trường THPT Lê Thánh Tôn). Thí sinh Đức cho biết: “Em thích học sử từ năm lớp 6 nên chọn môn này để thi. Em thấy đề bình thường và làm hết 100%. Ngồi một mình một phòng thi em cũng không thấy áp lực gì”. |
Vật lý: khó hơn năm trước Theo thầy Đồng Văn Ninh, tổ trưởng tổ vật lý Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM: “Đề thi vật lý năm nay khó hơn hẳn so với các năm trước, độ khó bằng với đề thi tuyển sinh hệ cao đẳng. Các câu hỏi thuộc dạng phân hóa hơi nhiều so với yêu cầu của một đề thi tốt nghiệp THPT dành cho học sinh trên cả nước, trong đó tôi đoán những học sinh thuộc vùng khó khăn sẽ rất vất vả để giải đề này cho trọn vẹn. Với đề này, học sinh trung bình rất khó lấy 5 điểm, học sinh khá, giỏi khó lấy 10 điểm. Theo tôi, một kỳ thi tốt nghiệp không nên cho ra đề độ khó như năm nay. Bởi như vậy e rằng năm sau các học sinh sẽ ngại, không dám đăng ký thi tốt nghiệp môn vật lý nữa”. Lịch sử: hay, vừa sức thí sinh Theo cô Trần Thị Hà, giáo viên môn sử Trường THPT Nguyễn An Ninh, TP.HCM, đề thi môn sử năm nay khá hay. Học sinh không chỉ học thuộc bài mà còn phải hiểu bài và biết vận dụng kiến thức để trả lời câu hỏi. Riêng câu 3 có hỏi về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của VN là cần thiết - yêu cầu giới trẻ phải biết quan tâm đến tình hình thời sự nước nhà. Với đề thi này, học sinh có học bài và hiểu bài (không học vẹt) chắc chắn sẽ được 8 điểm. Tương tự, theo cô Bùi My Thúy, giáo viên môn sử Trường THPT Gia Định, TP.HCM, câu 3 trong đề thi có câu hỏi mở liên quan đến biển đảo là một sự thú vị và có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Nó có tác dụng giáo dục học sinh cần phải có thái độ đúng đắn đối với vận mệnh của đất nước. |
Nguồn TTO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065