Vận động thanh niên ở thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số tham gia sinh hoạt đoàn gặp nhiều khó khăn do họ lập gia đình sớm và không có việc làm ổn định
Thanh niên chưa “mặn mà” với tổ chức đoàn
Qua tìm hiểu thực tế trên địa bàn tỉnh, tôi thấy tỷ lệ tập hợp đoàn viên thanh niên (ĐVTN) ở nông thôn đạt thấp. Số thanh niên đi làm xa, không tham gia sinh hoạt đoàn chiếm đến trên 70% tổng thanh niên trong tuổi đoàn, dẫn tới chất lượng hoạt động của đoàn chưa đáp ứng yêu cầu. Bài viết này tôi xin được lấy ví dụ ở Xã đoàn Long Tân, huyện Phú Riềng.
Xã đoàn Long Tân hiện có 212 ĐVTN tham gia sinh hoạt thường xuyên ở 7 chi đoàn thôn. Trong đó, chủ yếu là ĐVTN khối trường học, còn ở khối nông thôn phần đông đoàn viên đã lập gia đình nên không “mặn mà” với hoạt động đoàn. Số lượng đoàn viên ít, kinh phí eo hẹp, kỹ năng của cán bộ đoàn còn hạn chế... là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng sinh hoạt đoàn chưa cao.
Việc tập hợp thanh niên vào tổ chức đoàn gặp không ít khó khăn. Hơn nữa, phụ cấp dành cho cán bộ đoàn cơ sở hạn hẹp khiến nhiều người không nhiệt tình, tâm huyết với phong trào. Bình quân mỗi tháng, bí thư chi đoàn thôn được nhận phụ cấp 238 ngàn đồng, phó bí thư 207 ngàn đồng. Mọi chi phí đi lại, xăng xe phải tự bỏ tiền túi. Mặt khác, cán bộ đoàn ở thôn, ấp thường xuyên thay đổi bí thư do hết tuổi đoàn, lập gia đình hoặc đi làm xa. Có chi đoàn khuyết bí thư trong thời gian dài do không có người thay thế dẫn đến chất lượng sinh hoạt giảm, ảnh hưởng đến thực hiện các phong trào do đoàn cấp trên phát động.
Thôn 6, xã Long Tân hiện có 60 thanh niên trong tuổi đoàn nhưng chỉ có 34 đoàn viên tham gia sinh hoạt. Vì là thôn đặc biệt khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số nên việc vận động thanh niên tham gia sinh hoạt đoàn rất khó. Anh Nguyễn Đình May, Bí thư Chi đoàn thôn 6 chia sẻ: “Thanh niên trong thôn đa số bỏ học giữa chừng, không có việc làm ổn định. Để gắn kết thanh niên với tổ chức đoàn, Ban Chấp hành Chi đoàn thôn phải đi xin việc cho từng đoàn viên. Khi có việc làm ổn định, thanh niên sẽ yên tâm gắn bó với đoàn. Nhiều trường hợp cán bộ đoàn phải đi mỏi chân, nói mỏi miệng, vận động được rồi nhưng tham gia sinh hoạt vài lần rồi họ lại nghỉ. Do khó khăn về kinh tế nên thu đoàn phí càng nan giải, chưa nói đến vận động đoàn viên đóng góp để tham gia các hoạt động lớn. Nếu cán bộ đoàn không khéo léo thông báo thì buổi sinh hoạt lần sau sẽ vắng đồng loạt. Để có kinh phí hoạt động, Chi đoàn thôn 6 đang mượn 1 ha đất bỏ trống của UBND xã để trồng mì, số tiền thu được hằng năm chi cho các hoạt động của chi đoàn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt...”.
Chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của thanh niên
“Muốn tập hợp được thanh niên thì cần cho họ thấy được lợi ích của việc tham gia tổ chức đoàn, từ đó họ sẽ tự nguyện mà không cần vận động”. Chị Thị Tuyết, đoàn viên thôn 6, xã Long Tân |
Một trong những “chìa khóa” quan trọng giúp thanh niên đến với tổ chức đoàn là hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất. Đây là một trong những nhu cầu chính đáng của ĐVTN hiện nay. Trong khi thực tế nội dung, phương thức sinh hoạt hằng tháng của đoàn mới chỉ dừng lại ở việc triển khai nghị quyết, văn bản, lồng ghép các nhiệm vụ chính trị tại địa bàn khiến ĐVTN không mấy hào hứng. Việc giải ngân nguồn vốn cho vay cũng không dễ dàng vì có những mô hình kinh tế của thanh niên chưa chứng minh được tính hiệu quả. Chính sách cho thanh niên nông thôn vay vốn đang bị bó hẹp.
Một vấn đề khác là ngay tại địa bàn xã Long Tân, thanh niên sa vào các tệ nạn xã hội, cờ bạc, trộm cắp, gây mất an ninh trật tự... ngày một nhiều, đa số rơi vào thanh niên không tham gia tổ chức đoàn, hội. Chị Trịnh Thị Kim Oanh, Phó bí thư Xã đoàn Long Tân cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thanh niên không nhiệt tình tham gia tổ chức đoàn như điều kiện sinh hoạt, cơ sở vật chất, sân chơi cho thanh niên còn hạn chế, kinh phí hoạt động đoàn thiếu. Xã đoàn muốn tạo “điểm tựa” cho thanh niên phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp nhưng không có kinh phí nên “lực bất tòng tâm”. Mỗi năm, kinh phí hoạt động của Xã đoàn chỉ vỏn vẹn 15 triệu đồng, muốn tổ chức phong trào, hoạt động gì cũng phải cân nhắc. Các hoạt động gây quỹ vay vốn xoay vòng không được ĐVTN hưởng ứng. Vì vậy, gương thanh niên trong xã được giới thiệu, tuyên dương sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thanh niên nông thôn chiếm tỷ lệ lớn và là lực lượng lao động chính tại địa phương. Thu hút, tập hợp ĐVTN vào tổ chức đoàn là một trong những khâu then chốt để thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Phải làm gì để thanh niên nông thôn lập thân, lập nghiệp ngay trên quê hương mình và tích cực tham gia tổ chức đoàn - hội vẫn còn là câu hỏi lớn đặt ra không chỉ cho các cấp bộ đoàn mà cần có sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ, sát thực tế hơn của cấp ủy, chính quyền... các cấp trong tỉnh.
Ngân Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065