BP - Tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ đặc thù đẩy mạnh giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2018-2020. Nghị quyết bao gồm các mục tiêu cụ thể trên nhiều lĩnh vực, trong đó có chỉ tiêu “bình quân mỗi năm giảm 2% hộ nghèo người đồng bào DTTS”. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 23-7-2018. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng, bởi công tác giảm nghèo trong đồng bào DTTS còn nhiều vấn đề rất khó khăn.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện còn 10.760 hộ nghèo, trong đó 5.349 hộ nghèo DTTS, chiếm 49,71% tổng hộ nghèo; cận nghèo toàn tỉnh có 7.042 hộ, trong đó 3.097 hộ là đồng bào DTTS. Mỗi năm giảm 2%, đồng nghĩa phải giảm được 107 hộ đồng bào DTTS nghèo và 62 hộ cận nghèo. Trong những năm qua, bên cạnh những thành quả đầu tư đạt được trong vùng đồng bào DTTS, hiện vẫn còn một bộ phận đời sống rất khó khăn, thiếu tư liệu sản xuất, thu nhập chủ yếu từ làm thuê, mót mủ cao su... Do quen lối sống du canh du cư và thiếu hiểu biết, một số đồng bào chưa ý thức được tầm quan trọng của tư liệu sản xuất nên đã cầm cố, sang nhượng đất. Mặt khác, do trình độ dân trí của đồng bào DTTS bản địa, nhận thức về cuộc sống, về xã hội còn rất đơn giản và nhiều hạn chế; trình độ canh tác còn lạc hậu, hiệu quả sản xuất thấp, phát triển kinh tế hộ còn hạn chế nên không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống. Những phong tục lạc hậu gây tốn kém còn tồn tại; một bộ phận người DTTS nghèo vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo...
Từ chỗ nghèo, thiếu tiền trang trải cuộc sống sẽ gây ra những tiêu cực trong vùng đồng bào DTTS. Đó là tình trạng bán điều non, vay nặng lãi, cầm cố, sang nhượng đất... làm cho người dân bị mất đất, mất vườn điều, không còn tư liệu sản xuất, nguồn thu nhập chính cũng không còn; thậm chí mất luôn cả nhà ở từ chính sách hỗ trợ. Trong khi đó, việc vay mượn, bán non vườn điều, phần lớn là viết giấy tay, không có hợp đồng và trên giấy lại không thể hiện mức lãi suất nên việc thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi cho vay nặng lãi của người cho vay rất khó. Những người cho vay đều không mang tính chất chuyên nghiệp nên hành vi của họ không cấu thành tội cho vay nặng lãi. Từ đó cho thấy, dù chính quyền các cấp đã triển khai nhiều biện pháp nhưng bài toán giảm nghèo bền vững hiện vẫn chưa tìm được đáp án cho đồng bào DTTS.
Để thực hiện các chính sách dân tộc trong thời gian tới đạt hiệu quả, cần có sự vào cuộc chủ động với trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị. Cụ thể là giải quyết đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn, thiếu đất sản xuất; hoàn thành các dự án định canh định cư tập trung; tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS nghèo, vùng khó khăn vay vốn tín dụng ưu đãi đầu tư cho sản xuất... Với những chính sách hỗ trợ từ Trung ương và chính sách đặc thù của tỉnh, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo cho đồng bào DTTS mới có thể chuyển biến, tiến tới đạt mục tiêu mà nghị quyết HĐND tỉnh đã thông qua.
Hà Thanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065