Tôi đến Hoàng Sa năm 2014 - năm của sự tranh chấp biển đảo đang lên cao vì sự kiện 981, nhưng điều đó không khiến tôi nguôi nỗi khát khao được rong thuyển nhảy trên từng đợt sóng, hướng về phía mặt trời. Biển của ta trời của ta đây, chỉ một màu xanh với gió mà bão tố mà oai hùng. Sau một bài bữa nhậu đủ thân tình để gia đình người bạn tại Bình Sơn chấp nhận cho tôi theo đoàn thuyền anh chị ra khơi. Tôi được sống những ngày với Hoàng Sa trong mùa cá chuồn cồ.
Mùa cá bắt đầu từ chớm đông kéo dài đến tận tháng 7. Trời mưa rả rích, cá chuồn cồ theo dòng nước chảy xuất hiện và đẻ trứng. Ngư dân chỉ cần vượt sóng gió, ào ào lao ra Hoàng Sa, cho thuyền vào giữa rạng ngầm, tìm hướng nước chảy để đánh ngang. Nhưng bấy giờ đang mùa xuân, cá cũng không còn nhiều nữa, "phải chọn khu vực vành đai của rạng ngầm, nhằm hướng nước chảy giăng lưới" - anh nói với tôi như vậy.
Đêm đó khi tàu sắp nhổ neo, biển hơi lên cơn giông. Vị muối mặn nồng sộc vào khứu giác tôi lạnh buốt. Nhưng biển động mới là ngày "trúng đậm". Tôi ôm những tấm lưới đại thả vào boong. Anh bê một thùng mồi, lưỡi câu xếp lên be, nói cái này để thức đêm vừa nhậu vừa kiếm thêm. Mỗi tàu chúng tôi mang theo tới 400 - 500 tấm lưới, dàn một giàn lưới dài 7km, chờ quanh các đảo ngầm.
Chiếc đèn cao áp ngay mạn tàu được bật lên, thật lạ cho loài cá biển, cứ thấy ánh sáng là thi nhau lao tới. Bình thường cá chuồn bay trên mặt nước đến cả trăm mét, nhanh nhẹn, vùng vẫy là vậy, nhưng khi gặp ánh sáng lóa mắt, lao vào như con thiêu thân. Nhiều con lỡ trớn đâm đầu vào mạn tàu lăn quay, có con quá đà nhảy lên cả boong tàu. Chỉ trong chốc lát, lưới đã dính đầy cá với cặp cánh vẫy vẫy nom buồn cười chết. Cá chuồn vào lưới chỉ bị mắc nhẹ ở phần đầu, giũ lưới là văng ra.
Hoàng Sa chẳng hiểu có điều gì, thân cá chuồn to, xanh đậm, mỗi con đã nặng tới 3-4 cân. “Kéo lưới lên, bắt vài con chuồn cồ còn sống, thả vô nồi nước sôi, mùi thơm lựng cả thuyền, thịt ngon như gà luộc”. Anh châm điếu thuốc và kể chuyện những lúc họ khom lưng vá lưới chuẩn bị sang vụ sau; những bữa lái thuyền về mà say ngật ngà ngật ngưỡng, ông nói tui sẽ “oánh” lưới ở con nước này, ông bảo tui sẽ bủa lưới ở bản nước kia…,thêm vài cái “sẽ” thì cãi nhau om sòm, các bà vợ tay đẩy lưng chồng, miệng nói về về, về ngủ mai đi biển sớm. Anh kể tới đâu cả bọn đàn ông lại cười hề hề, vỗ đùi đét đét. Ừ đấy, đời sương gió các anh chắc lấy thế làm vui.
Bỗng dưng gió lên cấp 7, đánh một giác lưới không có cá. Biển động thật rồi. Nghĩ đến uổng chuyến đi chi phí cả đống tiền, anh em chúng tôi chần chừ mãi rồi cũng lao tàu đâm thẳng vào bão, tiến gần ra ngoài Hoàng Sa 100 hải lý. Sóng phủ kín tàu. Một đoàn 10 trai tráng im lìm tiếng nói, lòng tôi thon thót lo. "Đánh nhau" với thiên thiên kì thú đấy nhưng nhiều hơn cả vẫn là sợ hãi, tôi bắt đầu say sóng. Chưa bao giờ tôi được sống trong cảm giác ranh giới giữa chiến thắng và dập vùi mạnh như vậy, khi trước mắt tôi, những người đàn ông da nâu vạm vỡ đang chạy qua lại để sắp xếp đồ nghề và lái giữ tàu trong cơn gió mạnh. Tôi không biết họ có nghĩ gì không, có lẽ không, nhưng tôi thì có. Tôi nghĩ về cái Tết muộn màng quanh tròng nước mắt của người phụ nữ đợi chờ nơi bờ biển, vào buổi sáng bình minh nắng rạng. Tôi say sóng quá, lăn xuống bong, lưng đập bôm bốp vào mạn rồi mệt và xỉu đi, giây phút mắt khép lại đó tôi vẫn còn nguyên nỗi hung sợ về biển, về Hoàng Sa..
Thế mà có những bình mình không chỉ là buổi sáng, tôi đã gặp khi mở mắt ra là chói lòa những tia ấm, gió biển vẫn ào lộng trên cao nhưng sóng thì lăn tăn những bước nhẹ nhàng. Cạnh tôi, các anh đã bắc nồi nhậu mới, cá chuồn đầy trong khoang hãy còn vẫy vẫy cánh con. "Đi biển như bây thì vứt". Ngược sáng, những dáng hình đàn ông rắn câng vận mỗi quần xà lỏn, cười hào sảng và hình như cũng đã chuếnh choáng men phía sau lưng họ là biển yên gió lặng một màu xanh bát ngát, nhàn nhạt vệt bãi bờ, thật kì lạ, đẹp như tranh vẽ. Vựa cá lớn thế này, bảo sao biển "động", mà khi chiến thắng rồi, biển trả lại bình yên đã đầy hơn bao giờ.
Tôi còn năn nỉ theo đoàn được 2 -3 lần nữa, mặc dù anh chị ái ngại gương mặt ốm hom xanh mét của tôi mỗi khi người nôn nao trên sóng. Mãn mùa cá chuồn, lại có thêm nhiều chuyện hay về những ngày tháng trụ ở Hoàng Sa. Nhưng hình ảnh những ngư dân chân thấp chân cao trên bãi bồi, lưng vác lưới quăng lên tàu để mở biển. Những phụ nữ khom lưng vá đụp những tấm lưới bị cá chuồn xé toang. Những lão ngư tóc bạc râu dài ngâm nga câu thơ có từ xưa lắm: “Ai về nhắn với nậu nguồn/Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên”. Tôi khôn nguôi nhớ biển.
Nguồn Depplus
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065