Năm 2013, lượng nhập siêu cả năm của kinh tế Việt Nam chỉ ước khoảng 500 triệu USD. Như vậy, cán cân thương mại đã khá cân bằng sau một số năm chúng ta phải nhập siêu lớn. Thế nhưng, bài toán hiệu quả được đặt ra khi phần lớn kim ngạch xuất khẩu đang dựa vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong khi giá trị gia tăng cũng như việc thu thuế từ các doanh nghiệp này là rất hạn chế.
Thị trường mở rộng, xuất khẩu tăng
Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm 2013 ước đạt khoảng 132 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2012, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch của Quốc hội đề ra (là 126,1 tỷ USD, tăng 10%). Mặc dù trong năm, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn như giá xuất khẩu một số mặt hàng giảm, thị trường xuất khẩu tại một số khu vực bị thu hẹp..., song nhờ thích ứng tốt, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã xuất khẩu vượt mục tiêu đề ra, như: Dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện... Điều này đã phản ánh năng lực sản xuất hàng xuất khẩu của nền kinh tế ngày càng được mở rộng, cơ cấu hàng xuất khẩu từng bước đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng các sản phẩm qua chế biến.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên thị trường của gần 200 nước và vùng lãnh thổ. Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, các nước ASEAN thì xuất khẩu của nước ta sang thị trường mới như châu Phi, Trung Đông, Mỹ La-tinh đã có bước phát triển. Thời gian qua, các bộ ngành đã phối hợp tập trung kiểm soát nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu, góp phần từng bước giảm nhập siêu với tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả năm ước đạt khoảng 132,5 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2012. Nhập siêu cả năm 2013 ước khoảng 500 triệu USD, bằng 0,38% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mục tiêu của Quốc hội giao (là 8%), có nghĩa là cán cân thương mại về cơ bản là cân bằng.
Dệt may là lĩnh vực xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam hiện nay |
Thị trường Trung Quốc là nơi mà nền kinh tế Việt Nam phải nhập siêu lớn trong những năm qua, thì nay theo bà Nguyễn Việt Chi, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - Thái Bình Dương, đã có những dấu hiệu khả quan hơn. Tuy trong 10 tháng đầu năm 2013, mức nhập siêu từ Trung Quốc vẫn là 19,6 tỷ USD nhưng tốc độ nhập siêu đã giảm dần. Nếu như giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2008, tốc độ tăng nhập siêu trung bình của Việt Nam từ Trung Quốc là 85%/năm thì giai đoạn 2009 đến nay, tốc độ này chỉ còn 17%/năm. Xét về giá trị nhập siêu trên xuất khẩu, nếu như năm 2008 là 255% thì đến năm 2012 còn 133%. Từ chỗ mặt hàng công nghiệp có giá trị cao chỉ chiếm 10% lượng hàng chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc (giai đoạn 2009-2012) thì 10 tháng đầu năm 2013 đã là 50%. Việc xuất khẩu nhóm hàng nguyên nhiên liệu khoáng sản sang Trung Quốc đã giảm từ 55% còn 17%. Về nhập khẩu, hiện nay, khoảng 80% lượng nhập khẩu từ Trung Quốc là các nguyên phụ liệu, máy móc phục vụ sản xuất. Nhóm hàng tiêu dùng và nhóm hàng trong nước đã sản xuất được chỉ còn khoảng 0,8%. Với một số thỏa thuận quốc gia trong thời gian qua, cũng như xét về nhu cầu của thị trường Trung Quốc, tới đây, hàng nông sản Việt Nam có rất nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang nước láng giềng này.
Vai trò áp đảo của doanh nghiệp FDI
Theo các chuyên gia kinh tế, trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu tăng cao chủ yếu dựa vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong khi xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước giảm sút. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phân tích, khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp đến 65% giá trị xuất khẩu của cả nền kinh tế, tạo hơn 2 triệu việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Trong khi kim ngạch xuất khẩu lớn thì giá trị gia tăng tại Việt Nam của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (chủ yếu là lắp ráp, gia công) chỉ khoảng 10%-20%. Cùng với đó, lượng linh kiện, nguyên liệu nhập khẩu để phục vụ sản xuất của họ lại rất cao. Chỉ riêng Samsung Electronics Việt Nam nhập khẩu toàn bộ linh kiện điện thoại từ Samsung China để năm 2013 có thể xuất khẩu lên đến hơn 20 tỷ USD đã làm nhập siêu từ Trung Quốc tăng rất mạnh. Bên cạnh đó, tỷ trọng thu ngân sách từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài rất khiêm tốn, tối đa cũng chỉ đạt 14,3% tổng thu (năm 2011), trong đó chủ yếu là thuế giá trị gia tăng (chiếm 36% số thu từ doanh nghiệp FDI) là loại thuế do người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua hàng hóa.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng tỏ ý lo ngại trước sự lấn lướt của doanh nghiệp FDI trong nền kinh tế Việt Nam. Ông Trần Đình Thiên cho rằng, cần phải tìm ra những vấn đề về mặt thể chế đã kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp nội địa. Cũng theo ông Thiên, do Việt Nam mãi không có một nền công nghiệp phụ trợ đúng nghĩa đã khiến cho đất nước luôn phải nhập khẩu một lượng lớn các nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Cơ hội và thách thức từ hội nhập
Để mở rộng cơ hội xuất khẩu, trong thời gian qua, Việt Nam đã đàm phán, ký kết nhiều hiệp định kinh tế, thương mại với các đối tác thương mại lớn trên thế giới. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc đàm phán làm ăn với quốc tế cần phải hết sức thận trọng, nếu không sẽ gây khó khăn lớn cho các ngành công nghiệp trong nước. Ví dụ như trong thời gian qua, toàn bộ khâu vận tải biển của rất nhiều lô hàng xuất khẩu đều do các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện. Các doanh nghiệp vận tải biển trong nước có rất ít cơ hội tham gia vào quá trình này. Đây là điều đáng ngại cho việc thực hiện chiến lược kinh tế biển, trong đó vận tải biển là một ngành mũi nhọn.
Bộ Công Thương định hướng, trong thời gian tới đây, Việt Nam sẽ phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hơn 10%, nhập siêu được duy trì ở mức 6% hoặc thấp hơn nữa so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mới là các mặt hàng chế tạo có công nghệ trung bình và công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, phù hợp với xu hướng tiêu thụ của thị trường thế giới, phù hợp với lợi thế của Việt Nam. Các cơ quan quản lý không khuyến khích và có lộ trình hạn chế đầu tư sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp hoặc lĩnh vực sản xuất gây ô nhiễm môi trường.
Các doanh nghiệp Việt Nam được khuyến khích tập trung khai thác cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Ấn Độ... đồng thời khai thác các thị trường tiềm năng như: Nga, Đông Âu, châu Phi, Trung Đông và Mỹ La-tinh.
Việt Nam sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, các biện pháp tự vệ khẩn cấp, áp thuế chống bán phá giá, các tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động thực vật... ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, tranh thủ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới để đa dạng hóa thị trường nhập khẩu và nhập khẩu công nghệ nguồn.
Bộ Công Thương cho biết, sẽ tập trung ưu tiên mọi nguồn lực để hoàn thành đầu tư xây dựng một số công trình then chốt về năng lượng, cơ khí chế tạo, khai khoáng, hóa chất, hóa dầu, hóa dược..., công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ xuất khẩu nhằm giảm lượng nhập khẩu.
(Theo QĐND)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065