Làm nhang đòi hỏi sự khéo léo, bí quyết pha trộn hương liệu riêng mới tạo ra sản phẩm độc quyền
Những ngày này, không khí làm việc của gia đình ông Khánh khẩn trương hơn. Mỗi người mỗi việc, người se nhang, người phơi, người đóng gói... tất cả tạo thành một dây chuyền sản xuất khép kín. Hòa lẫn trong mùi thơm đặc trưng của trầm là tiếng cười nói rôm rả của các thành viên trong gia đình.
Luôn tay đưa tăm nhang vào máy se, trong câu chuyện với chúng tôi, ông Khánh kể: “Gia đình tôi 3 đời sống bằng nghề làm nhang. Tôi cũng đã 20 năm gắn bó với nghề. Trước kia làm nhang đâu có máy móc, mọi công đoạn đều phải làm thủ công nhưng số lượng, chất lượng cũng không thua bây giờ. Để đáp ứng nhu cầu mua nhang trầm ngày một nhiều, gia đình tôi đầu tư 2 máy làm nhang trị giá hơn 30 triệu đồng. Do không có nguyên liệu tại chỗ nên tất cả đều vận chuyển từ quê Thái Bình vào”.
“Nghề làm nhang đòi hỏi sự khéo léo, bí quyết pha trộn hương liệu riêng mới tạo ra sản phẩm độc quyền. Để làm nên một cây nhang, trước tiên phải chẻ chân nhang. Chân nhang làm bằng tre, nứa dày và phải là loại tre già. Nguyên liệu làm nhang trầm gồm: trầm, hương bài, quế, hồi, trám, bột keo, bã mía... tất cả xay nhuyễn, trộn với tỷ lệ cứ 10kg nguyên liệu với 1kg nước. Trộn bột là khâu khó nhất, đòi hỏi người thợ phải đều tay. Đổ nước vào nguyên liệu sao cho nước thấm từ từ vào bột đến khi bột đạt độ dẻo. Cho nước nhiều sẽ khiến bột bị nhão và tốn nhiều bột áo, khi se nhang sẽ bị móp. Đặc biệt, nếu trộn quá nhiều keo thì khi thắp nhang sẽ bị tắt” - ông Khánh chia sẻ.
Sản phẩm nhang trầm của gia đình ông Khánh chưa bao giờ bị ế, vì nhu cầu của người dân ngày một cao, đặc biệt vào ngày rằm, mồng một, lễ, tết. Để đủ hàng cung ứng trong năm, mùa nắng phải làm nhiều để trữ hàng cho những tháng mưa.
Theo ông Khánh, để nhang giữ được hương thơm và màu sắc đẹp thì làm xong phải phơi nắng, không nên bỏ vào lò sấy. Trời nắng thì phơi nhang 1 ngày, tiết trời râm phải phơi 2-3 ngày nhang mới khô, chắc và giữ được mùi thơm. Một cây nhang đạt yêu cầu là khi thắp cháy đều, không tắt nửa chừng, tỏa mùi thơm dịu, lâu tàn. Tàn nhang cháy xong phải nằm nguyên trên thân nhang hoặc cong vòng, không rụng, gãy.
Bà Nguyễn Thị Vân - vợ ông Khánh cho biết: “Từ đầu tháng 10 đã có nhiều khách hàng gọi điện đặt mua nhang nên gia đình cũng tăng cường chuẩn bị nguyên liệu làm cho kịp. Trung bình mỗi ngày gia đình tôi làm khoảng 10.000 cây nhang lớn và 20.000 cây nhang nhỏ. Ngày tết, số nhang tăng gấp 2-3 lần mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện sản phẩm của gia đình tôi cung ứng cho các tỉnh Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, bán chạy nhất vẫn là khách trong tỉnh. Ngoài nhang se, gia đình tôi còn làm nhang giấy. Nhang giấy thực hiện đơn giản hơn vì ít công đoạn. Vì làm thủ công nên cũng cần bàn tay khéo léo và sự kiên nhẫn. Hiện nhang tăm nhỏ bỏ sỉ với giá 10 ngàn đồng/100 cây, nhang tăm lớn có giá 60 ngàn đồng/70 cây”.
Tết đến xuân về, bên cạnh mang lại thu nhập, gia đình ông Khánh đã, đang lưu giữ nghề thủ công truyền thống mang đậm nét văn hóa tâm linh của dân tộc trong lòng thị xã.
Ngân Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065