Bình Phước online ngày 15-5-2015, đăng thông tin: Tòa án huyện Bù Đăng đưa ra xét xử vụ án vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Trong vụ án này, người lái chính đồng thời cũng là người điều khiển xe tải gây ra tai nạn. Tuy nhiên, người phụ xe cũng có bằng lái và cùng đi trên chuyến xe hôm đó đã khai báo mình gây tai nạn rất thành khẩn và tỏ rõ thái độ ăn năn, hối cải trước tòa cũng như người bị hại. Người lái xe chính và là chủ xe cũng khai không khác gì người phụ xe, rằng phụ xe là người xin điều khiển để người lái chính có thời gian nghỉ ngơi chuẩn bị cho đoạn đường dài tiếp theo. Mọi lời khai tại kết luận điều tra trong cáo trạng đều phù hợp với các chứng cứ cơ quan điều tra cũng như viện kiểm sát đã thu thập được. Tại phiên tòa sơ thẩm không có gì thay đổi, bị cáo còn tỏ thái độ tự tin, khai báo rành mạch... Nhưng sau khi bản án được tuyên, bị cáo xây xẩm mặt mày. Và ngay ngày hôm sau, tòa án nhận được một lá đơn kháng cáo. Nội dung của lá đơn này đã “trình bày toàn bộ sự thật” và bản án sơ thẩm sau đó đã bị hủy để điều tra lại.
Nhận tội thay người khác là hành vi vi phạm pháp luật hình sự và tất nhiên sẽ bị xử lý theo luật hình sự. Trong ảnh: Một phiên xét xử lưu động của Tòa án nhân dân thị xã Đồng Xoài (ảnh minh họa) - Nguyễn Bình
Vụ án thứ hai, bị cáo bị buộc tội cố ý gây thương tích. Do mâu thuẫn cá nhân nên D rủ P đến nhà “dạy” cho N biết thế nào là “lễ độ”. Khi đi, P thủ sẵn trong người con dao Thái Lan nhưng D không biết. Lúc đến nhà N thì trời đã tối và lúc đó chỉ có N ở nhà và D, P đã lao vào đấm đá N túi bụi. Trong lúc N đang ôm đầu cúi mặt xuống đất chịu trận thì P rút con dao ra đâm một nhát vào vai N rồi cùng D bỏ chạy. Sau đó, N đã đi trình báo công an. Bản thân N không biết ai đâm mình. Về nhà, D trách P sao lại đâm N thì P nói rằng muốn dằn mặt N thôi. Sau đó D và P bàn nhau, vì cha mẹ D khá giả và vết thương của N không nặng lắm nên cả hai nghĩ rằng chắc được hưởng án treo. Sau đó, D nhận tội thay cho P. Lời khai hoàn toàn phù hợp với tất cả chứng cứ, con dao D giao nộp cũng có dấu vân tay của D. Nhưng khi bản án sơ thẩm tuyên không như suy tính nên D đã kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, cả D và P đều khai lại là P mới là người mang theo dao và trực tiếp đâm N.
Gần đây, theo Công an Nghệ An online, lúc 22 giờ ngày 31-7-2017, Nguyễn Doãn Khải, ngụ xóm 3A, xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên cùng Nguyễn Tú Hùng (33 tuổi, trú cùng địa phương) và một số người khác đi xem buổi tập văn nghệ chuẩn bị cho ngày 2-9 ở nhà văn hóa xóm. Tại đây đã xảy ra mâu thuẫn nhưng được mọi người can ngăn. Ấm ức vì bị đánh, Khải quay về nhà lấy dao rồi cùng anh trai là Nguyễn Doãn Lan đi tìm Hùng để giải quyết mâu thuẫn. Vừa gặp nhau, Hùng vung tay đấm vào mặt Lan. Thấy anh trai bị đánh, Khải rút dao đâm một nhát vào cổ khiến Hùng gục xuống. Gây án xong, hai anh em Lan rời khỏi hiện trường. Biết tin nạn nhân đã tử vong, ông Nguyễn Doãn Vinh (60 tuổi) đã khuyên con đi đầu thú. Lúc đó, Lan nói xen vào rằng để anh đi tù thay. Khải ở nhà có nhiệm vụ chăm sóc cha mẹ và trả nợ. Sau khi thống nhất, Lan đến gặp công an và khai nhận là người gây ra vụ án mạng. Ngày 4-8, cơ quan công an đã khởi tố Lan về hành vi “giết người”. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra thêm, cảnh sát nhận thấy có nhiều điểm nghi vấn nên tiếp tục làm rõ. Theo kết quả phân tích, Nguyễn Doãn Lan không phải là hung thủ gây ra cái chết cho nạn nhân Hùng, mà người gây án thực sự được cảnh sát xác định là Khải.
Từ những vụ án đã nêu cho thấy, hành vi nhận tội thay cho người khác được đặt trong nhiều tình huống khác nhau, người nhận tội thay người khác có thể là vì lý do tình cảm, hay vấn đề đạo đức, hoặc hoàn cảnh gia đình. Cụ thể là Nguyễn Doãn Khải trong vụ án đã nêu là người trực tiếp gây ra cái chết của Hùng, nhưng Nguyễn Doãn Lan lại nhận tội thay em. Ở đây có nhiều lý do, phần vì Khải là lao động chính trong gia đình, Khải bị phạt án tù giam thì gia đình sẽ lâm vào hoàn cảnh khó khăn hơn và nợ nần của gia đình không biết khi nào trả hết. Hơn nữa, bản thân Lan có bệnh tâm thần nên nếu có bị kết án thì cũng nhẹ hơn... Hoặc như hai vụ án xảy ra tại huyện Bù Đăng đã nêu, vì tình cảm giữa chủ và người làm công và vì quan hệ bạn bè thân thiết nên người phụ xe và D đã đứng ra nhận tội thay cho chủ xe và P.
Giả dụ như cơ quan điều tra và cơ quan xét xử đều tin vào lời khai của các đối tượng và tuyên án như hồ sơ, thì chắc chắn cả 3 vụ án này đều bỏ lọt tội phạm, đồng thời xử oan người vô tội. Vấn đề đặt ra ở đây là hành vi nhận tội thay sẽ bị xử lý như thế nào? Và câu trả lời là hành vi nhận tội thay người khác là vi phạm pháp luật hình sự, có thể phạm một trong ba tội, đó là: Tội che giấu tội phạm (Điều 21) hoặc tội không tố giác tội phạm (Điều 22) hay tội khai báo gian dối (Điều 307, Bộ luật Hình sự hiện hành). Cụ thể, về tội che giấu tội phạm, Điều 21, Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định như sau: Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện, đã che giấu người phạm tội, các dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà bộ luật này quy định. Và Điều 22 về tội không tố giác tội phạm, có quy định: Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 313 của bộ luật này. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 313 của bộ luật này.
Về tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật, Điều 307 của Bộ luật Hình sự quy định như sau: Người giám định, người phiên dịch, người làm chứng nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: Có tổ chức; Gây hậu quả nghiêm trọng. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 3-7 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Như vậy, việc nhận tội thay người khác là hành vi vi phạm pháp luật hình sự và tất nhiên sẽ bị xử lý theo luật hình sự. Vì vậy, mong rằng đừng ai vì bất cứ một lý do nào mà dại dột nhận tội thay cho người khác để bản thân lâm vào vòng lao lý, còn người phạm tội lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065