Theo kết quả điều tra xã hội học tháng 7-2016 của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, trong 5 năm trở lại đây, một trong 5 biểu hiện suy thoái xuất hiện nhiều trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là “ngại học tập lý luận chính trị, nghiên cứu các nghị quyết của Đảng, không am hiểu thực tiễn”.
Sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn các thế hệ cán bộ cách mạng về vai trò của lý luận. Bác chỉ ra rằng: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”, “Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp”. Vai trò của lý luận trong định hướng, dẫn dắt hoạt động thực tiễn trên tất cả lĩnh vực là điều không thể phủ nhận.
Cán bộ các ban, ngành của tỉnh dự lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức lãnh đạo quản lý (đối tượng 4) - Ảnh: K.B
Hiện nay, do sai lệch trong cách nghĩ, từ thái độ coi thường vai trò của lý luận nên dẫn đến tình trạng một số cán bộ, đảng viên ngại học tập lý luận, học tập mang tính đối phó, chiếu lệ, cốt chỉ để có bằng cấp, để phù hợp với tiêu chuẩn đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; việc học tập lý luận đối với bộ phận cán bộ, đảng viên này trở nên khiên cưỡng, mất tính tự giác, vốn là yếu tố quan trọng bậc nhất ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Bằng cấp trong những trường hợp như vậy vô tình trở thành “vật trang trí”, làm “đẹp hồ sơ”, không còn vai trò đúng nghĩa là thước đo trình độ lý luận, “vũ khí” lý luận được trang bị để hoạt động thực tiễn được đúng đắn, thành công, thậm chí bị mất tác dụng, phản tác dụng.
Hiện tượng này cũng xuất hiện trong một số cán bộ lãnh đạo đã qua đào tạo lý luận chính trị. Tại buổi gặp gỡ trí thức của lãnh đạo tỉnh Bình Phước đầu xuân 2015, một lãnh đạo cấp sở đã cho rằng việc đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính hiện nay là phí phạm, mất thời gian vì cán bộ có bằng đại học trở lên đã học chính trị trong chương trình đào tạo đại học, sau đại học, là tương đương trung cấp lý luận chính trị. Vị này đã phiến diện khi không xem xét thấu đáo các mặt của vấn đề, đặc biệt là sự khác biệt của hệ thống cơ sở đào tạo, phương pháp, mục tiêu đào tạo. Đào tạo đại học có mục tiêu chính là chuyên môn, chuyên ngành sâu; lý luận chính trị trong chương trình đào tạo đại học chỉ là khái quát, mang tính định hướng nhãn quan chính trị. Trong khi đó, đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính là đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Phương pháp giáo dục lý luận chính trị sinh viên ở cơ sở đào tạo đại học, sau đại học cũng không thể so sánh với việc giáo dục, rèn luyện học viên là cán bộ, đảng viên trong hệ thống trường đảng.
Nhận thức sai lầm đến mức lãnh đạo một phòng cấp huyện tại Bù Đốp có công văn gửi Huyện ủy Bù Đốp đề xuất cho cán bộ đi học lý luận chính trị để “trả nợ”, vì các đồng chí lãnh đạo các đơn vị sắp đến hạn bổ nhiệm lại mà chưa có trình độ lý luận chính trị trung cấp. Từ nhận thức này của một số lãnh đạo, một số học viên khi đi học lý luận chính trị cũng mang tâm lý học “trả nợ”, học chỉ vì bằng cấp, không chuyên tâm học tập, nghiên cứu mà chỉ tìm cách đối phó, cho “xong chuyện”.
Về phía cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, có hiện tượng việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đánh đồng tiêu chuẩn lý luận chính trị là bằng cấp, miễn có bằng là được, không kể loại gì. Đây cũng là yếu tố triệt tiêu động lực phấn đấu học tập, rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Thậm chí “đang học” cũng được xem là đã đáp ứng điều kiện trình độ lý luận chính trị, vì suy luận rằng “đang học” ắt đương nhiên là sẽ “có bằng”. Ngoài ra, học viên còn có biểu hiện “chê” lớp này, “chọn” lớp kia, đang học trung cấp xin nghỉ để học cao cấp; nghĩ mình xứng đáng được học cao cấp chứ không phải học trung cấp; rằng học trung cấp cũng phí phạm vì đằng nào rồi cũng sẽ học cao cấp.
Về phía cơ sở đào tạo, Trường Chính trị tỉnh Bình Phước dù đã nỗ lực không ngừng nhưng vẫn còn những hạn chế cần tiếp tục khắc phục. Việc thiếu hụt đội ngũ giảng viên trong điều kiện phải mở lớp liên tục khiến giảng viên “quá tải”; các giảng viên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm; một số cán bộ quản lý, giảng viên nhà trường còn có biểu hiện chưa đúng, làm mất niềm tin trong học viên; chương trình và phương pháp đào tạo còn chậm đổi mới so với nhu cầu và kỳ vọng của học viên. Những điều này nhà trường cũng cần nghiêm túc nhìn nhận là một trong những lý do góp phần vào căn bệnh “lười học” của cán bộ, đảng viên.
Nghĩ rộng hơn, khi đã được trang bị phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, thì việc học tập lý luận chính trị không chỉ học trong nhà trường mà là quá trình tự rèn luyện, tự học tập không ngừng. Việc nghiên cứu vận dụng lý luận vào thực tiễn công tác một cách đúng đắn, thiết thực góp phần củng cố lý luận đã học, làm sinh động thêm, bổ sung những luận cứ chứng minh cho tính đúng đắn và vai trò quan trọng của lý luận. Khi đó, lý luận đã thật sự trở thành vũ khí, thành phương tiện cho việc thực hiện tốt nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên. Bằng cấp lý luận thật sự là chỉ dấu ghi nhận trình độ và khả năng vận dụng lý luận, không còn là “vật trang trí” như những quan niệm sai lầm cần phê phán.
Qua các giai đoạn cách mạng khác nhau, điều kiện, hoàn cảnh lịch sử khác nhau, nhưng tính thời sự trong việc học và vận dụng lý luận vào thực tiễn vẫn còn nguyên giá trị. Bác Hồ từng chỉ ra rằng “kém về lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông mà nhiều cán bộ, đảng viên của ta mắc phải bệnh chủ quan. Cũng vì kém lý luận mà cán bộ ta gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại”.
Coi thường vai trò của lý luận (khinh lý luận) thường kéo theo nhiều biểu hiện, hành vi khác không đúng. Ngoài chuyện lười học lý luận còn có biểu hiện học nhưng không hành, không vận dụng, không áp dụng; thậm chí còn có biểu hiện chỉ trích lý luận, hoài nghi tính đúng đắn của lý luận; làm sai lý luận nhưng lại cho rằng lý luận sai. Đó cũng chính là hệ quả của việc học lý luận không đến nơi, nhận thức lý luận nông cạn, giáo điều. Việc nhận diện một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị “nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị” trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII yêu cầu cán bộ, đảng viên trước hết phải tự soi lại mình; các cấp ủy đảng phải quán triệt sâu sắc đến từng đảng viên về vai trò cực kỳ quan trọng, thiết thực của lý luận và học tập lý luận chính trị, góp phần vào việc thực hiện thành công sự lãnh đạo của Đảng, đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.
Nguyễn Thuyên
Trường Chính trị tỉnh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065