Một nhược điểm, tật xấu trong văn hóa của người Việt tồn tại rộng trong xã hội là ý thức tự giác rất kém. Có vô vàn câu chuyện để chứng minh điều đó trong cuộc sống. Và chưa bao giờ các phương tiện truyền thông lại phản ánh những hành vi thiếu tự giác của người dân nhiều như bây giờ. Trong giao thông, có quá nhiều hình ảnh phóng nhanh vượt ẩu, lấn đường, vượt đèn đỏ, chạy xe sau khi uống rượu, bia. Thậm chí khi vi phạm bị cảnh sát giao thông tuýt còi họ còn phản ứng, chống người thi hành công vụ. Có quá nhiều trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, vứt rác bừa bãi. Trong hội họp, không ít trường hợp ngồi đọc báo, làm việc riêng, không tắt chuông điện thoại. Trong công việc có quá nhiều trường hợp chây ỳ, đùn đẩy trách nhiệm, lao động ít nhưng đòi hỏi nhiều...
Một trong những nguyên nhân dẫn tới ý thức tự giác kém trong xã hội hiện nay là việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, chưa lấy thực thi pháp luật để duy trì trật tự xã hội. Kéo theo đó là những trường hợp đi ngang về tắt, lách luật, lợi dụng chính sách, lợi dụng người khác... ngày càng nhiều. Đặc biệt, căn bệnh thành tích ngấm sâu trong xã hội đã và đang hủy hoại tính tự giác của cộng đồng. Đáng lo hơn là bệnh thành tích đã tác động rất mạnh tới tính trung thực trong xã hội, trong lớp trẻ, lôi kéo lớp trẻ vào những thành tích ảo. Điều đó còn làm cho lớp trẻ không nỗ lực trau dồi để có năng lực thật, có nghị lực vượt qua khó khăn, làm cho thế hệ trẻ dễ mất niềm tin, mất tự tin. Bệnh thành tích trong nhà trường cũng lấy đi của lớp trẻ nhiều phẩm chất và năng lực để trở nên bản lĩnh, sáng tạo...
Mọi hành động đều xuất phát từ ý thức của con người. Ý thức tự giác không phải sinh ra đã có, mà cần được rèn luyện, được chọn lọc để tạo nên những thói quen trong cách nghĩ, cách hành động nhằm nâng cao giá trị của bản thân. Ý thức tự giác cũng cần được nhân rộng trong cả cộng đồng để tạo nên một xã hội, một đất nước, một dân tộc có ý thức tự giác cao.
Vì thế, điển hình tự giác của tiểu thương và các hộ kinh doanh tại xã Tân Tiến đồng lòng ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè, lề đường rất cần được nhân rộng ra 111 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, rộng hơn là trên phạm vi cả nước. Và không chỉ nhằm mục đích tạo nên đường thông hè thoáng, ý thức tự giác cần được phát động và thực hiện ở tất cả các mặt trong đời sống xã hội, trong mọi hoạt động của con người, từ mỗi cá nhân, từng gia đình, từng công sở... Khi đó, chắc chắn không chỉ đất nước sẽ phát triển nhanh hơn, mà văn hóa của người Việt Nam được nâng lên, hình ảnh của con người Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới cũng tốt đẹp hơn rất nhiều.
Trong xã hội, những trường hợp tự giác giải phóng mặt bằng để thực hiện các công trình xây dựng ít được biết đến, mà thay vào đó là những trường hợp chây ỳ, ngoan cố, lợi dụng chính sách. Nhiều dự án đã “khóc ròng” vì việc này. Điển hình như dự án đường Trần Hưng Đạo nối dài trước đây bị hủy bò vì người dân không những không tự giác giải tỏa mà còn xây nhà tạm trong khu quy hoạch dự án đã được đền bù. Rất nhiều dự án ở thị xã Đồng Xoài trước đây đã phải hủy bỏ vì rơi vào cảnh tương tự...
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065