Bắt đầu từ năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21-4 là ngày Sách Việt Nam. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, văn hóa đọc đang bị mai một thì việc tổ chức ngày Sách Việt Nam hàng năm sẽ có tác dụng khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách truyền thống, phát triển văn hóa đọc. Ngày Sách Việt Nam cũng sẽ là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách trong đời sống.
Nhân sự kiện ngày Sách Việt Nam sắp được tổ chức, tôi bỗng nhớ cái cửa hàng sách ở gần Bưu điện huyện, mang tên Hiệu sách nhân dân huyện Quảng Xương từ khi tôi còn bé tý. Năm chỉ đôi lần hiệu sách đông khách. Người ta chen nhau trong hiệu sách những ngày giáp tết không phải để mua sách mà là mua ảnh Bác Hồ cùng các câu khẩu hiệu, câu đối, tranh ảnh, cả hoa giấy về treo cho đẹp nhà. Ngày thường, hiệu sách chỉ bán văn phòng phẩm, sách khoa học thường thức, Báo Nhân dân, Báo Quân đội và vài cuốn tạp chí của Liên Xô. Sách văn học thường chỉ có vài cuốn tiểu thuyết của các tác giả trong nước, nhiều nhất là sách truyện thiếu nhi. Còn những cuốn sách văn học kinh điển, sách nghiên cứu thì phải lên hiệu sách của tỉnh mới có. Thế nhưng hiệu sách nhân dân huyện luôn là thế giới mơ ước của tôi cùng đám bạn thuở nhỏ.
Bạn đọc trẻ đọc sách tại Thư viện tỉnh - Ảnh T.L
ào dịp trước mỗi năm học, tôi thường xin mẹ một lứa rau, tự hái mang ra chợ bán. Được vài đồng lẻ là nhào ngay vô Hiệu sách nhân dân chọn lấy một cuốn họa báo Liên Xô đem về tách ra để bọc sách vở. Ngày đó giấy còn rất hiếm. Giấy để viết còn chưa đủ, huống hồ giấy bọc sách vở. Vì thế, sách vở được bọc, mà được bọc bằng họa báo thì oách lắm. Những lúc đứng trong hiệu sách, tôi thường mê mẩn nhìn các bìa sách với những cái tên mới đọc lên đã gợi trí tò mò khủng khiếp. Đội thiếu niên du kích Đình Bảng, Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt, Dưới đám mây màu cánh vạc, Nắng Đồng Bằng, Không gia đình, Thuyền trưởng và đại úy... Tôi đã đọc những cuốn sách ấy nhưng không được sở hữu chúng mà phải dành dụm tiền bán rau để thuê đọc theo ngày. Để ít tốn tiền, tôi thường lén lút đọc trộm trong giờ học buổi tối ở nhà và cả giờ học trên lớp. Thậm chí vừa nấu cơm, vừa băm rau lợn vừa đọc, đến nỗi băm gần đứt ngón tay.
Khi tôi vào trung học, đám bạn trong lớp đã lén lút chuyền tay nhau cuốn tiểu thuyết “Nhãn đầu mùa”. Câu chuyện kể về hoạt động của đội nữ du kích Hoàng Ngân ở quê nhãn Hưng Yên mà xuyên suốt là mối tình lãng mạn cách mạng của cô du kích xinh đẹp tên Tý với anh bộ đội. Trái tim tôi đã rung lên trước hình ảnh những người con gái xinh đẹp, dịu dàng nhưng dũng cảm ngoan cường. Nó gợi sự tương phản giữa cái đẹp mong manh của người con gái tuổi trăng tròn với sự tàn ác của kẻ thù mang đầy súng đạn. Nó đối lập giữa một bên là cái chết cận kề với tình yêu phơi phới căng tròn như những trái nhãn đầu mùa. Cuốn sách đã lấy của tôi khá nhiều nước mắt.
Vậy mà bây giờ, khi một tháng lương đã có thể mua hàng chục cuốn sách, khi các cửa hàng sách không thiếu một loại sách nào thì tôi không còn duy trì được thói quen đọc sách như xưa mà chỉ có thể xem tin tức trên báo bởi không có thời gian. Bây giờ, người ta đọc sách mà không cần cầm sách trên tay. Bạn có thể đọc sách trên mạng, đọc sách điện tử (ebook). Từ khi loài người phát minh ra sách điện tử, đã có người lo lắng một ngày nào đó, sách truyền thống sẽ không còn nữa. Nhưng từ bản thân mà tôi suy ra rằng sẽ không bao giờ có chuyện đó, bởi cái thú đọc sách đâu chỉ do cốt truyện mang lại. Cứ hình dung một cuốn sách dù hay đến mấy mà lưu cái truyện trên ebook thành một file rồi cầm máy đọc, hoặc thậm chí in ra giấy A4 để đọc thì còn gì là thú vị nữa. Nó khác xa cái cảm giác khi cầm trên tay một cuốn sách xinh xắn, có bìa, có gáy, có cái tua để đánh dấu trang. Đọc trên máy không thể gợi cho ta nỗi háo hức khám phá, giống như lần đầu mua được một cuốn sách hay vậy.
L.T
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065