Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cho rằng, bài học lớn nhất, mang tính chất quyết định trong đấu tranh cách mạng là cần bám dân, thấy được vai trò của nhân dân
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười sinh ngày 2-2-1917 tại xã Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội. Tuổi thơ của ông gắn liền với xã anh hùng của huyện Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sóng gió đã tôi luyện ông trở thành người cộng sản kiên cường.
Trên mảnh đất giàu truyền thống đó, người con ưu tú Đỗ Mười đã sớm đi theo ánh sáng chân lý của Đảng và tham gia hoạt động cách mạng khi mới 19 tuổi và trở thành người cộng sản của Chi bộ Đông Phù - Chi bộ cộng sản đầu tiên ở ngoại thành Hà Nội, khi mới 22 tuổi.
Trong quá trình hoạt động, năm 1941, ông bị Pháp bắt và kết án 10 năm tù ở Hỏa Lò - Hà Nội. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, tháng 3-1945, ông cùng các đồng chí tù chính trị tổ chức vượt ngục thành công và trở về hoạt động khi cao trào cách mạng đang lên. Sau đó, Đảng phân công ông làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông, trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giành chính quyền tại địa phương trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Dù đã gần tròn 100 tuổi nhưng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vẫn nhớ như in những ngày mùa thu cách mạng cách đây tròn 70 năm. Ông bồi hồi kể: “Đêm trước ngày Quốc khánh đầu tiên diễn ra, tôi không tài nào ngủ được bởi tâm trạng thật khó tả. Sáng ra, tôi lại phải đi công tác Hà Nam sớm nên không đến để dự lễ Quốc khánh được, chỉ nghe qua đài lời Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ. Khi nghe Bác hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” rồi tiếng vỗ tay ầm ầm của nhân dân ở quảng trường, tôi xúc động lắm, nước mắt cứ thế trào ra. Vậy là sau bao nhiêu năm lầm than, cơ cực giờ đây đất nước, nhân dân mới được độc lập, tự do!”.
Trong cuộc đời hoạt động của mình, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo trong Đảng, trong chính quyền, từ Bí thư cấp ủy tại một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính và Chính ủy Tư lệnh Liên khu III; Bí thư Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến và Chính ủy Tư lệnh Khu Tả ngạn sông Hồng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đến đứng đầu nhiều bộ, ngành, nhiều năm lãnh đạo Chính phủ với cương vị Phó Thủ tướng và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đến đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư của Đảng từ năm 1991 đến năm 1997.
Nói về vị lãnh đạo đã có công đặt nền móng cho công cuộc xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng viết rằng: “Nhìn lại, chúng ta càng thấy tính sáng suốt, đúng đắn trong các Nghị quyết của Đảng lúc bấy giờ, càng nhận thấy sự đóng góp to lớn của đồng chí Đỗ Mười với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta". Và “Ngay cả những ngày đầu của nhiệm kỳ Tổng Bí thư, đồng chí Đỗ Mười đã cùng lãnh đạo Đảng và Nhà nước chỉ đạo thực hiện chủ trương khôi phục và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với các nước, gia nhập khối ASEAN; bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ; khai thông quan hệ với các định chế tài chính quốc tế… Những thành tựu ngoại giao này đã mở ra cho đất nước một thời kỳ mới, tạo tiền đề chủ động hội nhập kinh tế quốc tế…”.
Nghỉ công tác đã lâu nhưng nguyên Tổng Bí thư vẫn giữ giờ giấc như ngày còn đương chức, vẫn thức khuya, dậy sớm nghiên cứu tài liệu, gặp gỡ các nhà khoa học, bạn bè, đồng chí để tìm hiểu những vấn đề mới, luận bàn về công việc của đất nước, về xây dựng Đảng; tâm huyết đề xuất với Đảng và Nhà nước nhiều công việc quan trọng.
Ông là người luôn nghĩ đến lợi ích của nhân dân, của dân tộc và luôn thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Do đó, ông luôn gắn bó với nhân dân, quan tâm đến đời sống của các tầng lớp nhân dân, sẵn sàng đối thoại với dân, lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; luôn trăn trở về các chủ trương, chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; đó cũng chính là bản chất, là tính cách tự nhiên của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cho rằng, bài học lớn nhất, mang tính chất quyết định trong đấu tranh cách mạng là cần bám dân, thấy được vai trò của nhân dân. Nếu không đi sát dân, vận động nhân dân đứng lên đấu tranh thì sự nghiệp cách mạng sẽ không thành công, bởi nhân dân là nhân tố quyết định cuộc đấu tranh. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, bài học bám dân càng cần phải phát huy; bám dân nhưng phải vì lợi ích của dân, phục vụ nhân dân.
Nguồn Chinhphu
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065