PV: Cảm nhận chung của một số người đã đọc tác phẩm của anh, đó là thơ anh khó nhớ, do làm theo thể tự do không được mềm mại và phóng khoáng trong cả cách gieo vần. Có phải thơ cũng thể hiện cá tính của anh?
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: Ngay cả bản thân Việt cũng không nghĩ rằng những cái mình viết ra giống thơ. Bởi thường với người Việt Nam, thơ là phải có vần, có tiết tấu, đảm bảo theo niêm luật nhằm giúp người đọc “cảm” nhanh hơn, người viết cũng dễ viết hơn. Còn Việt cho rằng, những cái mình đang viết có hơi chút lai giữa thơ và tản văn. Những câu mình viết không theo bất cứ quy luật nào. Có những câu rất ngắn, nhưng cũng có những câu rất dài. Và Việt nghĩ có lẽ điều này vô hình trung tạo ra điều đặc biệt của Nguyễn Phong Việt trong mắt độc giả. Khi viết, Việt rất tôn trọng cảm xúc, để cảm xúc dẫn dắt mình và chính cảm xúc “bắt” mình phải viết một câu 5, 7 hay 20 chữ. Thật ra không phải kỹ thuật quyết định mà cảm xúc đưa mình đến cách viết đó.
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt trao đổi với phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
PV: Tính đến cuối năm 2019, với việc phát hành tập thơ “Mình sẽ đi cuối đất cùng trời”, anh đã có trong tay tập thơ thứ 8. Anh từng nói: “Chỉ có thơ hay thì độc giả mới đón nhận và có đời sống dài lâu”, cũng như dự định của anh là dừng lại sau khi hoàn thành 10 tập thơ. Vậy, có thể đoán được Nguyễn Phong Việt đã gần “cạn vốn”?
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: Việt nghĩ chặng hành trình viết của mình đến nay là một sự may mắn. Bắt đầu với “Đi qua thương nhớ” vào mùa giáng sinh năm 2012. Lúc đó, Việt nghĩ rằng sách chỉ là món quà tặng dành cho quý độc giả đã biết đến Nguyễn Phong Việt thông qua các bài thơ đã post trên mạng xã hội. Việt cũng không hình dung được mình đến thời điểm này đã có trong tay 8 tập thơ. Sau đó, giống như một cái duyên giữa người viết và những người đọc, mọi người vẫn đón đợi những tác phẩm của Nguyễn Phong Việt. Đây là điều may mắn bởi ở Việt Nam lúc này, thơ vẫn là điều gì đó rất khó khăn để đến được với nhiều người. Ngay cả với những người yêu thích sách, thơ cũng không phải là sự chọn lựa dễ dàng. Họ có thể lựa chọn mua một cuốn tiểu thuyết, một cuốn truyện ngắn, tản văn, nhưng đối với thơ vẫn có sự ngại ngần. Những người đọc vẫn đón đợi tác phẩm của Việt rõ ràng là điều may mắn.
Tại sao Việt nói rằng, muốn kết thúc chặng hành trình của mình sau 10 năm, với 10 tập thơ vì Việt nghĩ rằng đó là kết thúc đẹp cho chặng hành trình đẹp. Khi mình dừng lại ở một thời điểm mà mình còn được chờ đợi, còn được trông ngóng, còn sự thú vị... thì chắc chắn sẽ nhiều cảm xúc hơn. Dừng lại với 10 tập thơ, cũng là cái kết đẹp cho chính mình và độc giả của mình, sau đó Nguyễn Phong Việt sẽ viết những thể loại khác không phải là thơ, chứ không có nghĩa ngừng viết là ngừng tất cả hoạt động sáng tác. Biết đâu sau này mọi người sẽ gặp một Nguyễn Phong Việt rất khác.
PV: Không chỉ là nhà thơ, anh còn là một nhà báo. Điều này hỗ trợ anh như thế nào trong con đường sáng tác chuyên nghiệp cũng như quá trình làm báo?
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: Điều may mắn lớn nhất chính là Việt xuất thân từ một người làm báo. Tại sao mọi người đọc thơ Nguyễn Phong Việt luôn cảm nhận được sự gần gũi, chân thành, giản dị? Đó là vì khi mình làm báo, tư duy của mình rất thực tế, rất logic. Khi mình viết cũng vậy, dù dựa trên cảm xúc nhưng cảm xúc của mình gần như tiệm cận với thế giới của mình, ở sát bên mình, chứ không lãng đãng, mơ mộng, bay bổng ở một nơi quá xa. Đây là kỹ năng Việt có được trong quá trình làm nghề báo, được tôi luyện từ nghề báo. Có lẽ, Việt viết thơ mà có được sự gần gũi là cũng thừa hưởng được từ quá trình viết báo.
PV: Sắp tới, trong kỳ tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, sẽ có nhiều thí sinh lựa chọn vào khối xã hội. Với nhiều bạn trẻ yêu thích sự nghiệp sáng tác, anh có lời khuyên nào để các em có sự tự tin theo đuổi niềm đam mê của mình cũng như chạm đến thành công như anh?
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: Viết lách cũng là công việc giống như hầu hết mọi công việc trong cuộc sống. Nếu bạn muốn trở thành một người viết giỏi thì bạn phải rèn luyện. Muốn có những câu chữ hay thì bạn phải đọc, vì việc đọc giúp chúng ta có được vốn từ rất lớn. Bạn phải viết, cho dù hôm nay bắt đầu với một cách viết, một kiểu viết rất dở, nhưng bạn phải có niềm tin rằng, nếu chúng ta cứ làm một công việc đó theo từng ngày, từng tháng, từng năm, thì đến một lúc nào đó, chính bản thân cách tư duy, cách tiếp cận của chúng ta sẽ được trui rèn, giống như “gạn đục khơi trong”, làm cho câu chữ của chúng ta sau này đều có sự chắt lọc, sâu sắc và súc tích. Nếu các bạn không may mắn có được năng khiếu về câu chữ như hầu hết người viết khác, phải xem rằng việc rèn luyện là tất yếu. Việt luôn cho rằng trong xã hội hôm nay, viết là một trong những kỹ năng rất quan trọng bởi giúp diễn đạt được cảm xúc tâm hồn mình. Với Việt, viết cũng là một cách giải tỏa stress. Trong cuộc sống bộn bề lo toan, nỗi cô đơn, những sự lạc lõng, nếu bạn là người viết tốt, hãy giữ niềm đam mê sáng tác như là cách để có thể cân bằng cuộc sống.
PV: Chúc anh tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp, tiếp tục được độc giả yêu mến bởi cái duyên thơ của mình.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065