Hiện đại, uy nghi trên nền đất lịch sử, linh thiêng của Thủ đô và cả nước, công trình Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới như một minh chứng sống động cho thành tựu xây dựng, phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước.
Mang dáng vóc và ý nghĩa to lớn của một công trình được thiết kế đặc biệt, hội tụ tinh hoa kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tiên tiến vào bậc nhất thời nay, Nhà Quốc hội ghi dấu một ngưỡng phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp xây dựng Việt Nam và thực sự vươn tới tầm vóc một biểu tượng của cơ quan quyền lực tối cao, một niềm tự hào của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế.
Tiếp nối lịch sử
Trên nền Hội trường Ba Đình cũ, giờ đây là Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới tọa lạc trên con đường mang tên Độc Lập. Phía đối diện là Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Nhà Quốc hội kế thừa một trục không gian đặc biệt, in dấu trong hàng triệu triệu trái tim đồng bào, chiến sỹ cả nước.
Khởi công xây dựng ngày 12-10-2009, nhưng Dự án đặc biệt này được khởi động từ trước đó nhiều năm để chọn tìm một phương án kiến trúc thích hợp với yêu cầu phác họa một bức tranh hòa quyện giữa hiện tại và quá khứ.
Trong quá trình đó, những phát tích quan trọng từ kết quả khai quật khảo cổ học ở Hoàng thành Thăng Long cũng đã tạo nên một đòi hỏi mới về phương án kiến trúc và thi công Nhà Quốc hội bên cạnh một không gian thấm đẫm bóng dáng của văn hoá, lịch sử các triều đại xưa.
Trải qua rất nhiều lần ý kiến nhân dân, cuối cùng phương án được lựa chọn trên cơ sở thiết kế của Liên danh tư vấn thiết kế của Công hòa liên bang Đức có điều chỉnh, bổ sung theo góp ý của các chuyên gia Việt Nam.
Như đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc kiểm tra mới đây về tiến độ hoàn thiện Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới: Kể từ nước Việt Nam thống nhất, đây là lần đầu tiên có một công trình trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước quy mô lớn, yêu cầu công nghệ cao và kỹ thuật hiện đại, thi công phức tạp như công trình Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới. Với ý nghĩa chính là nơi diễn ra các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhưng nơi đây cũng sẽ còn là địa điểm tổ chức các lễ kỷ niệm, các cuộc mít tinh lớn vào những ngày trọng đại của đất nước và là nơi đón tiếp khách quốc tế Cấp cao của Đảng, Nhà nước.
Nơi hội tụ của công nghệ và lòng quyết tâm
Được thiết kế như một khối tòa nhà 4 mặt vuông, cao 39 m mang đường nét khoẻ khoắn, vẻ uy nghiêm của cơ quan quyền lực tối cao, song, công trình Nhà Quốc hội lại vẫn mang đậm nét văn hoá và lịch sử dân tộc với nhiều chi tiết từ nội thất, góc nhìn và hoa văn trang trí. Công trình gồm 5 tầng nổi và 2 tầng hầm với 35.000m2 diện tích xây dựng và trên 60.000m2 diện tích sàn. Tổng số vốn bố trí thực tế cho dự án đến nay là 5.517,59 tỉ đồng.
Nhiều trang thiết bị trong Nhà Quốc hội lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam. Không chỉ có Bộ Xây dựng đóng vai trò tổng giám sát, thi công các hạng mục trong Nhà Quốc hội như: An ninh, mỹ thuật, truyền thông, chiếu sáng… có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, các cơ sở nghiên cứu hàng đầu quốc gia và đặc biệt là sự tham gia tư vấn, trực tiếp thi công, sản xuất của nhiều thương hiệu nổi tiếng từ khắp châu Âu và thế giới.
Giới thiệu công năng của tòa nhà, Kỹ sư Đỗ Thiều Quang, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án công trình Trụ sở Nhà Quốc hội - một kỹ sư trẻ gắn bó với công trình từ những ngày đầu tiên cho biết, chức năng cơ bản của là phục vụ cho các hoạt động của Quốc hội và một phần các đơn vị phục vụ cho Quốc hội. Trụ sở Nhà Quốc hội có tổng số hơn 80 phòng họp lớn nhỏ. Đáng chú ý, tính riêng đường dây điện dài chính cả tòa nhà đã dài tới cả ngàn kilômét, ông Quang tự hào.
Từ sảnh chính vào tòa nhà, hai bên là hai hệ thống thang cuốn chạy từ tầng 1 đến tầng 3 với sảnh giữa rộng và thoáng, không gian mở. Phòng họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thiết kế với hệ thống 6 màn hình xung quanh giúp các đại biểu dễ dàng quan sát diễn biến phiên họp. Phong cách kiến trúc Phòng họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mang dáng dấp châu Âu hiện đại được phối hợp hài hòa với nhu cầu sử dụng thực tế của người Việt. Hai bên tường là những bức tranh gợi nhớ đến phong cảnh làng quê Việt Nam mộc mạc, ấn tượng.
Trung tâm của Nhà Quốc hội là Phòng Họp chính (dự kiến được đặt một cái tên vô cùng ý nghĩa: Phòng Diên Hồng), có mái vòm màu xanh, gồm 2 tầng. Xen kẽ là hàng nghìn bóng đèn chiếu sáng với công nghệ chiếu sáng lập trình điện tử đa tần.
Trung tâm của vòm trần trong “Phòng Diên Hồng” đang được gấp rút lắp ráp một hệ đèn chùm pha lê cực lớn trọng lượng lên đến 5 tấn, nhập khẩu và thi công trực tiếp bởi các chuyên gia từ xứ sở pha lê thế giới - Cộng hòa Séc. Phòng họp được chia thành 2 tầng với 600 chỗ ngồi, uốn theo hình vòng cung.
Phòng họp được bố trí toàn bộ hệ bàn nâng, giật cấp, hướng về sân khấu trung tâm, gắn trên đó là thiết bị kỹ thuật để phát biểu, biểu quyết, sử dụng tai nghe tiên tiến nhất. Ngay cửa cửa chính của hội trường, qua lớp cửa kính chịu lực hiện đại, đại biểu và khách tham qua có thể nhìn toàn cảnh Quảng trường Ba Đình lịch sử.
Trung tâm báo chí Nhà Quốc hội cũng là một điểm nhấn của công trình với những hiệu năng vượt trội so với tất cả các trung tâm báo chí trong nước và không thua kém những phòng họp báo tại các Trụ sở làm việc quy mô hàng đầu châu Âu và thế giới. Được thiết kế với 300 chỗ ngồi nằm ngay bên trái tầng hầm thứ 2 của tòa nhà.
Với những tiện nghi, công nghệ hàng đầu về studio, hội thảo truyền hình, đường truyền nơi này chắc chắn thỏa mãn nhu cầu tác nghiệp của đội ngũ phóng viên nghị trường. Đáng chú ý, với ưu thế về kỹ thuật, công nghệ, để tạo điều kiện cho các phóng viên phát thanh, truyền hình, Trung tâm báo chí Nhà Quốc hội còn được thiết kết hàng chục cổng ra audio, video để tạo điều kiện cho phóng viên trích xuất dữ liệu hình ảnh, âm thanh mà không cần phải trực tiếp ghi hình tại Phòng Hội trường.
Cũng theo kỹ sư Quang, thời gian 3 tháng gần đây, cả công trường tập trung cao độ, quyết liệt hoàn thành hạng mục đề ra. Mỗi kỹ sư, công nhân, người lao động nơi đây đều tự ý thức được rằng, được thi công trong công trình này là một vinh dự lớn. Niềm tự hào khơi dậy ý chí quyết tâm, Ban Quản lý dự án cùng các nhà thầu huy động nhân công và giám sát làm việc cả 3 ca liên tục, với lực lượng thi công lên đến 2000 người với trình độ tốt nhất, tập trung điều hành, phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị với hiệu quả cao nhất, tất cả vì chất lượng và tiến độ công trình.
Hiện tại, công tác dọn dẹp, vệ sinh được triển khai gấp rút với hàng trăm nhân công và làm việc 24/24, theo hình thức làm đâu, dọn đấy để đảm bảo mặt bằng sạch trước ngày khai mạc Kỳ họp thứ 8.
Vươn tới tương lai
“Chúng tôi hy vọng công trình này đáp ứng các nhiệm vụ theo yêu cầu đặt ra của Quốc hội về thiết kế, chất lượng, công năng, đồng thời trở thành một biểu tượng của đất nước Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới; tiêu biểu cho ý chí, nguyện vọng của dân tộc, đại diện cho một đất nước yêu chuộng hòa bình, rộng mở và phát triển”, kỹ sư Quang chia sẻ.
Được sự đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kế thừa vị trí lịch sử của Hội trường Ba Đình cũ, sau 5 năm với những nỗ lực tưởng chừng không mệt mỏi của đội ngũ thi công sự chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, Trụ sở Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới đang hoàn tất những hạng mục cuối cùng trong sự trông đợi của đồng bào, cử tri cả nước.
Đầu tháng 10, trong lời phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Phiên họp đầu tiên vận hành thử công năng Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng xúc động cảm ơn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân đã chấp thuận và triển khai xây dựng Trụ sở Nhà Quốc hội.
Kế thừa vị trí lịch sử, thiết kế đặc biệt, quy tụ thành tựu mới nhất của khoa học, công nghệ, hội tụ ý chí và lòng quyết tâm của lực lượng thi công, chắc chắn Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới sẽ phát huy hiệu quả công năng của một công trình mang dấu ấn thời đại, xứng đáng là trung tâm của ý chí, nguyện vọng cử tri cả nước vì một tương lai thịnh vượng và phát triển.
Nguồn TTXVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065