THÁCH THỨC CỦA CÂY ĐIỀU
Bình Phước hiện có trên 174.000 ha điều, trong đó 61% diện tích điều trồng bằng hạt; nhiều cây đã già cỗi, sâu bệnh, sinh trưởng kém nên năng suất thấp. Bên cạnh đó, việc chăm sóc, thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào vườn điều của nông dân còn hạn chế, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số vẫn xem điều là cây giữ đất và dựa vào điều kiện tự nhiên là chủ yếu, ít chăm sóc như các cây trồng khác. Ngay cả những hộ đã chuyển sang trồng điều ghép thì việc chăm sóc, thâm canh cũng chỉ đạt 45% yêu cầu.
Việc phổ biến khoa học, kỹ thuật dưới nhiều hình thức nhưng chưa được ứng dụng rộng rãi, chỉ khoảng 45% nông dân phun thuốc, bón phân đợt 2 vào giai đoạn ra hoa, đậu trái. Các biện pháp kỹ thuật thâm canh đồng bộ khác như vệ sinh sau thu hoạch, bón phân lần 1, thăm vườn thường xuyên để phát hiện sâu bệnh kịp thời gần như chưa được quan tâm.
Trong 3 năm trở lại đây, do biến đổi khí hậu, nhiều cơn mưa trái mùa xuất hiện vào thời điểm cây điều ra bông thụ phấn, kết hợp với gây hại nặng của bệnh thán thư và bọ xít muỗi, sâu róm đỏ... làm khô bông, khô cành, cháy lá dẫn đến năng suất thấp, chỉ khoảng 1 tấn/ha. Đây là những thách thức lớn đối với ngành điều Bình Phước.
Nông dân trồng điều xã Long Bình, huyện Phú Riềng hy vọng niên vụ 2019-2020 điều đạt năng suất cao - Ảnh: Ngân Hà
Để cây điều phát triển bền vững, cho năng suất, chất lượng cao đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ bệnh hại. Ở giai đoạn điều ra lá non và ra bông đau trái, nếu hộ nông dân biết cách bổ sung dinh dưỡng, phòng trừ sâu bệnh thì năng suất sẽ đạt cao.
KINH NGHIỆM CHĂM SÓC CÂY ĐIỀU
Gia đình ông Hoàng Quang Thắng ở thôn Sơn Thành, xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng trồng 6 ha điều hiện 15 năm tuổi, năng suất trên 2 tấn/ha. Để đạt mức năng suất này, sau mỗi mùa điều, ông Thắng đều rửa vườn, tỉa cành, tạo tán, bón vôi và bổ sung dinh dưỡng cho cây. Năm nay giá điều thấp nhưng ông vẫn chu ý bón phân, xịt thuốc phòng trừ bệnh hại cho cây, bởi theo ông, nếu phân bón là nhu cầu cần thiết đối với cây thì việc phòng trừ sâu bệnh hại sẽ cho cây khỏe, nhờ vậy năng suất sẽ nâng lên. Khi điều đang ở giai đoạn ra lá non và bung bông, ngày nào ông cũng thăm vườn, nếu phát hiện sâu bệnh hại là diệt trừ ngay.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Riềng hướng dẫn nông dân chăm sóc cây điều
Nói về kinh nghiệm trồng điều, ông Thắng chia sẻ, phải cắt sạch những cành sâu bệnh hại, dễ gãy đổ, va quẹt vào nhau làm rụng bông, rụng trái. Tạo tán làm sao cho cành nào của cây điều cũng hưởng được ánh nắng mặt trời càng nhiều càng tốt; phải vệ sinh bằng cách xịt, rửa vườn định kỳ, bón phân đầy đủ, khi phát hiện sâu bệnh hại phai xịt thuốc, tùy theo áp lực sâu bệnh hại mà xử lý cho phù hợp. Trung bình 1 năm, ông bón 2-3 lần phân, xịt 3-4 lần thuốc phòng trừ dịch hại. Thông thường ở giai đoạn điều ra lá non và trổ bông, ông pha 2 loại thuốc folicur và decis rồi xịt ướt các tán lá điều để phòng trừ sâu, nấm bệnh và bọ hút chích, đồng thời dưỡng đọt, nuôi lá non. Đến khi bông điều nở, ông phun thêm một lần nữa. Khoảng 2 năm trở lại đây, ông thực hiện theo phương pháp này nên vườn điều đạt năng suất cao hơn các năm trước, tình trạng sâu bệnh hại cũng giảm nhiều.
Là cán bộ của UBND huyện Bù Đăng, ông Lê Văn Hùng, ngụ ấp 4, xã Minh Hưng cũng trồng thêm 1,5 ha điều, trong đó có 0,5 ha điều ghép để cải thiện cuộc sống. Tuy diện tích không nhiều nhưng bù lại năng suất điều của gia đình ông năm nào cũng đạt 3,5-4 tấn/ha. Đối với vườn điều ghép, cứ 1 tháng ông phun thuốc phòng nấm và sâu bệnh 1 lan, mỗi năm bón phân 3 lần vào đầu, giữa và cuối mùa mưa. Trong lúc cây điều ra cơi đọt non, ngày nào ông cũng ra thăm vườn, bởi lúc này bọ xít muỗi, sâu róm đỏ, xén tóc bùng phát rất nhiều sẽ cắn phá đọt non. Ngoài ra, do khí hậu thay đổi thất thường như hiện nay, cây điều hay bị bệnh nên phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để xịt bảo vệ lá và bông điều.
Ông Hùng chia sẻ, những năm vừa qua sâu bệnh hại xuất hiện nhiều nen ông cũng xịt nhiều lần hơn. Ở giai đoạn điều ra lá non, rồi ra bông đậu trái nếu gặp mưa thì hôm sau nên xịt các loại thuốc Antracol để rửa vườn, thấy có hiện tượng bông đen, trái đen thì phải xịt ngay. Niên vụ vừa qua, ong xịt thuốc 10 lần vì sâu bệnh hại liên tục xuất hiện nên vườn điều mới đạt năng suất cao. Việc chăm sóc vườn điều được ông ghi chép đầy đủ từ phân bón, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật...
BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ DỊCH HẠI TRÊN CÂY ĐIỀU
Hiện nay, cây điều đã ra bông, đậu trái, cho thu hoạch. Đây là giai đoạn cây rất mẫn cảm với điều kiện thời tiết cũng như các đối tượng dịch hại như: bọ xít muỗi, bọ đục chồi, bọ trĩ, sâu róm đỏ, sâu đục thân, bệnh khô cành cháy lá, bệnh thán thư... Để có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo mùa vụ thắng lợi, các kỹ sư khuyến cáo nhà nông cần chăm sóc cây điều tốt hơn.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, ngoài dùng đúng loại, đúng liều lượng, đúng cách, nông dân cần phun thuốc bảo vệ đồng loạt để các đối tượng gây hại không có nơi lẩn trốn. Song song với phòng bệnh, việc bón phân bổ sung dinh dưỡng cho cây điều đúng thời điểm, đúng phương pháp sẽ giúp nông dân tiết kiệm chi phí san xuất, đồng thời giúp cây điều hấp thụ nhanh dưỡng chất để cây phát triển, đạt năng suất cao. |
Theo đó, quá trình ra bông và thụ phấn của cây bắt đầu từ 8-11 giờ, do đó phun thuốc giai đoạn này chỉ nên thực hiện vào buổi chiều mát để tránh ảnh hưởng quá trình ra bông thụ phấn của cây. Việc pha chế và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như các loại phân bón lá, chất kích thích sinh trưởng cần tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất về nồng độ, liều lượng và các biện pháp an toàn khi sử dụng.
Khi nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng”: Đúng thuốc, đúng cách, đúng thời điểm, đúng nồng độ và liều lượng. Giai đoạn bông chưa nở, trái mới lộn bằng hạt đậu nên phun thuốc vào chiều mát, phun sương mịn để đạt hiệu quả cao và hạn chế xịt thuốc trong giai đoạn bông nở rộ. Không đốt lá trong vườn, tránh gây hại bộ rễ và côn trùng, vi sinh vật có lợi. Nên ủ lá và xác bã thực vật bằng men Trichoderma thành phân bón tại vườn để trả lại hữu cơ cho đất, chống xói mòn.
Khi gặp thời tiết ngày nắng nóng, đêm lạnh có sương mù nhiều có thể hun khói vào sáng sớm và chiều tối để xua đuổi bọ xít muỗi và làm nhanh tan sương mù. Khi gặp thời tiết mưa trái mùa nên theo dõi vườn thường xuyên để có hướng xử lý kịp thời, cần chú ý bọ xít muỗi, bệnh thán thư, bọ vòi voi đục nõn, bọ cánh cứng, sâu que có thể phát triển mạnh.
Thời kỳ trái non cần chú ý sâu đục trái, nên thăm vườn thường xuyên để phát hiện nếu có bướm chấm hoa bay trong vườn cần xử lý thuốc bảo vệ thực vật kịp thời. Không đổ thuốc thừa ra nguồn nước sinh hoạt, không vứt bừa bãi hoặc sử dụng bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng với mục đích khác.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065