Điều gì đã giúp nhà nông Nguyễn Trung Song vượt qua hàng ngàn nhà nông trong tỉnh để lọt vào danh sách 63 nông dân xuất sắc nhất nước và tỏa sáng trên bục vinh quang?
“Trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà”
Đó là câu nói ấn tượng của nhà nông Nguyễn Trung Song khi kể về quá trình dẫn đến thành công của mình. Với anh, làm nông nghiệp nếu không có cơ giới, không kết nối đa chiều giữa Nhà nước với nông dân, nông dân với nhà băng (ngân hàng), nông dân với nông dân, nông dân với nhà khoa học là thất bại.
Cách đây 25 năm, nông dân ở vùng Minh Thành đa phần làm nông nghiệp theo phương pháp thủ công, dùng sức người là chính. Còn anh Song đã nghĩ đến chuyện “trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà”. Vì thế công cụ đầu tiên anh trang bị khi chọn theo nghiệp cấy cày không phải là “con trâu đi trước, cái cày theo sau” mà sắm một con “trâu đỏ” - chiếc máy cày MTZ50 với giá 31 triệu đồng. Trong khi bán hết tài sản anh tích cóp từ 10 năm làm nghề thợ may ở thị xã Hồng Lĩnh chỉ được 36 triệu đồng, 5 triệu đồng còn lại anh thuê 2 dàn lưỡi cày chấu 3 và chấu 7 để đi cày thuê. Tiền công cho “con trâu đỏ” với người thợ máy cày vào thời điểm tháng 2-1994 là 400 ngàn đồng/ngày, gần mua được chỉ vàng (lúc đó 1 chỉ vàng giá từ 450-500 ngàn đồng). Với tiền công cao ngất, chỉ trong 2 tháng, anh đã mua được 9 ha đất ở ấp 2, xã Minh Thành với giá 1 cây vàng. Có miếng đất “cắm dùi”, xóa đi những ngày tháng ở nhờ, chạy ăn từng bữa, anh Song cùng vợ là chị Nguyễn Thị Kim Anh bắt đầu vẽ lên bức tranh tươi sáng ở vùng quê Bình Phước.
“Những ngày đầu ở quê hương mới, cuộc sống thiếu trước hụt sau, đường đi lại khó khăn, phải ở nhờ nhà người thân, vợ tôi đêm nào cũng khóc vì thấy tương lai mịt mờ” - anh Song chia sẻ. Thương vợ, anh dặn lòng phải mạnh mẽ để gầy dựng cuộc sống tươi sáng hơn.
Không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta
Có 9 ha đất, anh tìm hiểu và quyết định chọn cây cao su - nông sản chủ lực và cũng là nông nghiệp mũi nhọn của tỉnh để xuống giống. Vụ mùa đầu tiên, anh trồng lúa xen trong vườn cao su chưa phát tán để chủ động lương thực và tăng thu nhập. Với anh, làm nông phải luôn đổi mới, từ việc lựa chọn cây trồng phù hợp thị trường, kỹ thuật canh tác đến khâu chăm sóc. Mỗi chuyến đi cày thuê ở xa, anh chú ý quan sát cách làm ăn của người dân ở đó, rồi tích lũy làm “của để dành”. Ở đâu có cây trồng mới, phương thức canh tác mới, giống cây năng suất tốt... anh lại tìm tòi mua giống trồng trên mảnh đất của gia đình.
“Năm 1995, gia đình tôi là hộ đầu tiên ở xã Minh Thành trồng củ mì đỏ. Giống tốt, gặp đất màu mỡ, cây mì cho năng suất cao. Sau khi trừ chi phí gia đình thu được 4 cây vàng” - chị Kim Anh cho biết. 3 năm tiếp theo, để ít ảnh hưởng sự phát triển của cao su, anh xen canh củ từ giúp đất tơi xốp. 3 năm liền bội thu, anh liên kết với các đơn vị ở TP. Hồ Chí Minh tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Mỗi năm, sau khi trừ chi phí tái đầu tư, trang trải sinh hoạt gia đình, anh lại mua thêm đất để mở rộng sản xuất, làm thêm lĩnh vực mới, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh liên kết với Công ty JAPFA Comfeed Đồng Nai mở trang trại nuôi heo theo chuẩn VietGAP với quy mô 2.000 con/2 đợt/năm. Nuôi heo để phục vụ nông nghiệp hữu cơ, vì thế anh Song đầu tư hệ thống xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, làm biogas để phục vụ sản xuất cây nông nghiệp ngắn ngày và cây cao su. Với diện tích 0,5 ha ao cá, hằng năm gia đình anh thu hoạch hàng chục tấn cá lóc bông. Sau khi mở rộng diện tích, anh Song đã trồng 2,5 ha cây dó bầu và liên kết với Công ty TNHH MTV Trương Thanh Khoan ở tỉnh Đồng Nai trao đổi phương pháp kỹ thuật, chăm sóc cây dó bầu để tạo trầm.
Từ “con trâu đỏ”, anh đã xây dựng nên một trang trại khang trang theo mô hình khép kín vườn - ao - chuồng quy mô lớn.
Tài sản lớn nhất của nhà nông xuất sắc
Sinh ra trong gia đình có 4 anh em, 3 người anh thoát ly theo cách mạng, anh Song là con út được miễn nghĩa vụ quân sự. “Mẹ xem tôi như là “phần quà dưỡng già”. Năm 1983, mẹ gửi tôi vào Sài Gòn học nghề thợ may. Những tưởng nghiệp “kim chỉ” sẽ theo tôi suốt đời, nhưng chuyến thăm người anh trai đã xuất ngũ và lập nghiệp ở Minh Thành năm 1994 là ngã rẽ định mệnh. Tôi quyết định bỏ nghề “kim chỉ” theo nghiệp “cày cấy” với anh trai” - anh Song cho biết.
Sau 25 năm lập nghiệp trên đất Bình Phước, anh Song sở hữu trang trại 40 ha cao su đang khai thác mủ, 2,5 ha dó bầu, 1 trang trại nuôi heo, ao cá 0,5 ha, thu nhập bình quân hằng năm sau khi trừ chi phí khoảng 6,9 tỷ đồng. Đây là cơ ngơi nhiều người mơ ước, nhưng với anh Song 4 người con mới là tài sản cả đời anh phấn đấu. Chỉ có các con mới khiến người mẹ thầm rơi nước mắt hằng đêm, làm đôi tay anh chưa một ngày ngơi nghỉ để đủ lo cho các con ăn học nên người. “Tốt nghiệp THCS, 4 con của tôi đều lần lượt tiếp bước nhau về Trường THPT Nguyễn Khuyến ở TP. Hồ Chí Minh học tập. 3 con gái đầu sau đó thi đậu Trường đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh đều ở diện cử nhân tài năng và “săn” được học bổng. Các con chăm ngoan, thành đạt là tài sản lớn nhất của tôi” - anh Song nói.
Người dân trong tỉnh biết đến anh cũng như công nhận sự thành công của anh không vì lý do nào khác ngoài 4 chữ “cần cù lao động”. ¼ thế kỷ làm con ong chăm chỉ ở quê hương Bình Phước, anh Song không chỉ tạo ra mật ngọt cho mình mà còn cho đời những bông hoa đẹp.
Ngọc Bích
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065