BP - Giá nông sản luôn biến động theo quy luật cung cầu nên nông dân bị cuốn vào “cơn lốc chặt - trồng”. Lỗ hổng của nông nghiệp Việt Nam là thị trường cây giống bị thả nổi. Nhà nước chưa kiểm soát được chất lượng cây giống nên hậu quả nông dân gánh chịu. Thời điểm tháng 6 (âm lịch) là chính vụ trồng mới, những nhà nông “khôn ngoan” là biết phải chọn cây trồng gắn với nhu cầu thị trường; chọn giống đúng, giống tốt để không “tiền mất tật mang”; đồng thời sản xuất theo hướng hữu cơ để bảo vệ sức khỏe bản thân và tiêu thụ được nông sản.
CHẤT LƯỢNG CÂY GIỐNG bị thả nổi
Gần đây, nhiều tờ báo phản ánh nông dân ở Tây Nguyên đổ xô trồng cây mắc ca nuôi giấc mơ đổi đời nhưng mắc ca không ra hoa kết trái. Về thực trạng này, giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam lý giải, do nông dân mua phải giống trôi nổi, kém chất lượng. Tiến sĩ Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, chất lượng cây giống là yếu tố quyết định đến năng suất. Trên thị trường đang có 2 loại giống mắc ca là giống ghép và giống thực sinh. Theo đánh giá của viện, chỉ có giống ghép mới mang lại sản lượng cao, ổn định. Sau một thời gian lắng xuống, đầu năm 2018, nông dân lại ồ ạt trồng cây mắc ca. Hàng chục vườn ươm quanh viện đã bán hết cây giống. Điều mà tiến sĩ Trần Vinh lo ngại là nhiều vườn ươm bán giống thực sinh và không có nguồn gốc. Nếu gặp giống không chất lượng ra ít trái thì thiệt hại vô cùng lớn cho nông dân.
Cho trái vụ và sản xuất sạch nên nhãn tiêu da bò của cựu chiến binh Bùi Đình Luyến, ấp 8, xã Lộc Thái (Lộc Ninh) có giá bán cao gấp 3 lần nhãn chính vụ
Bài học về giống cây mắc ca không lạ với các cây công nghiệp ở thời “hoàng kim” như cao su, hồ tiêu tại Bình Phước trong 2 thập niên đầu của thế kỷ XXI và nay là cây điều. Bởi Bình Phước không chỉ là thủ phủ của cao su, hồ tiêu, điều mà còn là nơi cung cấp cây giống.
Những năm giá mủ cao su cao, nhà nhà làm giống và sẵn sàng đặt tên cho chủng loại giống theo yêu cầu của khách hàng. Hậu quả là sau 6-7 năm kiến thiết cơ bản, nhiều vườn cao su ở Bình Phước, Đắk Nông, Tây Nguyên không cho mủ. Riêng khu vực Tây Bắc thì cây giống chở từ Đông Nam bộ ra không chịu nổi khắc nghiệt của mùa đông giá rét nên chết yểu sau 1-2 năm trồng. Các năm 2013-2015, trên khắp nẻo đường Tây Nguyên rao bán nhan nhản giống tiêu Vĩnh Linh, tiêu Lộc Ninh. Thời “hoàng kim” đã có nhiều giống tiêu lạ xuất hiện với quảng bá chuỗi dài, năng suất cao, kháng bệnh tốt như: “Tiêu rừng Amazon”, “tiêu Maylaysia”, giá bán giống cao gấp 8-10 lần so với các giống tiêu truyền thống. Kết quả, người bán giống thu lãi khủng, còn nhà nông ngậm đắng vì tiêu chưa vào chính vụ để biết năng suất mà giá đã “chạm đáy”. Nông dân Bình Phước đang nuôi giấc mơ thu hoạch sớm, năng suất cao với 2 giống điều AB05-08 và AB29. Đây là 2 giống điều nhập ngoại đang được Viện Nông nghiệp miền Nam trồng thử nghiệm và chưa được Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn công nhận.
PHẢI LÀ NHÀ NÔNG THÔNG MINH
Mỗi năm mùa trồng mới, tái canh, thị trường nông sản là yếu tố chính dẫn dắt nhà nông lựa chọn cây trồng, giá trị kinh tế loại cây nào cao thì đua nhau trồng cây đó. Mấy năm gần đây, nông dân Tây Nguyên và Bình Phước đua nhau trồng cây đinh lăng xen trong vườn cây công nghiệp và cây ăn trái theo lời quảng bá “đinh lăng là sâm đất của Việt Nam”. Nhiều hộ trồng đinh lăng để phục vụ nguyên liệu cho các công ty dược. Tuy nhiên, đinh lăng mà các nhà bán giống quảng cáo thuộc dòng cao sản (lá to), không có giá trị dược liệu như đinh lăng lá nhỏ. Và giá bán chỉ khoảng 2.000 đồng/kg nhưng không ai mua, chứ không phải 50 ngàn đồng/kg như người bán giống quảng cáo.
Năm 2014, một lần đi cơ sở tại ấp Hưng Thủy, xã Lộc Hưng (Lộc Ninh), chúng tôi ngạc nhiên khi một nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp Trung ương đang chặt bỏ 5 ha mít Viên Linh để trồng lại mít Thái siêu sớm Chiangai. Lão nông bức xúc cho biết, mùa trồng mới năm 2011, khi chuyển đổi 5 ha xà cừ cũng là thời điểm giá cao su cao đỉnh điểm nhưng không chạy theo phong trào xuống giống cao su mà ông chọn đầu tư mít giống Viên Linh. Do khi tham khảo trên các trang web thị trường cây giống, mít Viên Linh có nhiều ưu điểm như 2 năm cho trái, sản lượng cao, công chăm sóc ít; múi dày, ngọt nên có thể bán tươi hoặc cung cấp cho các nhà máy sấy khô... 2 năm sau, mít cho trái bói, mỗi cây chỉ 2-3 trái nhưng chủ yếu xơ; múi vừa thưa vừa nhạt... nên ông “ngậm đắng” phá bỏ trồng cây khác.
Mùa khô 2017-2018, giá mít Thái siêu sớm cao chót vót. Tại miền Tây Nam bộ giá bán 40-45 ngàn đồng/kg; Bình Phước giá 35-37 ngàn đồng/kg. Theo tính toán của nông dân, chỉ sau 18 tháng mít Thái đã vào thu hoạch chính vụ với năng suất bình quân 2 tạ/cây. Và mùa xuống giống năm nay, không chỉ ở đồng bằng sông Cửu Long mà nông dân Bình Phước đang ồ ạt chuyển qua trồng mít Thái siêu sớm với ước mơ làm giàu sau 2 năm. “Ăn theo” phong trào xuống giống của nông dân, giá giống mít Thái siêu sớm đạt đỉnh 40-50 ngàn đồng/bầu giống, cao hơn gấp 2 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, không cần chờ sau 2 năm mà thị trường mít Thái đang “rớt thẳng” chỉ còn 5.000-7.000 đồng/kg nhưng nhà vườn vẫn rất khó bán. Thị trường mít tươi chủ yếu là phía Bắc và Trung Quốc nhưng vào mùa mưa mít nhạt và ở khu vực này đang đỉnh điểm mùa hè nắng nóng nên mít Thái siêu sớm không có đầu ra.
Bình Phước hiện có gần 9.000 ha cây ăn trái. Nhiều loại trái cây trong tỉnh có chất lượng ngon hơn trái cây miền Tây Nam bộ như chôm chôm Thái, bưởi da xanh, măng cụt, sầu riêng. Đặc biệt là nhà vườn Bình Phước ít lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Nắm bắt nhu cầu thị trường là cần sản phẩm sạch nên nhiều nhà vườn ở Bình Phước đã và đang đầu tư các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất an toàn; đồng thời kết nối thị trường trong và ngoài tỉnh để có chỗ đứng vững cho nông sản.
Phương Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065