BP - Trước đây, Đa Kia là một trong những xã nghèo của huyện Bù Gia Mập. Để giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xã đã phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi. Từ đó, nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho nhiều hội viên nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Điển hình trong phong trào nông dân sản xuất giỏi ở xã Đa Kia là hộ ông Trần Quang Thận, thôn 5 và hộ anh Trần Văn Vinh, thôn 6.
Từ số 0 đi lên
Thời trai trẻ, ông Trần Quang Thận đã có 11 năm gắn bó với ngành công an tại thành phố Huế. Do kinh tế khó khăn nên năm 1996, ông xin thôi việc, đưa vợ con vào Bình Phước lập nghiệp. Thời gian đầu, gia đình ông phải sống nhờ trên đất của người họ hàng và đi làm thuê. Ông Thận cho biết: “Ngày đó, ai thuê gì vợ chồng tôi làm nấy từ bốc vác đến làm cỏ... Sau 1 năm dành dụm cộng với số tiền bán nhà ngoài quê, tôi mua được 2 ha điều. Nhưng do không có điều kiện chăm sóc nên vườn điều còi cọc, năng suất thấp. Thế là vào những ngày không đi làm thuê vợ chồng tôi dồn sức chăm sóc vườn cây”.
Nhờ chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi nên những năm sau điều cho năng suất cao, trung bình mỗi năm gia đình ông thu 2,5 tấn/ha. Số tiền thu được từ bán điều, ông mở rộng thêm 1 ha đất và trồng cao su. Đến năm 2002, ông mua đất và xây căn nhà cấp 4 để ở. Kinh tế dần ổn định, vợ chồng ông sinh thêm người con trai út là Trần Quang Thành (SN 2004). Nhưng không may mắn, Thành lại mắc bệnh tim bẩm sinh và down, mọi tiền bạc trong nhà đều lo chữa bệnh cho Thành. Ông Thận nói: “Nếu chỉ dựa vào 2 ha điều thì không đủ trang trải cuộc sống và chữa bệnh cho con. Vì vậy, năm 2004 tôi quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chặt điều và trồng 500 nọc tiêu. Để tiêu phát triển tốt, tôi học hỏi kinh nghiệm từ những hộ trồng tiêu diện tích lớn trong vùng và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng tổ chức tại địa bàn xã để áp dụng vào vườn cây của gia đình. Vụ tiêu đầu tôi thu được 2 tấn, so với trồng điều thu nhập tăng gấp 3-4 lần”. Thấy trồng tiêu cho lợi nhuận cao nên mỗi năm ông chuyển đổi dần diện tích vườn điều sang trồng tiêu. Tính đến nay, gia đình ông có 2 ha tiêu và 1 ha cao su, mỗi năm thu nhập 700 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 20 lao động thời vụ từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng.
Gia đình ông Trần Quang Thận ở thôn 5, xã Đa Kia bận rộn thu hoạch tiêu
Kinh tế gia đình khá giả, ông xây được ngôi nhà khang trang và lo thuốc thang cho người con bị bệnh. Ông còn đầu tư 700 triệu đồng xây nhà nuôi chim yến với diện tích 180m2. Năm nay, gia đình ông sẽ có thêm khoản thu từ tổ yến.
Làm giàu từ 7 sào đất
Lên 3 tuổi mất cha, 19 tuổi mất mẹ, từ đó chị em Phan Thị Mai Hồng ở thôn 6, xã Đa Kia phải nương tựa vào nhau. Gia đình có khoảng 3 ha đất, anh em lại đông nên khi lập gia đình chị Hồng được chia 7 sào đất để phát triển kinh tế. Chị Hồng cho biết: Chồng làm bên công trình thủy lợi, gia đình nhà chồng lại không có điều kiện nên cưới xong vợ chồng tôi ở lại Bình Phước lập nghiệp với 7 sào đất. Chúng tôi dựng chòi ở tạm trên đất vườn. Nhưng ngày đó điều mới trồng được 2 năm nên chưa có thu hoạch. Còn chồng chị, anh Trần Văn Vinh tuy đi làm công trình thủy lợi ở các tỉnh nhưng do công việc không thường xuyên nên thu nhập không đáng là bao. Vì vậy, chị Hồng vừa chăm sóc vườn điều vừa phải mượn đất của người dân gần đập Bình Hà, xã Đa Kia để trồng rau bán.
Năm 2000, chị Hồng sinh con đầu lòng, kinh tế càng khó khăn hơn. Những lúc không có việc, anh Vinh về phụ giúp chị trồng rau đem ra chợ bán. Số tiền dành dụm được từ bán rau, chị vay mượn thêm và mua 7 con heo nái về nuôi. Do biết cách chăm sóc nên đàn heo của chị phát triển tốt, trung bình mỗi năm heo sinh 2 lứa. Vì vậy, tháng nào chị cũng có heo bán thịt và bán giống.
Kinh tế dần ổn định, chị Hồng dành toàn bộ số tiền tích cóp được thuê thêm 3 ha điều với thời gian 15 năm để chăm sóc và thu hoạch. Từ khi có vườn, anh Vinh nghỉ việc về phụ giúp vợ làm vườn. Mấy năm liền cây điều được mùa đã mang lại cho vợ chồng chị thu nhập khá. Chị Hồng nói: “Nhà nông mà không có đất thì khó có thể làm giàu. Chính vì vậy, bao nhiêu tiền dành dụm được vợ chồng tôi đều dồn vào mua đất lập vườn”. Đến nay, gia đình chị Hồng có 2,5 ha điều, hơn 1 ha cao su và gần 1 ha tiêu. Mỗi năm cho gia đình chị thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Kinh tế ổn định, anh chị có điều kiện chăm lo cho các con ăn học. 3 người con của chị đều chăm ngoan học giỏi.
Thùy Hương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065