Sau mỗi đợt thu hoạch lúa, bà con thường bỏ lại rơm trên cánh đồng. Gia đình nào có trâu, bò cũng chỉ sử dụng một phần rất ít. Trong khi đó, nhu cầu rơm làm nguyên liệu trồng nấm, ủ gốc cây trồng, làm vật liệu chèn lót vận chuyển củ quả, làm phân bón... lại rất lớn. Sau khi tìm hiểu trên mạng, xem tivi thấy nông dân các tỉnh miền Tây sử dụng máy vừa dọn sạch đồng lại có tiền từ bán rơm nên anh Ngân đã đi xe máy về tận tỉnh Long An để tìm mua máy cuốn rơm.
Anh Điểu Ngân dùng máy cuộn rơm bán cho thương lái kiếm tiền triệu mỗi ngày
Chúng tôi tới cánh đồng xã Lộc Hòa khi đã quá trưa, anh Điểu Ngân vẫn chăm chỉ điều khiển xe cuốn rơm từ thửa ruộng này qua thửa khác. “Không như mọi năm, sau khi thu hoạch lúa thì ở nhà nghỉ ngơi, năm nay mình đầu tư 120 triệu đồng mua máy cuốn rơm nên giờ vẫn có việc. Tranh thủ làm lúc trời nắng, rơm khô sẽ bán được giá hơn. Sau khi bà con thu hoạch lúa, mình đến tận ruộng đặt cọc mua rơm. Bình quân mỗi ruộng từ 200-500 ngàn đồng, tùy số lượng rơm nhiều hay ít. Mỗi ngày cuốn được 300 cuộn, mỗi cuộn khoảng 13-14kg. Một cuộn được thương lái mua tại ruộng với giá 15 ngàn đồng, chở về nhà là 30 ngàn đồng. Trừ chi phí mỗi ngày mình cũng kiếm được bạc triệu” - anh Ngân phấn khởi.
Từ 6 sào đất ba mẹ cho khi lấy vợ, mỗi năm vợ chồng anh Ngân đều dành dụm mua thêm đất. Những giọt mồ hôi hòa vào đất để có thành quả hôm nay là 7 ha đất trồng tiêu, cao su, điều, 30 con bò giống và đàn dê 20 con. Năm 2000, trong khi nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn chưa có nhà ở ổn định thì vợ chồng anh Ngân đã xây được nhà đẹp, mua tivi, xe máy, tiền dư thì gửi tiết kiệm ngân hàng. Không còn nghèo nên cái bụng của anh Ngân cũng rộng rãi. Đồng bào muốn có dê, bê của anh Ngân để nuôi mà không đủ tiền mua thì anh bán thiếu. Hộ nào muốn trồng tiêu mà không có tiền đầu tư, anh sẵn sàng cắt dây giống trong vườn nhà mình đem đến cho và hướng dẫn cách trồng. Nhờ anh hướng dẫn, nhiều hộ đồng bào đã biết nuôi bò, dê, trồng tiêu, trồng xen canh các loại cây ngắn, dài ngày để cải thiện cuộc sống. Vì vậy nhiều gia đình trong ấp đã có tiền mua tivi, xe máy, xây nhà, các con được đi học.
Để nâng cao năng suất cây trồng, phòng trừ sâu bệnh, anh kiên trì dự các lớp tập huấn do khuyến nông xã tổ chức. Thấy hiệu quả kinh tế lâu dài, mỗi năm anh mở rộng thêm vài héc ta cây trồng. Nhờ chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật nên rẫy điều của gia đình anh rất sai trái, năng suất bình quân 3 tấn/ha. “Mình phải học hỏi kiên trì lắm. Cũng nhờ các lớp tập huấn khuyến nông mà mình có thêm kiến thức chăm sóc vườn cây đúng quy trình, ít sâu bệnh, năng suất tăng” - anh Ngân kể.
Ông Đậu Xuân Ngọc, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa cho biết: Cách làm của anh Ngân đã giúp nông dân trong xã có thêm nguồn thu sau mỗi vụ lúa. Trong khi nhiều hộ dân tộc S’tiêng ở địa bàn xã kinh tế còn khó khăn, hộ anh Điểu Ngân từ việc thay đổi cách nghĩ, cách làm kinh tế đã đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất nông nghiệp giúp gia đình thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
43 tuổi, anh Điểu Ngân vinh dự 5 năm liền là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Cách nghĩ, cách làm của anh Điểu Ngân đã cho thấy, chỉ cần ham học hỏi, tìm tòi cái mới, chịu khó lao động thì có thể làm giàu ở bất cứ nơi đâu.
Bảo Đăng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065