VÀI NÉT VỀ NHÃ NHẠC
“Âm nhạc cung đình” được hiểu là các thể loại ca nhạc, kể cả các thể loại ca nhạc đi kèm với múa và kịch hát, dùng trong các lễ nghi cúng tế và triều chính, các ngày quốc lễ do triều đình tổ chức và sinh hoạt vui chơi giải trí của vua và hoàng tộc. Còn tên gọi “Nhã nhạc” được các triều đại phong kiến Việt Nam từ thời nhà Hồ dùng với những nội hàm khác nhau, khi để chỉ âm nhạc cung đình nói chung, lễ nhạc cung đình nói riêng; khi để chỉ một tổ chức âm nhạc, thậm chí một dàn nhạc cụ thể. Âm nhạc cung đình Việt Nam chính thức hình thành từ triều Nguyễn (đầu thế kỉ XIX). Tuy nhiên, nền tảng ban đầu của âm nhạc cung đình Việt Nam đã bắt đầu manh nha từ thế kỷ XVII, dưới thời các chúa Nguyễn khi vào cát cứ Đàng Trong. Thời kỳ hưng thịnh nhất của âm nhạc cung đình Huế là nửa đầu thế kỷ 19 cho đến thời vua Tự Đức (1848-1883). Nhã nhạc cung đình Huế là một sáng tạo đặc biệt, mang âm hưởng của âm nhạc dân gian Việt Nam, có tính chuyên nghiệp và bác học cao, mang một âm điệu đặc trưng, thể hiện phong cách, tâm hồn, bản sắc Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Theo đánh giá của UNESCO thì: “trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, chỉ có Nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia... đạt độ chín muồi và hoàn chỉnh nhất”.
Tiếng trống trong Nhã nhạc cung đình Huế - Ảnh internet
Sử sách của triều Nguyễn ghi lại có đến 12 cuộc lễ, mỗi cuộc lễ đều có đầy đủ các bài ca chương và có 126 bài ca chương ghi đầy đủ lời ca nguyên gốc cùng bản dịch. Phần nhạc khí được quy định gồm 6 loại dàn nhạc. Đó là các dàn: Nhã nhạc, Nhạc huyền (bộ nhạc treo), Đại nhạc (Cổ xúy đại nhạc), Tiểu nhạc (ti trúc tế nhạc), Ty chung và Ty khánh (dàn nhạc chuông và khánh đá), Quân nhạc (đội bả lệnh). Các dàn nhạc trên đều có những nhạc khí cụ thể và không dưới 30 chủng loại với số lượng trên hàng trăm nhạc khí. Tất cả các loại dàn nhạc, các nhạc khí, bài bản âm nhạc, ca chương... đều do những nhạc công, ca công, vũ công tài ba nhất của đất nước thực hiện.
GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT
Âm nhạc luôn đồng hành với các đại lễ, trở thành tiếng nói có khả năng giao hòa với trời đất, thần linh, tổ tiên. Nhã nhạc Huế ẩn chứa những nguyên lý cấu trúc, những tư tưởng văn hóa phương Đông. Nhã nhạc cung đình Huế là nền âm nhạc dân gian gắn liền với đời sống con người từ lúc sơ sinh đến khi trưởng thành và lúc lìa bỏ cõi trần. Con người ngay từ khi mới được sinh ra cho đến khi trở về với cát bụi luôn gắn liền với những bài đồng dao, hát ru, hò, lý, ca trù, ca Huế, bài chòi, ca tài tử... Nhã nhạc cung đình Huế còn có giá trị rất độc đáo ở chỗ, trải qua bao nhiêu thăng trầm của các triều đại và biến cố trong nước vẫn còn lưu lại được một di sản đáng kể, có thể dùng làm những bài học cho chúng ta về nhiều mặt nhạc khí và quan điểm thẩm mỹ rất sâu sắc.
Nhã nhạc cung đình Huế là một trong những tài sản vô giá của người Việt. Giá trị ấy đã trường tồn, cùng dân tộc và đã được nhân loại tôn vinh. Việc bảo tồn phát huy Nhã nhạc cung đình Huế trong xã hội đương đại là công việc rất quan trọng và cần thiết. Bởi lẽ, Nhã nhạc cung đình Huế không chỉ là vốn quý của dân tộc Việt Nam mà còn là tài sản vô giá của loài người. Với những giá trị nổi bật, Nhã nhạc cung đình Huế sẽ tiếp tục được giữ gìn và bảo tồn một cách hiệu quả, góp phần cùng các loại hình di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam khẳng định vị thế của một dân tộc, một quốc gia giàu truyền thống văn hóa. Đặc biệt, cùng với quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1993, Nhã nhạc cung đình Huế sẽ góp phần làm cho Huế trở thành một trung tâm văn hóa du lịch đặc biệt của thế giới. (*).
Trung Lương
(*) Bài viết có tham khảo các tài liệu và trang Nét Cố đô
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065