>> Đại hội Đảng bộ Bộ đội biên phòng và Công ty cao su Sông Bé
>> ĐẢNG BỘ CÔNG TY TNHH MTV CAO SU SÔNG BÉ: Ổn định sản xuất - kinh doanh nhờ phát huy sức mạnh tập thể
BP - “Nhà máy chế biến cao su như anh biết đấy, nó mang tính công nghiệp rất cao. Nếu không có tác phong nhanh nhạy, mỗi cán bộ, đảng viên không có tinh thần trách nhiệm cao thì chắc chắn chất lượng sản phẩm sẽ không tốt. Nếu mỗi cán bộ, công nhân viên thiếu tinh thần đoàn kết nội bộ sẽ ảnh hưởng không tốt đến toàn bộ hoạt động của dây chuyền sản xuất. Hơn 4 năm qua, từ chất lượng sản phẩm đến chỉ tiêu giao hằng năm chúng tôi luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch. Đó là những biểu hiện sinh động nhất của cán bộ, công nhân viên nhà máy trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” - Giám đốc Nhà máy chế biến cao su Sông Bé thuộc Công ty TNHH MTV cao su Sông Bé Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
TRONG KHÓ KHĂN VẪN GIỮ ĐƯỢC THỊ TRƯỜNG
Với công suất chế biến của nhà máy dao động từ 5.000-7.000 tấn/năm nhưng nguyên liệu của công ty mới đáp ứng từ 60-70%. Hơn 30% mủ cao su nguyên liệu phải thu mua từ tiểu điền. Là doanh nghiệp nhà nước nên chính sách thu mua nguyên liệu của nhà máy thống nhất từ trên xuống dưới chỉ có một giá. Trong khi đó, các cơ sở chế biến mủ tư nhân đưa ra nhiều mức giá khác nhau trong ngày để tranh mua, tranh bán. Đặc biệt, trong những năm giá mủ cao su ở mức cao, các cơ sở chế biến tư nhân bất chấp chất lượng mủ thu mua ào ạt khiến các nhà máy chế biến mủ cao su thuộc hệ thống nhà nước gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là sự pha lẫn tạp chất vào mủ của một số tiểu thương hám lợi đã làm cho thị trường mủ cao su chao đảo trong tình cảnh thật giả lẫn lộn. Thế nhưng, chính sự xô bồ, lộn xộn của thị trường đã giúp các nhà máy chế biến thuộc doanh nghiệp nhà nước có cơ hội đứng vững trên thị trường và khẳng định được thương hiệu của mình.
Công nhân Nhà máy chế biến mủ cao su Sông Bé đang kiểm tra sản phẩm
“Nếu mỗi khách hàng làm ăn chân chính, mỗi tiểu điền chân thật, chất phác sẽ chẳng bao giờ đem sản phẩm một nắng hai sương của mình bán cho những tiểu thương cân đo, đong đếm không đúng chuẩn. Mỗi nông hộ thức khuya, dậy sớm để làm ra cân mủ cũng chẳng ai dại nhiều lần đem sản phẩm của mình ký gửi cho tiểu thương để mong nhận được giá cao. Từ thực tế này, các nhà máy chế biến cao su thuộc các doanh nghiệp nhà nước đã giúp người nông dân tìm đến đúng địa chỉ cân đo, đong, đếm đúng chuẩn. Tiền được thanh toán ngay sau khi bàn giao sản phẩm. Sản phẩm của người nông dân không bị ép giá nhờ hệ thống máy móc hiện đại phân tích tự động. Sản lượng của người nông dân không bị hao hụt nhờ cách đo độ mủ chính xác từ những nhân viên kỹ thuật có tay nghề lâu năm cộng với đạo đức nghề nghiệp. Điều đó đã giúp các chủ vườn cao su tiểu điền gắn bó với nhà máy. Nhà máy cũng nhờ đó có được nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất” - Phó giám đốc Nhà máy chế biến mủ cao su Sông Bé Lê Trung Hiệp phân tích.
TIẾT KIỆM ĐỂ GIẢM GIÁ THÀNH SẢN PHẨM
Từ mỗi câu chuyện kể về Bác trong các buổi sinh hoạt chi bộ lan tỏa đến các phòng, ban rồi lan sang từng cán bộ, công nhân viên toàn nhà máy. Mỗi câu chuyện kể về Bác là một bài học để sống, làm việc, đối nhân xử thế và dĩ nhiên trong đó có cả việc học Bác trong cách tiết kiệm. Với phương châm “tích tiểu thành đại”, sau 4 năm học cách tiết kiệm, Nhà máy chế biến mủ cao su Sông Bé đã tiết kiệm được 26.524 lít axít trong quá trình chế biến. Với giá thị trường hiện nay, lượng axít đó đã giúp nhà máy tiết kiệm được 663 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, lượng nhiên liệu dầu lò sấy, dầu cao su, dầu xe nâng cũng được tiết kiệm đến 22.622 lít. Giám đốc nhà máy Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Để có được điều đó là cả một quá trình nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công nhân viên trong nhà máy sau nhiều năm, nhiều tháng học ở Bác.
Qua 4 năm học và làm theo Bác, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng được nâng lên rõ rệt. Ngoài hoàn thành tốt chỉ tiêu, kế hoạch, các phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng tham gia tích cực. Công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ luôn được đảm bảo. Đặc biệt là khâu vệ môi trường trong quá trình chế biến mủ đã có chuyển biến đáng kể, nhất là mùi hôi phát tán trong không khí được kiểm soát hoàn toàn. Lượng nước thải ra môi trường đã đạt cột A theo quy chuẩn QCVN 01-MT2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Điều đó không chỉ tạo được cảnh quan môi trường cho nhà máy mà còn góp phần nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm cho nhà máy trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, cái được trên hết của đội ngũ cán bộ, công nhân viên trong nhà máy là sau hơn 4 năm học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân viên trong nhà máy đã biết tự kiểm điểm, tự soi rọi lại mình trong quá trình làm việc, để từ đó phát huy cái tốt, hạn chế cái xấu, khắc phục yếu kém, góp phần xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, nhà máy văn minh, hiện đại.
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065