* Điều 3 trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có nội dung giải thích về từ ngữ. Nói cách khác thì đây là những quy định để thống nhất về cách hiểu cho đúng với các từ ngữ trong luật này. Đây cũng là điều có nội dung dài nhất, với 29 khoản. Tuy nhiên, theo suy nghĩ của tôi thì nội dung của điều này vẫn chưa bao quát hết đối tượng cần phải được quy định cụ thể trong luật. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung thêm Khoản 30, nhằm giải thích rõ như thế nào là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối? Cụ thể là họ có những đặc điểm và tiêu chí về ngành nghề, độ tuổi, thời gian và quá trình sản xuất ra sao, cũng như cơ quan, tổ chức hay cá nhân cụ thể có thẩm quyền xác nhận về việc này. Xuất phát từ quan điểm trên, tôi đề nghị Khoản 30 (mới bổ sung) của Điều 3 sẽ có nội dung như sau: Người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối là người có đất, có khả năng lao động, trực tiếp canh tác, lao động, có thu nhập chính từ việc sản xuất trên diện tích đất đó, có thời gian và quá trình sản xuất liên tục ít nhất 3 năm tính từ thời điểm hiện tại trở về trước được cộng đồng dân cư nơi có đất công nhận và UBND cấp xã nơi có đất xác nhận.
* Điều 25 là những quy định về bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất. Điều này gồm 4 khoản và ở Khoản 4 có nội dung như sau: 4. Có chính sách tạo điều kiện cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không có đất sản xuất do quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế được đào tạo nghề, phát triển ngành nghề phù hợp. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì nội dung của khoản này không ổn về ngữ nghĩa và cú pháp. Thứ nhất, ở một câu mà có tới hai từ “có” được lặp lại làm cho câu vừa lủng củng vừa không sáng nghĩa. Thứ hai, mục đích của khoản này là những quy định nhằm đảm bảo trách nhiệm của Nhà nước đối với những người có đất nhưng đã bị thu hồi hoặc do quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Nhà nước, nên họ không còn đất để sản xuất chứ không phải họ không có đất. Vì vậy, tôi đề nghị bỏ từ “có” trước cụm từ “đất sản xuất” và thay vào đó bằng từ “còn”. Như vậy, Khoản 4, Điều 25 sẽ được viết lại như sau: 4. Có chính sách tạo điều kiện cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không còn đất sản xuất do quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế được đào tạo nghề, phát triển ngành nghề phù hợp.
* Điều 34 là những quy định về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Điều này gồm 7 khoản, trong đó ở Khoản 4 và Khoản 7 có nội dung như sau: 4. Khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường... 7. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đảm bảo ưu tiên quỹ đất cho các mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường. Theo tôi, quy định như trên ở Khoản 4 là đúng nhưng chưa đầy đủ, chưa phù hợp với tình hình thực tế của nước ta và thế giới hiện nay. Bởi trước tình hình khí hậu trên trái đất biến đổi như ngày nay mà chúng ta chỉ biết khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường là không phù hợp và chưa lường trước được những hậu quả do biến đổi khí hậu sẽ gây ra. Thực tế trên thế giới trong những năm gần đây cho thấy hậu quả của biến đổi khí hậu hết sức khó lường và vô cùng lớn. Cơn sóng thần xảy ra ở Nhật Bản năm 2011 đã cướp đi sinh mạng của 15.846 người, 3.317 người không tìm thấy xác và được coi là mất tích, 60.011 người bị thương, 128.558 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn, làm cho 341.411 người không có chỗ ở. Vì vậy, tôi đề nghị ở Khoản 4 của Điều 34 cần được thêm dấu (,) vào sau cụm từ “thiên nhiên”, chuyển từ “và” về sau cụm từ “môi trường”, đồng thời bổ sung nội dung cụm từ “sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu” vào đoạn cuối khoản này.
Ở Khoản 7, theo ý kiến của cá nhân tôi cũng chưa phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, nhất là ở vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn đặc biệt khó khăn, đồng thời chưa bao quát được quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với những vùng trên và những hộ nghèo, gia đình khó khăn do không có đất ở hay thiếu đất sản xuất. Hiện nay ở tỉnh, thành phố nào trong cả nước cũng còn hàng chục ngàn người nghèo do thiếu đất sản xuất, thiếu đất ở. Nhưng nếu chúng ta thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo mà chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước trong tình hình hiện nay hoặc sự hảo tâm của cộng đồng cũng như các doanh nghiệp thì biết chừng nào mới hoàn thành. Hơn nữa, số người nghèo, hộ nghèo hàng năm đều phát sinh vì nhiều lý do khác nhau. Và thực tế ở Bình Phước đã chứng minh rằng trong quy hoạch sử dụng đất phải ưu tiên quỹ đất để thực hiện chính sách an sinh xã hội là việc làm cần thiết. Để thực hiện tốt chính sách này, Bình Phước đã đi đầu bằng cách tạo quỹ đất an sinh xã hội được gần 5.000 ha. Diện tích đất này đã được trồng cao su, người nghèo được giao đất, được trở thành công nhân cao su với thu nhập ổn định. Khi cao su được thu hoạch hoặc thanh lý thì người nghèo góp đất được cấp sẽ được chia lợi nhuận theo thỏa thuận và đây là cách giúp người nghèo thoát nghèo bền vững nhất.
Vì vậy, tôi đề nghị ở Khoản 7 cần được bổ sung nội dung “an sinh xã hội” vào ngay sau cụm từ “an ninh lương thực”. Do đó, ở Khoản 4 và Khoản 7 của Điều 34 sau khi sửa đổi, bổ sung được viết lại như sau: 4. Khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu. 7. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đảm bảo ưu tiên quỹ đất cho các mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, an ninh lương thực, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Nhật Minh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065