Ngày bán hoa, đêm làm thơ
Sinh ra và lớn lên tại quận 12, TP. Hồ Chí Minh, nhà nghèo nên Nguyễn Sữa chỉ được học hết lớp 4. Nhưng vì yêu thơ nên hằng ngày ông thường đi xin báo cũ để tìm thơ đọc. Tìm được bài nào, ông lại lấy kéo cắt và cất giữ cẩn thận để có thời gian sẽ đọc lại. Ông yêu thơ đến mức luôn để dành tiền mua, vì vậy Truyện Kiều của Nguyễn Du hay các tập thơ của Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, ông đều thuộc nằm lòng. Thường xuyên đọc nên vốn từ, kiến thức, niềm đam mê được hun đúc và đưa ông đến với thơ ngày càng gần hơn.
Nhà thơ Nguyễn Sữa (bìa phải) tại buổi giới thiệu tác giả, tác phẩm mới do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII năm 2019
Chia sẻ về tình yêu và cuộc sống, ông cho biết: “Năm 1976, tôi lập gia đình. Vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên chỉ vài tháng sau đó thì “ai về nhà nấy”. Quá yêu và nhớ vợ nên tôi đã sáng tác bài thơ đầu tay mang tên “Nếu biết”. Bài thơ dài như nỗi nhớ da diết, day dứt chất chứa nỗi lòng, trong đó có đoạn: “Nếu biết yêu nhau là trời cao đày đọa/Thà ngày xưa làm kẻ lạ người dưng/Nếu biết tình ta rồi chẳng có mùa xuân/Thà ngoảnh mặt quay lưng đừng tiếc nuối...”. Đọc bài thơ, vợ tôi hiểu ý nên chấp nhận cuộc sống khó khăn và chúng tôi đã về lại với nhau. Thương cảm cho mối tình nghèo nhưng sâu nặng, năm 1981, mẹ vợ đã cho chúng tôi một tiệm bán hoa tại chợ Đồng Xoài để kiếm sống và cũng từ đó, gia đình tôi gắn bó với Đồng Xoài. Ban ngày, cả nhà tập trung kinh doanh, buôn bán hoa tươi, ban đêm tôi lại sáng tác thơ để thỏa niềm đam mê”.
Thơ là tình yêu, cuộc sống
Quá trình kinh doanh hoa tươi, ông Nguyễn Sữa gặp được một số nhà thơ cũng buôn bán tại chợ Đồng Xoài. Những người có cùng sở thích mau chóng kết thân và có thêm nhiều bạn yêu thơ khác. Việc thường xuyên giao lưu qua những sáng tác mới của nhóm đã làm cho chất lượng và số lượng tác phẩm của ông tăng lên. Năm 2002, ông Nguyễn Sữa đã có một số bài thơ đăng trên Báo Bình Phước, đó là nguồn động viên mạnh mẽ giúp ông tự tin sáng tác nhiều hơn. Năm 2012, ông ra mắt tập thơ đầu tay với tựa đề “Nhặt lá mùa yêu” do Nhà xuất bản Trẻ xuất bản gồm 120 bài thơ. Năm 2016, ông tiếp tục xuất bản tập thứ hai “Hương mùa cũ” với 149 bài. Thơ của ông chủ đề đa dạng, thể loại phong phú, nhưng nhiều nhất là sáng tác về tình yêu đôi lứa gắn với mảnh đất Đồng Xoài. Một số tác phẩm tiêu biểu được nhiều người biết đến như: “Đồng Xoài chiều không em”, “Đồng Xoài chiều nhớ em” hay “Về Đồng Xoài đi em”. Ông Nguyễn Sữa đã tạo nên một nét riêng trong thơ với cách dùng từ đơn giản, bình dị, không cầu kỳ sính chữ, người đọc dễ dàng cảm nhận. Theo ông, để có thơ hay cần có một trái tim nhạy cảm, đa tình. Thơ là tình yêu, là con người, cuộc sống, hư cấu nhưng phải có chất liệu; nhà thơ phải có nhiều trải nghiệm cuộc sống, đọc và viết nhiều. Trong thơ phải có 3 yếu tố cơ bản: Sức chuyển tải lớn, ẩn chứa trong thơ là sự gửi gắm, suy tư, trăn trở đối với người đọc; có nhạc tạo cảm xúc sâu lắng; có họa, khắc họa hình ảnh, không gian, ngữ cảnh, hình tượng, ví như: “Chiều về, chiều trổ nôn nao/Gió reo mắt nắng, áo chao dáng chiều/Thơ ngây trổ đóa hoa kiều/Em vô tư bước, tôi điêu đứng nhìn” (bài Không đề).
Bán thơ mua xe tặng vợ
Nhận xét về thơ Nguyễn Sữa, nghệ sĩ Triệu Quốc Bình, Chi hội trưởng Chi hội văn học tỉnh và nhạc sĩ Nguyễn Văn Luân (hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam) đặt cho ông là “Phù thủy ngôn từ” với hàm ý sử dụng ngôn từ rất riêng, không nhầm lẫn với ai. Trong khi đó, nhạc sĩ Quang Vượng, Phó chủ tịch Hội VHNT tỉnh nhận xét: Qua “Tự bạch” thấy Nguyễn Sữa là người có đức tính giản dị, khiêm tốn pha thêm chút hài hước, nhưng tâm hồn lại chứa đầy cảm xúc văn chương. “Hương mùa cũ” và “Nhặt lá mùa yêu” là tiếng lòng của thi sĩ nói về tình yêu đôi lứa, yêu cuộc sống: “Khi em đến thì mùa xuân cũng đến/Đất trời và anh hổn hển vào yêu/Nắng môi thơm trượt trên dáng diễm kiều/Vòng tay gió như ru thêu hồn mộng...”.
Với nhiều tác phẩm có chất lượng, tạo được dấu ấn đậm nét đối với người đọc, nhà thơ Nguyễn Sữa cho biết tập thơ đầu tay xuất bản 1.000 cuốn, ngoài số lượng gửi tặng bạn bè và nộp lưu chiểu, ông còn bán được lượng lớn cho độc giả và có đủ tiền mua xe máy tặng vợ. Bà Lê Thị Minh Huệ - vợ ông, bày tỏ tự hào và tình yêu đối với chồng: “Tôi luôn quan tâm, động viên và tạo điều kiện về thời gian cho ông ấy sáng tác. Ngược lại, ông ấy luôn có trách nhiệm với gia đình”.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho biết: “Tình yêu lứa đôi chính là động lực, chất men, yếu tố quan trọng quyết định cho Nguyễn Sữa bước vào nghiệp văn chương. Ông không có may mắn được học cao nhưng lại là người yêu thơ, văn cháy bỏng, có sức viết tốt. Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu của tỉnh với nhiều sáng tác có giá trị, góp phần quan trọng làm phong phú đời sống VHNT tỉnh nhà”.
Vừa qua, ông Nguyễn Sữa là một trong 3 nhà thơ tiêu biểu được Hội VHNT tỉnh vinh danh trong chương trình “Giới thiệu tác giả, tác phẩm” nhân kỷ niệm Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII, năm 2019.
Quang Minh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065