BP - Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về tình trạng kháng kháng sinh ở nhiều bệnh nhân, trong đó có không ít trường hợp là trẻ em. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất, thậm chí đã phải sử dụng đến kháng sinh thế hệ 3, thế hệ 4. Hiện nay, 88% thuốc kháng sinh tại thành thị, 91% thuốc kháng sinh tại nông thôn được bán ra mà không có đơn của bác sĩ. Mối nguy kháng kháng sinh đang trở thành một trong những hiểm họa nghiêm trọng với sức khỏe, tính mạng con người và đe dọa sự phát triển bền vững của quốc gia.
Kháng kháng sinh là cơ thể người bị lờn thuốc kháng sinh, không diệt được vi khuẩn, khiến bệnh nặng hơn. Khi đã kháng kháng sinh thì mầm bệnh hay vi khuẩn vẫn tồn tại trong cơ thể và chúng sẽ tiếp tục sinh sản ra những thế hệ con cháu, là các chủng “siêu vi khuẩn” kháng lại tất cả loại thuốc. Nguyên nhân của tình trạng này do việc sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện, không đúng cách, không theo liều lượng và thời gian trị liệu, cũng như không uống hết số thuốc bác sĩ đã kê. Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi thú y, canh nông và ngư nghiệp cũng góp phần không nhỏ dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ở người.
Để giảm tình trạng kháng thuốc hiện nay thì cần phải hạn chế và chấm dứt việc tự ý mua thuốc chữa bệnh của người dân; quản lý tốt tự kê đơn của các nhà thuốc và việc lạm dụng kháng sinh trong kê đơn của bác sĩ. Có 3 đối tượng cần hướng đến để vận động, tuyên truyền và kiểm tra. Đó là cán bộ y tế, người bán thuốc và bệnh nhân. Mỗi người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sĩ khám bệnh, kê đơn và sử dụng kháng sinh theo hướng dẫn. Người nông dân sử dụng kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy - hải sản phải nghiêm túc tuân theo hướng dẫn.
Từ thực trạng đáng lo ngại về việc kháng kháng sinh, ngành y tế đã triển khai kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc. Tuần lễ chống kháng thuốc, Tháng hành động phòng, chống kháng thuốc (tháng 11) đã phát động trên phạm vi cả nước, nhằm tuyên truyền mạnh mẽ đến người dân ý thức sử dụng thuốc kháng sinh. Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4041/QĐ-BYT phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn. Bộ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống kháng thuốc; thành lập 9 tiểu ban giám sát kháng thuốc và đơn vị giám sát kháng thuốc quốc gia. Tới đây, bộ sẽ giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc và đưa tiêu chí bán thuốc kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt thực hành tốt (GPP). Phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam không còn tình trạng bán kháng sinh không cần đơn và người dân không thể tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh.
Tại Bình Phước, kháng kháng sinh cũng đã xảy ra ở một số bệnh nhân, trong đó đáng lo ngại nhất là tình trạng sốt rét kháng thuốc ở một số địa bàn vùng sâu. Vừa qua, UBND tỉnh đã giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc mua thuốc phải có đơn của bác sĩ. Người bán thuốc phải tuân thủ và thực hiện nghiêm quy định về bán thuốc theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Cán bộ y tế, mỗi người dân và cộng đồng phải cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, hợp lý, an toàn mới có thể giải được mối nguy kháng kháng sinh hieän nay.
Hà Thanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065