Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Đồng Phú, hiện trên địa bàn huyện có 290 ha mì, trong đó hơn 70 ha bị bệnh khảm lá, tập trung chủ yếu ở các xã Tân Lập, Tân Lợi, thị trấn Tân Phú. Hầu hết diện tích mì bị bệnh gây hại ở mức độ nhẹ đến trung bình. Điều đáng lo ngại hiện nay là người dân chủ yếu lấy hom giống từ cây mì vụ trước để nhân giống vụ sau. Nếu tiếp tục lấy hom giống từ những cây mì bị bệnh sẽ khiến bệnh lây lan nhiều, phát bệnh sớm hơn dẫn đến năng suất giảm mạnh và có khả năng mất trắng. Hơn ai hết, chính người trồng mì hiểu rõ nhất những nguy hại của bệnh khảm lá mì bởi họ đã “nếm mùi” mất mùa, thua lỗ, thậm chí phải cày bỏ diện tích cây trồng do nhiễm bệnh nặng trong vụ mùa vừa qua. Thế nhưng, do chủ quan và tâm lý “hên, xui”, nhiều người lại tiếp tục cày đất xuống giống mì ngay trên diện tích từng bị nhiễm bệnh, để rồi được khoảng 1 tháng, cây phát bệnh, nguy cơ thua lỗ hiển hiện trước mắt.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Phú kiểm tra vườn mì bị nhiễm bệnh khảm lá trên địa bàn
Bà Phạm Thị Nga trồng mì tại xã Tân Lập cho biết, vụ mì vừa qua, vườn mì của gia đình bà bị nhiễm bệnh khoảng 30% diện tích. Sau khi thu hoạch xong, bà đã đốt cây mì, rắc vôi khử trùng đất và cày xới để tiếp tục trồng vụ mì mới. Thời gian qua, ngành chức năng đã đưa ra nhiều khuyến cáo nên cắt vụ chuyển sang trồng loại cây khác ít nhất 1 vụ. Tuy nhiên, thấy trồng mì cho lợi nhuận ổn định, hơn nữa, bà nghĩ chỉ cần cải tạo đất kỹ và tìm giống mì mới không có mầm bệnh là có thể an tâm canh tác. Vậy nên hậu quả là gần 1 ha mì mới trồng của gia đình đã không tránh khỏi bệnh khảm lá, vụ này bà bị mất trắng.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thanh trồng mì ở thị trấn Tân Phú cho biết: khi phát hiện bệnh trên cây mì, tôi nhổ bỏ ngay. Mặc dù rất tiếc nhưng nếu không nhổ bỏ, bệnh lây lan cả vườn sẽ thiệt hại nặng hơn. Khi phát hiện bệnh, tôi được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn phun 1 tuần 2 lần các loại thuốc trị bọ phấn trắng, tiêu diệt loại sâu hại này nên bệnh có chiều hướng giảm.
Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Phú Nguyễn Thị Thu Yến cho biết: Bệnh khảm lá mì do bọ phấn trắng gây nên. Bệnh thường có biểu hiện lá bị vàng và hơi xoăn, có khả năng lây lan nhanh, đến nay chưa có thuốc đặc trị. Theo điều tra tại những hộ trồng mì đã thu hoạch, đối với diện tích mắc bệnh năng suất và độ bột của củ mì bị giảm từ 20-40%. Do đó, khi phát hiện bệnh, người dân phải nhổ bỏ và tiêu hủy ngay diện tích mì mắc bệnh để tránh lây lan sang khu vực khác, đồng thời phun thuốc trừ bọ phấn trắng (trung gian mang mầm bệnh) ở những vùng nguy cơ nhiễm bệnh; không nên trồng giống HL-S11, bởi đây là giống nhiễm bệnh khảm lá và chưa được công nhận; nên sử dụng các giống ít nhiễm bệnh như KM94, KM140...
Để hạn chế bệnh khảm lá lây lan và có nguy cơ bùng phát, ngành chức năng khuyến cáo nông dân phải theo dõi sát vườn mì để kịp thời phát hiện bọ phấn trắng. Khi có những dấu hiệu bất thường trên cây mì, người trồng báo ngay cho cán bộ nông nghiệp ở địa phương để được hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và cách phun. Nông dân lưu ý, không nên phun quá nhiều, lạm dụng thuốc sẽ không mang lại kết quả, ngược lại còn gây ra hiện tượng kháng thuốc đối với bọ phấn trắng.
Minh Hiền
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065