Trưng ra mấy tấm ảnh chụp cách đây mười năm, chị tức tưởi: “Ngày đó tôi mập mạp, xinh xắn, đi làm lương cả chục triệu/tháng chứ đâu tả tơi, teo tóp như bây giờ. Một năm nay thì càng xuống dữ do thương nhớ các con, do người này độc ác”. Thấy chị chỉ tay về phía mình, anh nhăn mặt, ấp úng: “Thì tự cô chuốc khổ”… Tháng 9/2014, TAND Q.2 đã tuyên anh chị không còn là vợ chồng, anh được trực tiếp nuôi con. Từ đó, chị quyết liệt tranh giành quyền nuôi con.
Ai gây nên nỗi?
Chị trình bày: “Luật quy định dù ai nuôi con thì cũng không được ngăn cản người kia thăm gặp. Vậy mà chẳng những không tạo điều kiện cho mẹ con tôi gặp nhau, anh ấy còn mang tụi nhỏ đi giấu. Có người mẹ nào không đau đớn khi phải sống xa con mình?”.
Theo lời chị, ly hôn không lâu, chẳng thèm nói với chị một tiếng, anh đã mang hai đứa trẻ về TP.Biên Hòa cho em gái anh nuôi dưỡng. Nhiều lần đến thăm con không gặp, chị yêu cầu: “Anh không nuôi được thì để tôi nuôi, mắc gì giao cho người khác?” lần nào anh cũng lạnh lùng: “Cô lo cho thân mình xong chưa?”.
Ảnh mang tính minh họa: Internet
Vì quá nhớ Lâm và Vy - hai con của anh chị, một hôm chị lặn lội xuống TP.Biên Hòa, đứng trước cửa nhà em gái anh mà chỉ dám… nhìn vô. Thấy hai đứa trẻ, chị chảy nước mắt vờ hét to một tiếng để thu hút sự chú ý. Lâm và Vy quay ra thấy chị, gọi mẹ rồi chạy theo nhưng mới đến cổng là bị em gái anh ngăn lại. Người này hỏi chị: “Đã báo anh tôi chưa mà chị đến đây?”.
“Tại sao mẹ muốn thăm gặp con lại phải báo cho người khác?” - chị rấm rức giữa tòa. Liên tục một năm ròng sau đó - chị kể tiếp - cứ đúng 11g trưa, dù có đang làm việc gì, chị cũng bỏ ngang rồi phóng xe từ Q.2 xuống đứng trước cổng trường các con ở TP.Biên Hòa, chờ được nhìn thấy con.
Chị chỉ dám nép mình trong một quán nước để nhìn trộm. Con vào lớp, chị trở về lo công việc của mình, 16g lại tiếp tục đến trước cổng trường con, lặng lẽ theo chân chúng về nhà. “Điều gì khiến chị không công khai gặp con mà phải giấu mình như vậy?” - tòa hỏi.
Chị quay sang anh, hằn học: “Tại con người này và em gái anh ta quá ác độc. Họ dọa, nếu tôi xuất hiện trước hai con thì sẽ không còn cơ hội gặp con nữa”. Chị đưa tay bụm mặt, khóc thành tiếng. Tòa chất vấn anh. Trời hầm hập nóng, phòng xử hẹp, chiếc áo xỉn màu đầy vết thâm kim anh mặc ướt đẫm mồ hôi. Giơ tay chặm mồ hôi đang lăn dài trên má, anh chậm rãi: “Là cô ấy tự chuốc khổ. Tôi đã nói muốn thăm con thì báo cho tôi một tiếng, cô ấy đâu có nghe. Em gái tôi chỉ trông hộ con, làm sao dám thay quyền tôi cho ai thăm gặp chúng”.
Anh kể, một lần chị xuống trường, vừa thấy Lâm - Vy là chị nhào đến giật các con từ tay người em gái, ôm hôn rồi khóc thảm thiết: “Tôi làm gì nên tội mà phải bị trừng phạt mẹ con chia lìa, xa cách?”.
Sau đó, chị và em gái anh to tiếng, giằng co giữa đường. Lâm - Vy chứng kiến cảnh người lớn xô xát, sợ hãi khóc thét. Hôm ấy, hai đứa trẻ không tập trung học hành được, cứ ngồi gục đầu khóc khiến đích thân hiệu trưởng phải điện thoại “năn nỉ” chị nên giải quyết chuyện riêng ở nhà, đừng làm “náo loạn” trường học, ảnh hưởng đến con và cả những học sinh khác.
Hôm sau chị trở lại, đi cùng một anh công an và bác tổ trưởng dân phố. Chị khẳng định với họ, nhà em gái anh là nơi “giấu nhốt” hai đứa con đang mất tích của chị. Vụ việc ầm ĩ, anh phải lớn tiếng dọa nạt, nếu còn làm phiền các con, chị sẽ không còn cơ hội gặp lại chúng.
Anh cho biết, căn nhà ba cha con anh đang ở tại Q.2 là của anh trai anh, cũng là xưởng mộc nơi anh làm việc. Tiếng đục đẽo ồn ào suốt ngày, chưa kể rất bụi bặm, sợ không tốt cho sức khỏe các con nên anh mới đưa con về gửi cho em gái.
Hai ngày một lần, anh xuống ở với con một đêm. Thứ bảy, Chủ nhật dù công việc bộn bề đến mấy, anh cũng bỏ mặc để dành thời gian đón con về với mình. “Cô ấy đã không hiểu, không thông cảm cho thì chớ, còn gây khó dễ chúng tôi! Tôi đâu có ngăn mấy mẹ con gặp nhau, nhưng hễ gặp là cô ấy than khóc, kêu trời kêu đất khiến tôi thấy… rất kỳ” - anh gút lại.
Tòa nghị án. Xét chị không có việc làm ổn định để nuôi con; trong các phiên hòa giải Lâm - tám tuổi, Vy - bảy tuổi đã trình bày nguyện vọng được ở với cha, nên tòa tuyên bác đơn xin thay đổi quyền trực tiếp nuôi con của chị.
Chạm mặt anh ở cổng tòa, chị bức xúc gào lên: “Là mày không cho con về với tao, bắt con tao phải thừa nhận vậy!”. Anh lắc đầu, cười gượng gạo như phân bua với hàng chục ánh mắt của những người chung quanh đang đổ về phía mình…
"Thôi ta đứng lại"
Tôi theo anh về nhà. “Vợ chồng đến hồi không sống được thì phải chia tay thôi” - anh tiếp tục trần tình - “Cô ấy hy sinh cho tôi nhiều lắm. Có người chồng nào không trân trọng, yêu thương người vợ dám chịu thiệt vì mình. Nhưng, vợ tôi quá đặt nặng sự hy sinh của cô ấy, muốn tôi luôn phải “ghi nhớ công ơn”, khiến tôi mệt mỏi vô cùng”.
Năm 2005, anh chị gặp nhau khi cùng làm việc tại một công ty phân phối hàng nhập khẩu ở Q.6. Kết hôn năm 2007, thấy lương kiểm kho của mình không đủ lo cho gia đình nên anh nghỉ việc, hùn vốn mở một xưởng mộc nhỏ với anh trai ở Q.2.
“Nhờ chịu khó đóng từ cái kệ sách cho sinh viên nên thu nhập của tôi có thể nuôi được vợ ở nhà” - anh cho biết. Ngày vợ mang thai đứa con đầu, anh khuyên chị nghỉ việc. Chị đồng ý. Năm sau chị sinh thêm Vy. Cuộc sống chung của anh chị cứ ngỡ sẽ hạnh phúc nhưng chẳng hiểu sao chị ngày càng bẳn tính, luôn khó chịu với chồng.
Thoạt đầu, anh nghĩ đó là do chị phải chăm cùng lúc hai con nhỏ nên mỏi mệt. Anh giúp vợ bằng cách sẵn sàng làm “chân sai vặt”, thay vợ chăm con khi cần, để chị được ngủ ngon. Thế nhưng, chẳng hề thấy chị thay đổi, mà ngày càng có vẻ gay gắt hơn. Điều khiến anh khổ sở, bức bối nhất là chị luôn nói đến những hy sinh, thiệt thòi của mình.
“Con khóc, cô ấy gào lên: “Tôi sinh ra không phải để chịu đựng mấy người!”. Tôi lỡ nhậu say về, cô ấy la làng: “Tại sao tôi phải chịu đựng thứ mùi hôi hám đó?”. Hoặc, đến bữa cơm, cô ấy luôn bảo món này nấu khổ lắm, đi xa lắm mới mua được. Mấy lời đó khiến tôi luôn thấy ngại” - anh tâm tình.
Một ngày, chị kể với anh, theo đánh giá của cô đồng nghiệp cũ, nếu chị còn làm việc ở công ty, ghế kế toán trưởng chắc chắn thuộc về chị. Anh cho rằng, viễn cảnh thăng tiến bị bỏ lỡ khiến chị đâm tiếc nuối, đổ hết trách nhiệm lên anh. Chị hay than thở: “Vì cái nhà này mà tôi mất cơ hội sống cho ra một con người. Trong khi người ta quần là áo lượt đi làm thì tôi phải phục vụ mấy người. Tối người ta rảnh rang chơi bời còn tôi phải đút con ăn, chăm con ngủ…”.
Cố bù đắp cho vợ nhưng mua tặng chị chiếc đầm mới, anh lập tức bị phản ứng: “Mặc để đi chợ à, hay đi đổ rác?”, rồi chị muốn đi làm trở lại. Khi đó Lâm - Vy đã bốn và năm tuổi, anh đồng ý để vợ tìm việc. Nhưng, tấm bằng trung cấp không cho chị cơ hội trở lại công việc cũ, đến công ty khác lại càng không được chấp nhận.
“Tôi nói cô ấy thôi thì làm gì cũng được, miễn là đi làm, nhưng cô ấy không chịu, bảo làm phải ra làm, không thể làm công việc chẳng ra gì được. Chúng tôi cãi nhau suốt. Lần nào cãi cô ấy cũng đổ do tôi “kéo” cô ấy xuống số không khi sự nghiệp đang thăng tiến. Gia đình vì thế mà không khí lúc nào cũng ngột ngạt, ai nấy đều mệt mỏi” - anh tâm sự.
Tôi xin chị cuộc hẹn, xót xa khi thấy chị phơi mặt giữa nắng trưa, không khẩu trang chống nắng, áo ngắn tay cũ kỹ. Chị tự trách: “Nếu không vì anh ấy mà chịu cảnh thất nghiệp, tôi đã được quyền nuôi con từ phiên xử năm trước chứ đâu ra nông nỗi này!”.
Chị khăng khăng, hai đứa trẻ bị anh ép buộc nên mới nêu nguyện vọng được sống với cha: “Tôi một tay chăm sóc chúng từ nhỏ, dành cho chúng toàn bộ thời gian, không lẽ chúng yêu thương “con người ấy” hơn tôi?”. Chị khóc, nói chị không cam lòng khi đi qua hôn nhân thì hoàn toàn tay trắng, “phá sản” đến mức con mình mang nặng đẻ đau cũng quay lưng với mình.
Về chuyện thăm con, anh bảo, chỉ cần một tin nhắn thông báo của chị, anh sẽ tạo điều kiện cho mẹ con gặp nhau, nhưng phải gặp trong niềm vui, không nước mắt, không oán trách, mà chị lại không làm được như thế. Đời sống gia đình, ngay cả khi không còn là một gia đình, luôn có những nguyên tắc, những quy ước ngầm mà người trong cuộc phải tự ý thức để ứng xử cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế, để không thấy mình bị thua thiệt.
Hy sinh vì chồng con là rất đáng quý, nhưng luôn tiếc nuối, luôn thấy mất mát vì sự hy sinh đó mà đẩy mình vào suy nghĩ đang chịu bất công, đòi hỏi phải được đáp trả, là đã vô tình tạo áp lực nặng nề cho người được hy sinh và cả cho mình…
Nguồn PNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065