Điểu Vinh - Người truyền lửa cho dân ca Xêtiêng bay cao, bay xa cùng học sinh ở lớp dân ca do ông truyền dạy
Say điệu dân ca
Chúng tôi gặp ông trong một buổi chiều khi ông say sưa thử lại âm vực của các nhạc cụ để chuẩn bị lễ hội mùa Xuân sắp diễn ra.
Trong các loại nhạc cụ truyền thống như: kèn môi, đàn tre, kèn bầu, tù và, sáo... ông thích kèn môi vì gắn với kỷ niệm thời trai trẻ. Ngày đó, nhờ tiếng kèn môi mà ông tìm được hạnh phúc. Kèn môi đặc biệt bởi âm thanh vang vọng, nhất là ban đêm, phù hợp cho trai gái bày tỏ tình cảm hay hẹn hò, giao duyên. “Trước kia mình hát hay, thổi kèn môi giỏi nên bà ấy mới chết mê chết mệt mà theo đấy” - ông Điểu Vinh khoe. Nói rồi ông thổi cho chúng tôi nghe bài Tìm bạn gái: “Anh đi muôn nơi từ buôn làng xa đến gần/Thác suối rừng sâu tìm người em chốn nào/Nay anh đi mãi gọi tên người xưa giấu trong lòng/Ánh trăng buồn lẻ loi vì tình ta lỡ làng/Cây rừng thưa chim vắng, từng chiều anh nhớ người...”. Bài hát giúp ông giành giải C tại liên hoan Tiếng hát dân ca Việt Nam do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức năm 2011.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Điểu Vinh bộc bạch: “Mình yêu dân ca Xêtiêng bởi nét trữ tình sâu lắng, nền nã, duyên dáng lại hết sức gần gũi khi bắt nguồn từ lời ru của mẹ. Men rượu cần, tiếng cồng chiêng là chất xúc tác khiến lời hát càng thêm bay bổng; thiên nhiên, con người như hòa quyện vào nhau. Những làn điệu dân ca, dân vũ, đặc biệt là lối hát kể làm cho mỗi bài hát đều mang một thông điệp riêng. Có khi là tình yêu trai gái hòa với tình yêu thiên nhiên, cũng có khi là tình cảm gia đình quyện vào tình yêu quê hương, đất nước”.
Nhiều bài dân ca lấy cảm hứng từ tình yêu đôi lứa, nhưng tình yêu ấy có sự chứng giám bởi thiên nhiên, sông núi: “Ước váy em treo cành cây tang/Ước áo anh treo cành cây tung/Ước người ta cùng sưởi bên lửa hồng/Xuống suối cùng em bắt cá/Lên rừng cùng anh hái rau...”. Dù là giai điệu rộn ràng hay dịu êm, khỏe khoắn hay trữ tình, tự sự hay hoan ca thì mỗi bài dân ca Xêtiêng đều là sự sáng tạo ngẫu hứng, phong phú về thể loại, sâu sắc về nội dung, dí dỏm, thông minh, đôi khi cả thâm thúy trong ý tứ.
Dân ca đóng vai trò quan trọng trong văn hóa dân tộc Xêtiêng bởi mang lại sự vui vẻ, xua tan đi mệt mỏi sau một ngày lao động vất vả. Ông Điểu Vinh không nhớ rõ mình đã thuộc bao nhiêu bài dân ca Xêtiêng. Chỉ biết âm nhạc đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Theo ông, dân ca Xêtiêng hát không khó nhưng để hiểu hết ca từ, ý nghĩa thì phải có tình yêu và thổn thức cùng nó.
Niềm đam mê cháy bỏng
“Giờ thanh niên ít người muốn học hát dân ca, đánh nhạc cụ dân tộc. Đa số chỉ thích nghe nhạc trẻ. Nếu mình không truyền dạy cho thế hệ trẻ thì sau này sẽ mai một. Muốn dạy dân ca phải được sống trong không khí lễ hội với trang phục truyền thống hòa cùng tiếng cồng chiêng. Hiện các lễ hội truyền thống ít được tổ chức, lớp trẻ thiếu cơ hội tham gia học hỏi. Cái chân đã mỏi, nó không theo cái đầu, nhưng mình cũng sẽ cố gắng truyền dạy cho con cháu” Ông Điểu Vinh. |
Đã bước qua ngũ tuần nhưng ngọn lửa đam mê với văn hóa của ông Điểu Vinh vẫn hừng hực qua cách kể, cách hát, cách truyền dạy bài dân ca Xêtiêng. Từ nhỏ, sau những ngày lên rừng săn bắn, ông lại theo cha và các già trong sóc học hát, thổi kèn. Lớn lên, vốn kiến thức về văn hóa Xêtiêng đã chất đầy trong tiềm thức chàng trai trẻ Điểu Vinh.
“Đồng bào nào cũng có nền văn hóa riêng để gìn giữ. Lúc rảnh rỗi, mình vẫn dạy hát cho con cháu và thanh niên trong ấp. Rồi tìm đến các cụ để học hỏi, sưu tầm những bài dân ca đang bị mai một, ghi chép lại cẩn thận để dành cho con cháu. Mình rất mong những làn điệu dân ca của đồng bào Xêtiêng được lưu giữ và bay cao, vang xa hơn nữa”.
Đam mê ca hát, ông Điểu Vinh đoạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi lớn, nhỏ. Năm 1993, ông đoạt giải nhì múa cồng chiêng cấp tỉnh. Năm 2006 đoạt giải ba hội thi tiếng hát dân tộc 6 tỉnh miền Đông Nam bộ tổ chức tại tỉnh Đồng Nai; giải nhì thổi kèn môi hội thi các dân tộc thiểu số trong tỉnh; năm 2011 đoạt giải C liên hoan Tiếng hát dân ca Việt Nam do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Với ông, tham gia văn nghệ không chỉ lưu giữ bản sắc văn hóa của đồng bào mình mà còn giúp tuổi già thêm vui và có ích.
Chúng tôi lưu luyến chia tay ông Điểu Vinh và các già làng khi cuộc vui chưa tàn. Giọng hát khỏe khoắn, mượt mà của ông vẫn vẳng bên tai: “Em yêu nơi đâu mình anh ngồi đây mãi mong chờ/Tiếng chim buồn than tìm đàn xa phương nào/Cho anh thương nhớ nụ hoa tàn rơi khắp lưng đồi/ Tiếng ru buồn hắt hiu chuyện tình ta lỡ làng/Nay hội vui lúa mới chiều vàng anh nhớ người”. Nếu cồng chiêng là ngôn ngữ để con người giao tiếp với thiên nhiên thì dân ca giúp con người cởi mở, hòa nhập hơn. Ông Điểu Vinh cho rằng: Người chưa bao giờ thấy vàng thì chẳng thể hiểu được giá trị những “hạt vàng” mà bao nhiêu năm ông đã kỳ công lượm lặt.
Tháng 3-2011, Hội Văn học - Nghệ thuật dân gian Việt Nam kết hợp Quỹ Bảo tồn văn hóa Việt Nam, Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh và UBND xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú (nơi có 98% đồng bào Xêtiêng) tổ chức lớp dạy dân ca Xêtiêng cho các học viên từ 10-15 tuổi. Đây là việc làm thiết thực, góp phần lưu giữ bảo tồn các làn điệu dân ca Xêtiêng và nâng cao kiến thức về văn hóa dân tộc, phong tục tập quán của đồng bào bản địa này. |
Ngân Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065