DIỆN TÍCH HỒ TIÊU NGOÀI KHẢ NĂNG KIỂM SOÁT
Nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh trong khu vực nêu trên không sớm có biện pháp kiểm soát hiệu quả, thì từ nay đến năm 2020, diện tích hồ tiêu của cả nước sẽ tăng đến mức khó ai có thể dự báo chính xác. Theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, đến cuối năm 2015 diện tích trồng mới của cả nước đạt hơn 86.000 ha. Tính riêng 7 tỉnh trọng điểm trồng tiêu nhiều nhất nước, diện tích cho thu hoạch đã tăng gần 10.000 ha so với năm 2014. Bình Phước là một trong 6 tỉnh trọng điểm quy hoạch hồ tiêu, đến năm 2020, diện tích hồ tiêu là 10.000 ha, nhưng theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm nay diện tích trồng tiêu của cả tỉnh đã lên tới 13.880 ha tiêu, tăng 1.759 ha so với cùng kỳ năm 2015 và cao hơn quy hoạch gần 4.000 ha.
Thời điểm này, giá tiêu giảm nhưng nhiều nông hộ ở Bình Phước vẫn mở rộng diện tích trồng mới. Trong ảnh: Nhà nông ở xã Lộc Thịnh (Lộc Ninh) phơi tiêu - Ảnh: P. Thảo
Diện tích trồng mới tăng nhanh là do những năm gần đây, giá hồ tiêu tăng đáng kể, bất chấp khuyến cáo thời tiết cực đoan. Đầu năm 2016, nhiều diện tích tiêu ở Bình Phước bị thiệt hại nặng do nắng hạn nhưng khi bước vào mùa mưa, nông dân vẫn phát triển, mở rộng diện tích trồng mới. Do đặc tính không cần diện tích lớn, không đòi hỏi nhiều nước nên cây tiêu được chọn trồng ngày càng nhiều, dù giá tiêu hiện nay có thấp hơn mấy năm trước. Đặc biệt là trong những ngày cuối mùa mưa năm nay, ở các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản đã có hàng ngàn hécta tiêu đang cho thu hoạch bị gãy đổ do lốc xoáy. Ngoài nguyên nhân do mưa to, gió lớn, còn có nguyên nhân nữa là nông dân chạy theo số lượng, nên việc dựng nọc và chằng buộc vườn tiêu không kỹ, không đúng kỹ thuật và che chắn không bảo đảm nên đã bị gãy đổ nọc tiêu khi mưa to, gió lớn.
Bên cạnh đó, ngoài việc chuyển đổi đất vườn tạp, người dân ở các huyện, thị xã trong tỉnh còn chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi, cà phê không chủ động được nguồn nước, năng suất kém và cả diện tích cây điều không hiệu quả sang trồng hồ tiêu. Với giá thu mua trên thị trường như hiện nay là 125.000-130.000 đồng/kg thì không có loại cây nào cho lợi nhuận tốt hơn hồ tiêu, cho dù thời gian qua giá tiêu có sụt giảm nhưng vẫn ở mức cao khiến người dân bất chấp những khuyến cáo của ngành nông nghiệp, đua nhau phá bỏ các loại cây để trồng tiêu. Chính điều này làm cho chính quyền và ngành nông nghiệp khó kiểm soát quy hoạch, giống tiêu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,...
SẢN LƯỢNG TĂNG, GIÁ TRỊ GIẢM
Từ nhiều năm nay, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới. Hiện hồ tiêu Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường của 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm tới 32% tổng sản lượng hạt tiêu toàn cầu và 56% thị phần hồ tiêu thế giới. Như vậy, hồ tiêu Việt Nam có thể đóng vai trò chi phối thị trường và giá hồ tiêu trên toàn cầu. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 7 vừa qua ước đạt 15.000 tấn, giá trị đạt 125 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu 7 tháng năm 2016 đạt 122.000 tấn, giá trị đạt 988 triệu USD, tăng 26,1% về khối lượng và tăng 9,2% về giá trị. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2016 đạt 8.082 USD/tấn, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong 9 tháng năm 2016, Việt Nam đã thu về 1,2 tỷ USD từ xuất khẩu gần 145.500 tấn hạt tiêu, trong khi chỉ tăng 13,1% về giá trị, nhưng sản lượng xuất khẩu lại tăng tới 31,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nông dân xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh phun dưỡng chất cho tiêu mới trồng - Ảnh: K.B
Giá thu mua hạt tiêu đen ở thị trường nội địa trong tháng 7-2016 giảm nhẹ so với tháng trước. Tính trung bình trong tháng, giá thu mua tiêu đen xô tại các tỉnh trồng tiêu trọng điểm dao động ở mức 165.000-169.500 đồng/kg, giảm khoảng 2.000 đồng/kg so với tháng trước. Nhưng đến nay, đại lý ở các huyện, thị xã trong tỉnh đang thu mua với giá chỉ 125.000-130.000 ngàn đồng/kg đối với tiêu loại 1. Nguyên nhân giá tiêu trong nước giảm là do ảnh hưởng bởi vụ thu hoạch tiêu đang vào giai đoạn cao điểm ở các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan... Tuy nhiên, năm 2016 dự báo xuất khẩu hồ tiêu sẽ đạt khoảng 160.000 tấn, trong khi giá tiêu trong nước và xuất khẩu đang có xu hướng giảm.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình cung cầu hồ tiêu thế giới năm 2016 vẫn không thay đổi lớn so với năm 2015 và lượng hồ tiêu xuất khẩu năm nay sẽ tăng cao hơn năm 2015. Vì vậy, các chuyên gia và cả Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhiều lần đưa ra cảnh báo: Diện tích hồ tiêu tăng “nóng” sẽ dẫn tới cung vượt cầu và khi đó giá hồ tiêu sẽ sụt giảm nhanh. Trước thực trạng đó, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam khuyến cáo, muốn ngành hồ tiêu phát triển bền vững, ngành nông nghiệp cần quyết liệt xử lý và kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây tiêu. Đưa hồ tiêu vào danh mục hàng thực phẩm tươi sống để áp dụng các biện pháp kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất theo tiêu chuẩn nông sản sạch, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Tuy nhiên, để khuyến cáo này thực sự mang lại hiệu quả thì trách nhiệm của chính quyền và ngành chức năng là phải tuyên truyền, vận động để người trồng tiêu thấy rõ tác hại của việc trồng tự phát.
L.N
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065