11 năm tham gia kháng chiến, trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong 2 trận đánh lớn Tổng khởi nghĩa Mậu Thân 1968 và Chiến cục mùa hè đỏ lửa năm 1972 với 2 lần cận kề cái chết, cựu chiến binh Nguyễn Văn Lưu càng vững tâm chiến đấu và cống hiến dù trong thời chiến hay thời bình.
Vượt qua thử thách
Trải qua 1 năm làm giao liên (từ năm 1965-1966), chàng trai Nguyễn Văn Lưu nhập ngũ thuộc đơn vị K29, Phân khu 10, đóng quân ở huyện Bù Đăng. Đầu năm 1967, đơn vị của ông nhập vào Tiểu đoàn 168, Đại đội 113 để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa năm 1968, đóng quân tại xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp. Sau đó, ông cùng đơn vị tham gia trận đánh tại Chi khu Phước Long. Trong trận đánh này, ông đã bị thương. Cuối năm 1968, ông được cử đi học trinh sát tại Đắk Quýt, thuộc huyện Bù Đốp. Đến tháng 6-1969, ông được giao nhiệm vụ về làm công an cơ động thuộc C5, trực thuộc Phân khu 10.
Ngoài chăm sóc vườn điều, cao su, thời gian rảnh rỗi thương binh Nguyễn Văn Lưu chăm sóc cây hoa, cây cảnh làm thú vui tuổi già
“Nhìn thấy cờ Tổ quốc rợp trời ngày đất nước độc lập, tôi cảm thấy mình như được tái sinh. Tôi tự nhủ xây dựng cuộc sống đầy đủ sau chiến tranh là điều không dễ dàng đối với người thương binh. Đặc biệt, Bù Đăng từng là mảnh đất đầy bom đạn do chiến tranh để lại. Nhưng để không trở thành gánh nặng cho đất nước, tôi cố gắng gấp nhiều lần so với người có sức khỏe bình thường, biến mảnh đất thấm đầy bom đạn này “nở hoa””. Thương binh Nguyễn Văn Lưu |
“Năm 1972, cuộc chiến tranh giành độc lập của đất nước đang vào giai đoạn nước rút, toàn diện trên các lĩnh vực. C5 được giao nhiệm vụ làm công tác tuyên truyền, vận động, nắm bắt thông tin trên địa bàn biên giới Campuchia. Chuyến công tác đó, C5 có 30 người tham gia. Trong quá trình đi làm nhiệm vụ, chúng tôi bị địch phục kích bất ngờ. Cả đơn vị chiến đấu anh dũng, mặc dù giải vòng vây thành công nhưng có 2 đồng chí hy sinh, 4 đồng chí bị thương, trong đó có tôi. Sau 2 lần bị thương, tôi mất sức lao động 36%, trở thành thương binh 4/4” - cựu chiến binh Nguyễn Văn Lưu kể lại.
Làm giao liên từ năm 15 tuổi, với nhiệm vụ đi đưa thư, chuyển thông tin, là giai đoạn giúp chàng trai trẻ Nguyễn Văn Lưu hiểu rõ thế nào là cách mạng, trưởng thành hơn, hội tụ đủ phẩm chất để trở thành người lính Cụ Hồ. Từ đó, ở vị trí nào ông cũng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tuổi trẻ xa gia đình, tham gia cách mạng dù trải qua 2 lần cận kề cái chết, nhưng may mắn còn sống để chứng kiến ngày đất nước hòa bình là niềm vui lớn nhất đối với người lính bước ra từ chiến trường đầy bom đạn.
Hồi sinh và tỏa hương cho đời
Tháng 9-1976, rời quân ngũ, ông trở về thôn 4, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng lập nghiệp. Bước đầu cuộc sống gặp nhiều khó khăn vì sức khỏe yếu và thiếu vốn, kinh nghiệm trong phát triển kinh tế. Sau khi phân tích những lợi thế, yếu điểm của bản thân và nghiên cứu vùng đất Bù Đăng, ông chọn trồng cây nông sản lâu năm phát triển kinh tế. Với vốn tích cóp từ làm thuê, ông mua 1 ha đất và chọn trồng cây điều để phù hợp với thổ nhưỡng, thời tiết nhằm tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian chăm sóc. Thời gian rảnh rỗi, ông đi làm thêm nhiều việc để có thêm chi phí trang trải sinh hoạt gia đình. Số tiền thu được từ cây điều, ông tích cóp mua thêm đất để mở rộng diện tích. Đến nay, tổng diện tích đất sản xuất của gia đình ông 10,7 ha gồm cao su, điều và tiêu đang cho thu hoạch.
“Là người gương mẫu trong cuộc sống, thương binh Nguyễn Văn Lưu được đồng đội và người dân quý trọng. Ông được đồng đội tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh thôn 4 suốt 3 nhiệm kỳ liên tục. Đối với công tác xã hội, ông luôn đi đầu, đặc biệt trong phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn. Ngoài đóng góp phần cá nhân, thương binh Nguyễn Văn Lưu còn đóng góp cho thôn 9 triệu đồng”. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đoàn Kết Trần Văn Anh |
Với thương binh Nguyễn Văn Lưu, đó chưa phải là tài sản lớn nhất, mà là 5 người con ngoan hiền. 3 người con trai sau khi ra trường đều có việc làm ổn định, mỗi người ông tạo điều kiện cho 1,5 ha điều và cao su để phát triển kinh tế. 2 người con gái dù đã lập gia đình, có công việc ổn định và kinh tế khá nhưng cũng được ông cho mỗi người 1 ha đất để sản xuất. Trong 4,2 ha còn lại, có 1,7 ha cao su, 2,5 ha điều để vợ chồng ông tự chủ tài chính, vừa có mảnh đất để lao động làm niềm vui tuổi già. Mỗi năm vợ chồng ông thu khoảng 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
“Chiến thắng và thành công lớn nhất của tôi trong chiến tranh là hoàn thành nhiệm vụ được giao và còn sống thấy đất nước hòa bình. Còn trong thời bình là nuôi dạy 5 người con hiếu thuận, không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, lo làm ăn, là người có ích cho xã hội. Có được những thành quả này là do tôi học tập theo Bác, siêng năng lao động, sống nêu gương cho các con noi theo. Chăm lo các con được học tập, có nghề nghiệp ổn định, rèn tính tự lập vươn lên trong cuộc sống, không trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước” - thương binh Nguyễn Văn Lưu chia sẻ.
Ngọc Bích
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065