Coi vườn cây như tài sản CỦA gia đình
Năm 2006, chị Thương được tuyển vào làm công nhân chính thức của Nông trường 9, phụ trách chăm sóc và khai thác 3,2 ha cao su. Mỗi ngày, chị thức dậy từ 4 giờ để bắt đầu ngày làm việc và nghỉ ngơi khi đã hoàn thành mọi công việc trên lô lúc 16 giờ. Mặc dù công việc vất vả, lương thấp hơn những năm trước, nhưng chị luôn coi vườn cây được giao như tài sản của chính gia đình mình để toàn tâm chăm sóc.
Chị Lê Thị Thương (giữa), công nhân khai thác Tổ 5, Nông trường 9, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng đoạt giải nhất hội thi “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su cấp công ty năm 2018
Những ngày mới vào nghề, điều gì chưa biết, chưa hiểu, chị đều chịu khó tìm tòi và học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước, thường xuyên tham gia các lớp luyện tay nghề do nông trường tổ chức... Không chỉ là người cạo nhanh, chuẩn xác và đẹp nhất nông trường, chị Thương còn luôn ý thức rèn luyện, nâng cao tay nghề, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Với chị, đi làm đúng giờ, cạo đúng kỹ thuật, tận thu mọi nguồn mủ là cách giúp sản lượng khai thác luôn vượt chỉ tiêu giao. “Được giao vườn cây mới khai thác nên đòi hỏi kỹ thuật cao, cạo đúng độ quy định, không cạn, không sâu, tôi phải tự mày mò tìm ra phương pháp khai thác mủ đạt hiệu quả nhất. Tay nghề kỹ thuật phải ổn định để giữ vững mặt cạo, như vậy mới kéo dài tuổi thọ vườn cây, bảo đảm năng suất cao, lâu dài” - chị Thương chia sẻ.
Trong quá trình chăm sóc, ngoài chú trọng bón phân, vệ sinh vườn cây, chị còn thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện những cây bị bệnh để báo cán bộ kỹ thuật xử lý. Các dụng cụ như: chén hứng mủ, máng dẫn mủ, thùng chứa mủ... cho đến vườn cây đều sạch, thực hành tiết kiệm trong sản xuất để tận thu những cái nhỏ góp thành việc lớn. Nhờ vậy, nhiều năm qua sản lượng khai thác mủ của chị luôn trong tốp đầu nông trường với sản lượng vượt từ 10-25% kế hoạch, góp phần cùng đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chị Thương cho rằng: “Trong thời buổi kinh tế khó khăn, giá mủ cao su liên tục giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống công nhân, nhiều người đã bỏ nghề để mưu sinh bằng công việc khác. Tuy nhiên, vợ chồng tôi luôn động viên nhau, cứ cố gắng rồi nghề sẽ chẳng phụ mình. Làm công nhân tuy vất vả nhưng được hưởng nhiều chế độ, ban lãnh đạo luôn quan tâm, đó là động lực thôi thúc tôi cống hiến mỗi ngày”.
Học Bác là phải phấn đấu mỗi ngày
Thực hiện việc học và làm theo Bác, ở Nông trường 9 đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình, trong đó chị Thương là tấm gương xuất sắc, tiêu biểu nhất. Song song làm việc và sinh hoạt tại nông trường, chị cũng dành thời gian cùng gia đình phát triển kinh tế và dạy các con học hành. Vợ chồng chị còn nhận thêm vườn cạo tư nhân và chăm sóc 1 ha điều để có thêm nguồn thu. Nhiều năm liền, gia đình chị được công nhận văn hóa. Trong căn nhà ngăn nắp, gọn gàng, những tấm bằng khen, giấy khen về thành tích công tác, học tập của chị và các con được treo trang trọng.
Chị Lê Thị Thương luôn ý thức rèn luyện, nâng cao tay nghề, tuân thủ quy trình kỹ thuật để khai thác vượt sản lượng mủ được giao
Kiêm nhiệm Tổ trưởng nữ công của tổ, chị Thương luôn sâu sát với chị em công nhân để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, những vướng mắc cũng như khó khăn của người lao động để kịp thời có hướng giúp đỡ. Chị cùng tổ chức công đoàn tuyên truyền vận động công nhân hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, nổi bật là hoạt động góp vốn cho vay xoay vòng phát triển kinh tế gia đình, nhờ vậy bình quân thu nhập từ kinh tế phụ các gia đình công nhân đạt khoảng 60 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, chị luôn khuấy động phong trào bằng các tiết mục văn nghệ, luyện tập bóng chuyền, rèn luyện sức khỏe; kể những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó mỗi người hình thành một phương pháp riêng để học và làm theo Bác thật hiệu quả.
Với những nỗ lực vượt bậc, từ năm 2014 đến nay, chị Thương liên tục đạt thành tích công nhân ưu tú, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và công ty; giải nhì bàn tay vàng khai thác mủ cấp tập đoàn năm 2018. Tháng 5 vừa qua, chị vinh dự là một trong 34 thợ trẻ giỏi được tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ X do Trung ương Đoàn trao tặng.
Anh Phùng Đức Phương, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc nông trường cho biết: “Chị Thương là công nhân trẻ nhưng có tay nghề giỏi nhiều năm liền, chấp hành tốt quy trình kỹ thuật và luôn hoàn thành vượt mức sản lượng được giao; tích cực tham gia các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và luôn đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình ở đơn vị. Chị xứng đáng là tấm gương để cán bộ, công nhân viên - người lao động trong đơn vị học tập”.
Ngân Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065