Đó là thầy Hà Văn Sĩ, Hiệu trưởng trường THPT Lộc Hiệp (Lộc Ninh), người thầy đã dẫn nhiều thế hệ học trò đến với những vần thơ ngọt ngào và chân chất của mình.
Người ta biết đến ông không chỉ là một thầy giáo, mà còn là một nhà thơ. Hai tập Hương Trà và Trên bến sông thơ được Nhà xuất bản Thuận Hóa và Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2011 đã đưa tên tuổi ông đến với nhiều người. Những vần thơ không ngân vang, bay bổng mà trầm lặng, kín đáo ghi dấu những nơi thầy giáo đi qua.
THƠ LÀ HƠI THỞ ẤM ÁP
MANG DÁNG HÌNH CUỘC SỐNG
Gặp ông trong buổi chiều cuối năm, căn phòng làm việc nhỏ nằm trong ngôi trường cấp 3 gần biên giới. Ông cho biết: Nhiều bạn bè ưu ái gọi là nhà thơ, nhưng thực tâm tôi không thích như vậy. Tôi là giáo viên, một giáo viên dạy Văn học và hay làm thơ.
Những vần thơ của thầy đã đưa các em học sinh đến với văn học một cách nhẹ nhàng và sâu lắng
Vừa nói ông vừa kéo một ngăn tủ nhỏ, lật từng trang giấy và nhẹ nhàng giới thiệu với chúng tôi những tác phẩm của mình đã đến với bạn đọc. Cạnh đó, một vài tờ tạp chí văn nghệ, trang báo đã cũ được gấp cẩn thận có tác phẩm của ông. Trải lòng với tôi, thơ là những tâm sự, hình ảnh, cái nhìn về cuộc sống xung quanh mà tôi quan sát và gửi gắm vào đó.
Thật vậy, cuộc sống vốn là nguồn cảm hứng bất tận của những tâm hồn thi sĩ. Đặc biệt hơn, vùng đất cố đô nơi ông sinh ra và lớn lên vốn là nơi yên bình và “sâu lắng lạ”. Một hình ảnh chiếc lá vàng nhẹ rơi, một thuyền rồng lướt nhẹ để lại những vệt sóng dài thăm thẳm trên sông Hương, một tà áo dài tím thướt tha trước cổng trường Đồng Khánh, một mối tình chớm nở và thoáng qua... cũng khiến bao trái tim thổn thức.
Riêng với ông, những bức thư tay, những câu thơ vụng trộm của mối tình học trò ở quê nhà đã đưa ông đến với những vần thơ một cách đắm say và nhẹ nhàng. Không trau chuốt bóng bẩy, không câu từ hoa mỹ, những câu thơ của ông nhẹ nhàng đến chân thật.
Đôi khi buồn làm thơ
Thơ chạm vào cuộc đời
Thơ vỡ... (Lẽ sống ân tình)
Em rộn ràng pháo hoa đón tết
Anh mơ màng cứ ngủ để quên năm... (Mình cũng tết)
Hương Trà vừa là quê hương vừa là nhan đề của tập thơ đầu tiên của ông. Đó là những kỷ niệm về tuổi học trò nơi ông lớn lên và trưởng thành, những cảm xúc bất chợt trong những năm tháng theo đuổi nghề giáo ở vùng miệt xứ Cà Mau hay vùng cao su bạt ngàn Bình Phước. Khác với Hương Trà, Trên bến sông thơ lại là một tập thơ viết về ký ức, nỗi buồn của chiến tranh, khát vọng về cuộc sống, tình yêu... Tất cả được viết không hoa mỹ, đôi khi như là một hơi thở nhẹ dễ dàng len lỏi và chạm vào những cảm xúc tinh tế nhất trong mỗi chúng ta.
VÀ NHỮNG HỒN THƠ NHẸ
NHÀNG TRONG TIẾT HỌC
Đâu đó người ta vẫn thường nói, thơ ca là cuộc đời, nhưng đó không phải là trang giấy in nguyên vẹn bóng hình của cuộc đời. Nhà thơ tìm đến cuộc đời, va chạm và chắt lấy những tinh túy để có những vần thơ đi vào lòng người đọc. Nhiều thế hệ học trò được may mắn học ông đã nhận ra rằng: Những tiết học không còn là những bài thơ “chết”, sự sao chép một cách cứng nhắc. Thay vào đó buổi học sẽ được lồng giảng, thổi vào những vần thơ từ cuộc sống để giúp học sinh cảm nhận bài học một cách sâu sắc hơn.
Chiều biên giới, thỉnh thoảng một vài cơn gió thổi qua se lạnh. Nhấp ly trà nóng, người thầy cùng giãi bày và tâm sự về đời, về nghiệp của một giáo viên dạy Văn. Với ông, để tiết học thoải mái và thực sự thư giãn thì việc quan trọng đầu tiên là tấm lòng hướng về học sinh thân yêu. Sau đó truyền cảm hứng, cái chất vào từng bài học để nó len lỏi, chảy mãi trong lòng mỗi học sinh.
Ngoài những nội dung của tác phẩm, ông khéo léo quan sát và tìm những gì tồn tại bên ngoài cuộc sống, thông qua những “lời tâm sự” nhẹ nhàng, ông đưa học sinh đi vào cảm xúc một cách tinh tế nhất. Qua đó sẽ hiểu được những gì nhà thơ muốn nói. Đó cũng là cách làm sống bài thơ, làm nổi bật nội dung quan trọng nhất và hơn hết là học sinh hào hứng với môn học.
Ngày nay, khi không còn là một giáo viên đứng lớp, thay vào đó là cương vị của một người quản lý, ông vẫn miệt mài trao đổi kiến thức cho giáo viên trẻ thông qua các buổi dự giờ, họp chuyên môn. “Tóc bạc thêm vì học sinh, mái trường”, cả cuộc đời ông dành trọn tấm lòng cho học sinh. Nhiều người nhận xét thơ của ông chủ yếu là những bài thơ tình, nhưng chưa phải là tình yêu trai gái, bởi vì ông mượn “cái tình” để nghĩ về cuộc đời, nghề giáo và học sinh khi...
“Có các em mà sân trường ửng nắng
Má lúm đồng tiền thương lắm tuổi hai mươi”.
Thanh Nga
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065