Trong thi cử thời xưa, ai thi đỗ đại khoa (tiến sĩ trở lên) sẽ được khắc tên lên bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tiếng thơm lưu mãi ngàn năm. Và thầy giáo chỉ cần đào tạo được 1 học trò thành tài sẽ được người đời kính trọng. Kiệt xuất như thầy Chu Văn An cũng chỉ có 2 học trò đỗ đại khoa là Lê Quát và Phạm Sư Mạnh. Vậy mà vào thời Lê, có thầy làm được nhiều hơn thế, với 74 học trò đỗ đại khoa các loại. Thậm chí, có những khoa thi, danh hiệu tam khôi đều thuộc về học trò của ông. Đó chính là thầy giáo Trần Ích Phát - người thầy có một không hai trong lịch sử khoa bảng Việt Nam. Bằng phương pháp dạy học độc đáo, ông đã đào tạo được 74 học trò đỗ đại khoa, trở thành thầy giáo có nhiều học trò đỗ đạt cao nhất trong suốt gần 1.000 năm khoa bảng nước nhà. Tính riêng bậc tam khôi (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa), ông có 17 học trò đỗ đạt (3 trạng nguyên, 4 bảng nhãn và 10 thám hoa).
Trạng nguyên là danh hiệu cao nhất mà sĩ tử ngày xưa có thể đạt được trong các kỳ thi Nho học. Muốn trở thành trạng nguyên, người đó phải đỗ đầu, đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi đình. Trong trường hợp đỗ đầu tại kỳ thi đình nhưng không đạt điểm tuyệt đối, thí sinh cũng không đạt danh hiệu trạng nguyên mà chỉ đỗ bảng nhãn hoặc thám hoa. Kỳ thi tam khôi đầu tiên ở nước ta được tổ chức năm 1247. Trạng nguyên của kỳ thi này là Nguyễn Hiền. Nhưng lịch sử khoa bảng lại tính Nguyễn Quán Quang là vị trạng nguyên đầu tiên, bởi Nguyễn Quán Quang đỗ đầu khoa thi “tiến sĩ” trước đó chỉ 1 năm (năm 1246). Theo giáo sư sử học Lê Văn Lan, trong danh sách 47 vị trạng nguyên ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nguyễn Quán Quang được ghi đầu tiên rồi sau đó mới là Nguyễn Hiền. Khoa thi năm Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (năm 1736) đời Lê Ý Tông, người đỗ trạng nguyên là Trịnh Huệ (Trịnh Tuệ). Tuy sau khoa thi này, dưới thời Lê Trung hưng có gần hai chục lần thi đình nữa, song không có ai đỗ trạng nguyên. Vì vậy, Trịnh Huệ là vị trạng nguyên cuối cùng của chế độ khoa cử nước ta thời phong kiến.
Trong lịch sử các khoa thi đình dưới chế độ phong kiến Việt Nam thì chỉ có 45 người đạt được học vị trạng nguyên. Trong khi đó, riêng thầy Trần Ích Phát đã đào tạo được 3 trạng nguyên. Đó là Vũ Kiệt, người huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh bây giờ, đỗ trạng nguyên khoa thi năm Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472). Người thứ 2 là Trần Sùng Dĩnh, quê huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, đỗ trạng nguyên khoa thi Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487). Người thứ 3 là Nghiêm Viện, quê huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, đỗ trạng nguyên khoa thi năm Bính Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1496). Vậy là một thầy giáo trong quãng đời ngắn ngủi của mình đã đào tạo được 3 trong tổng số 45 trạng nguyên của cả nước, quả là một kỳ tích!
Có một điểm độc nhất vô nhị trong nền khoa bảng nước ta là ở 2 khoa thi đình năm Hồng Đức thứ 18 và 27, tất cả bảng tam khôi (từ thám hoa, bảng nhãn đến trạng nguyên) đều do học trò của thầy giáo Trần Ích Phát độc chiếm! Cụ thể, khoa thi năm Đinh Mùi, triều Lê Thánh Tông (1487), ngoài Trần Sùng Dĩnh chiếm trạng nguyên nhất bảng, thì người đứng thứ 2 là bảng nhãn Nguyễn Đức Huấn (người huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) và người đứng thứ 3 là thám hoa Thân Cảnh Vân (quê ở Yên Dũng, tỉnh Bắc Ninh) đều là học trò của thầy Trần Ích Phát. Đến khoa thi năm Bính Thìn, cũng dưới triều vua Lê Thánh Tông (1496) thì toàn bảng tam khôi cả 3 người cũng là học trò của thầy giáo họ Trần. Đó là Nghiêm Viện đỗ trạng nguyên, Nguyễn Huân (người Võ Giang, tỉnh Bắc Ninh) đỗ bảng nhãn và Đinh Lưu Kim (người Thanh Lâm, tỉnh Hải Dương) đỗ thám hoa. Đặc biệt, nhiều học trò của thầy Trần Ích Phát chiếm bảng vàng khi tuổi đời rất trẻ. Cụ thể là Vũ Kiệt, đỗ trạng nguyên năm 21 tuổi. Trần Sùng Dĩnh đỗ trạng nguyên năm 23 tuổi. Nguyễn Huân đỗ bảng nhãn năm 21 tuổi, Đinh Lưu Kim đỗ thám hoa khi mới 18 tuổi. Thân Cảnh Vân đỗ thám hoa năm 25 tuổi...
Có thể nói Trần Ích Phát đã có công đào tạo một loạt nhân tài cho nước ta thời bấy giờ. Một trong số đó là trạng nguyên Vũ Kiệt. Khi chấm bài, nhà vua và các khảo quan đều lấy làm hài lòng về kiến thức uyên bác của Vũ Kiệt. Trong bài thi, ông thể hiện được tài kinh bang tế thế, nhìn xa trông rộng của bản thân, đồng thời đưa ra những biện pháp giải quyết nhiều vấn đề lớn của xã hội lúc bấy giờ nhằm chấn hưng đất nước. Khi nhà vua hỏi tại sao quan lại được chọn cử nghiêm ngặt, lại có thêm các chức quan ngự sử, giám sát theo dõi, kiểm tra mà vẫn có nhiều người tham ô, hối lộ, làm những việc đồi bại? Vũ Kiệt đã lập luận như sau: Việc giáo dục phẩm chất cho quan lại phải tiến hành ngay từ lúc họ ngồi trên ghế nhà trường. Nếu khi học, họ đã có tư tưởng dối trá, mẹo mực thì khi ra đảm nhiệm việc quan làm sao có thể có được phẩm chất thanh liêm, trong sạch. Vũ Kiệt đã đề xuất hướng để khắc phục những tồn tại ấy: Muốn giữ kỷ cương phép nước thì trước tiên phải thực hiện thật nghiêm túc từ vua đến triều đình. Bởi lẽ không thể để nước đầu nguồn đục mà lại đòi hỏi nước cuối nguồn phải trong! Vậy nên, thần mong bệ hạ đạo làm thầy phải được tuyển chọn kỹ. Việc nuôi dạy sĩ tử phải đúng hướng... Tìm nhân tài trước hết phải chú ý đến mặt đức hạnh, phế truất kẻ phù hoa... Người dùng lời gian dối để trau chuốt, dứt khoát không dùng. Người dám nói thẳng... thì có thể thu nhận.
Việc học trò của thầy Trần Ích Phát có những luận văn xuất sắc với các đề xuất, kiến giải độc đáo, giành được những thứ bậc cao nhất trong bảng tam khôi, chứng tỏ thầy giáo họ Trần đã vận dụng thành công phương pháp dạy học kích thích tính tích cực tối đa của học trò trong học tập. Việc này từng được Khổng Tử đề xuất: Vật có 4 góc cho biết một góc phải suy ra 3 góc kia. Nếu cứ hỏi làm gì hay làm thế nào thì không dạy nữa! Và không chỉ dạy về kiến thức, thầy Trần Ích Phát còn rất thành công trong việc dạy đạo làm người cho học trò. Học trò của ông sau khi đỗ đạt, có rất nhiều người đã trở thành những bề tôi nổi tiếng chính trực. Một số người đảm đương chức vụ cao nhất trong bộ máy nhà nước đương thời, là những cánh tay đắc lực, góp phần giúp nhà vua chấn hưng và đưa nước nhà đến giai đoạn cực thịnh. Ngoài trạng nguyên Vũ Kiệt, người đã trở thành bậc hiền tài đức độ còn có trạng nguyên Trần Sùng Dĩnh, trạng nguyên Nghiêm Viện và các bảng nhãn, như: Nguyễn Huân, Nguyễn Đức Huấn, thám hoa Lê Ninh đều làm quan đến chức thượng thư.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065