Điều 1 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có quy định như sau: Luật này quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì ở điều này, dự thảo luật sử dụng cụm từ “người sử dụng đất” là chưa bao quát hết đối tượng cần thể hiện. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật hiện hành thì chủ thể sử dụng đất không chỉ có “người sử dụng đất”, mà bao gồm: Tổ chức; hộ gia đình; cá nhân; cộng đồng dân cư; cơ sở tôn giáo; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức; cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam; tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, từ trước tới nay, mỗi khi nhắc tới khái niệm “người sử dụng đất”, chúng ta thường liên hệ chủ thể này thường là cá nhân hoặc hộ gia đình.
Vì vậy, để nội dung Điều 1 được chính xác và dễ hiểu, tôi đề xuất hai ý kiến như sau. Thứ nhất, nếu giữ nguyên nội dung như Điều 1, thì tại Điều 3 cần bổ sung thêm một khoản về giải thích từ ngữ. Cụ thể, “người sử dụng đất” bao gồm: Tổ chức; hộ gia đình; cá nhân; cộng đồng dân cư; cơ sở tôn giáo; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức; cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam; tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Thứ hai là thay cụm từ “người sử dụng đất” bằng cụm từ “các chủ thể sử dụng đất” hoặc “các đối tượng sử dụng đất”.
Theo quy định tại Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD, ở các khu đô thị thực hiện theo quy hoạch mới thì diện tích lô đất tối thiểu để xây nhà là 36m2, ở các khu đô thị cũ diện tích tối thiểu là 25m2... Quy định này đã và đang tạo ra kẽ hở làm thất thoát nguồn thu cho ngân sách, đồng thời tạo thuận lợi cho tiêu cực phát triển. Và ví dụ sau đây sẽ minh chứng cho điều này. Ông Nguyễn Văn A ở phường Tân Phú, thi xã Đồng Xoài đang sử dụng thửa đất rộng 700m 2, trong đó có 300m2 đất thổ cư. Diện tích đất còn lại của ông A là đất vườn.
Sau khi nhà nước mở đường qua thửa đất này, giá đất lên nên ông A đã sang nhượng cho 5 người khác. Khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 5 hộ nhận sang nhượng, ông A thỏa thuận miệng là đồng ý tách cho mỗi người 50m2 đất thổ cư để làm nhà và 50m2 đất vườn. Như vậy, sau khi đã sang nhượng đất cho 5 người thì diện tích đất của ông A còn lại là 50 m2 thổ cư và 150m2 đất vườn. Tuy nhiên, trên thực tế sau khi đã sang nhượng thì khu nhà ở có diện tích 200m2 của ông A vẫn còn nguyên. Và như vậy đất vườn của ông A nghiễm nhiên được chuyển đổi thành đất ở mà không phải không phải nộp thuế chuyển mục đích sử dụng đất. Trong khi ngân sách nhà nước bị thất thu, còn ông A được hưởng lợi và cán bộ địa chính địa phương có thể lợi dụng kẽ hở này để thông đồng thực hiện hành vi tiêu cực. Vì vậy, tôi đề nghị Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai cần bổ sung chế tài để ngăn chặn tình trạng trên, có như vậy mới vừa phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai và đảm bảo sự công bằng đối với người sử dụng đất.
Khoản 1, Điều 74 là quy định về giá đất để tính bồi thường và chi phí đầu tư vào đất còn lại. Nội dung của khoản này như sau: 1. Giá đất để tính bồi thường được xác định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm có quyết định thu hồi đất. Theo suy nghĩ của tôi thì quy định như trên là không ổn. Vì, thẩm quyền ra quyết định bồi thường là UBND tỉnh và thẩm quyền định giá đất để bồi thường cho người có đất bị thu hồi vào thời điểm nào cũng là do UBND cấp tỉnh quyết định. Như vậy là không công bằng, chưa dân chủ, vì nhà nước vừa đá bóng vừa thổi kèn. Nói tóm lại, nếu quy định như trên thì giá đất của nhà nước và giá thị trường cũng đều do nhà nước quy định cả. Và như thế khó tránh được tiêu cực, nếu như cán bộ địa chính tham mưu không trung thực. Do đó, tôi đề nghị trong khoản này cần bổ sung nội dung sau: Nhà nước quyết định giá đất phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường. Và nội dung của Khoản 1, Điều 74 sẽ được viết lại như sau: 1. Giá đất để tính bồi thường được xác định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm có quyết định thu hồi đất. Nhà nước quyết định giá đất phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường.
Điều 108 trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là quy định và khung giá các loại đất, giá đất thuộc khu vực giáp ranh như sau: 1. Chính phủ quy định khung giá các loại đất, giá đất thuộc khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo tôi, nếu quy định “Chính phủ quy định khung giá các loại đất” là không khả thi. Thực tế từ nhiều năm nay cho thấy, việc định khung giá đất chung cho cả nước và sau đó căn cứ vào giá đất chung này thì các tỉnh, thành phố lại xây dựng khung giá đất riêng, nhưng không được trái hoặc vượt quy định chung của Chính phủ. Và đây chính là nguyên nhân phát sinh bất cập. Thứ nhất là theo khung của Chính phủ thì thấp hơn giá thị trường, dẫn đến ngân sách thất thu. Thứ hai là nếu cao hơn giá thị trường thì nhà đầu tư phải chịu thiệt và địa phương khó thu hút vốn đầu tư để phát triển. Thứ ba là sẽ tạo kẽ hở cho tham nhũng có đất sống. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ thành lập cơ quan thẩm định giá độc lập, từ đó hình thành nên thị trường giá chuyên về bất động sản.
Thái Ninh (Phước Long)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065