Ná - công cụ săn bắt của người S'tiêng. Trong ảnh: Khu bảo tồn sóc Bom Bo
Rừng cung cấp lương thực, thực phẩm cho người S’tiêng từ ăn, mặc đến kiến tạo nên phương tiện cư trú, kho dược liệu quan trọng bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Chính vì vậy, ứng xử của người S’tiêng với văn hóa rừng luôn được quy định, khai thác một cách hợp lý, theo một nguyên tắc riêng (thường gọi là luật tục). Trong tư duy của người S’tiêng, rừng không chỉ là nơi cư trú của muông thú, cỏ cây mà còn là nơi ở của thần linh, đặc biệt là thần Liêng (gọi là Yang Liêng) có chức năng bảo hộ, giúp đỡ cá nhân, cộng đồng, buôn, sóc. Vì vậy, trong bất cứ công việc gì, từ chặt cây dựng nhà, phát rừng làm rẫy cho đến dựng chòi để bảo vệ lương thực người S’tiêng đều phải thực hiện nghi lễ cúng thần, lễ vật thường có gà, cơm ống, rượu cần...
Người Stiêng thường tìm một khu rừng thiêng, gần nguồn nước, cạnh sông, hồ... để lập làng. Làm rẫy, họ thường chọn nơi đất tốt, ít cỏ, ven sông, suối hay trên sườn đồi thoai thoải. Đồng bào kiêng chọn những nơi rừng đầu nguồn hoặc cuối nguồn sông, suối lớn hay nơi có vũng nước sâu. Đối với họ, thác nước của sông hoặc nơi có nhiều cây cổ thụ, đá tổ ong là vùng đất thiêng liêng, nơi ở của thần linh, ma quỷ (người S’tiêng gọi là la cang rai).
Thông thường, người Stiêng chọn rẫy vào ngày 14 (âm lịch) của tháng 3. Bởi họ quan niệm, đó là ngày khi mặt trăng vừa lặn là trời tờ mờ sáng, các loài vật không thể phá lúa trên rẫy và họ sẽ có điều kiện thuận lợi để trông bầy thú dữ, không cho chúng phá hoại mùa màng.
Trong quá trình khai thác các nguồn lợi động vật từ tự nhiên, người S’tiêng thường tận dụng vật liệu từ rừng như gỗ, tre, nứa, lồ ô... để chế tạo dụng cụ đi săn như bẫy, cung, lao, ná... Họ dựa vào địa hình tự nhiên, kinh nghiệm nhận biết tập tính sinh học của các loại thú để chế tạo bẫy lớn nhỏ khác nhau như bẫy kẹp, hố, bẫy thắt cổ, bẫy lò xo... Bẫy làm bằng lồ ô dùng bắt thú nhỏ như chuột, sóc, chồn, chim; bẫy hố với các loại thú lớn như heo rừng, hươu, nai.
Ông Điểu Théc, ấp 3, xã Bình Minh (Bù Đăng) cho biết: Để bẫy thú lớn, đặc biệt là heo rừng, người Stiêng thường dùng bẫy hố để bắt cho dễ dàng. Hố được đào rộng, dưới hố dùng dây thắt lại để khi heo rừng rơi xuống không lên được. Miệng hố thường ngụy trang bằng các loại lá cây, gỗ mục, bên trên để mồi nhử...
Già làng Điểu Lên ở xã Bình Minh chia sẻ: Ngày xưa, khi buôn, sóc của người S’tiêng tập trung đi săn, mọi người thường chuẩn bị cung tên, giáo mác, xà gạc. Mỗi người có một loại dụng cụ. Bắt con thú lớn phải tính toán trước, theo sự chỉ đạo của người có kinh nghiệm hoặc già làng. Thường bắt thú lớn, con thú nhỏ cùng loại và những con mang thai sẽ được thả về rừng cho chúng sinh sản, trưởng thành. Khi đi hái rau, măng rừng, người S’tiêng chỉ lấy lá, măng tre theo kinh nghiệm “thấp đào cao bẻ”, lấy búp măng ở phía ngoài, tránh đào sâu vào những bụi tre.
Ngày nay, cương vực cư trú của người S’tiêng ngày càng bị thu hẹp, những cánh rừng thiêng không còn giữ được vẻ hoang sơ, âm u, kỳ bí mà dần thay thế bởi một không gian xanh riêng của rừng cao su, điều. Đồng bào không còn được dựa nhiều vào tài nguyên rừng để sinh hoạt, lao động, sản xuất. Tuy vậy, những ký ức của người S’tiêng về văn hóa rừng sẽ mãi là kho báu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để tiếp tục gìn giữ màu xanh núi rừng nam Tây Nguyên hùng vĩ.
Đình Tâm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065