BPO - Bà Hai Xong không ngờ có một ngày ở Mỹ rồi đâu đó nữa, người ta nói về người đưa đò trên sông Hoài (Hội An, tỉnh Quảng Nam) với gương mặt như xô lệch, thoát bỏ thời gian, băng qua nhọc nhằn, rằng đó là “người phụ nữ đẹp nhất thế giới”. Réhahn, một nhiếp ảnh gia người Pháp, đã chụp chân dung bà đăng trên trang Du lịch của báo Los Angeles Times ngày 1-12-2014 và được chọn làm ảnh trang bìa cho cuốn sách mang tên Vietnam, mosaic of contrasts (tạm dịch: Việt Nam - những mảnh ghép tương phản) của Réhahn.
Ghe bà Hai Xong đậu gần cầu An Hội, phía phố cổ, còn tôi ở phía bờ bên kia. Tôi ới mấy lần bà không nghe. Có ai đó la: “Bà Hai, anh nớ kêu bà kìa”. Chiếc ghe quay mũi hướng về phía tôi. “Kêu bác chèo hả?”. “Không, chụp ảnh bà đăng báo chứ bà chèo chi nổi”, tôi chọc. “Tây to rứa tau còn chèo ghe chở được, mi là cái chi mà không nổi”. Nụ cười bật ra ngay dưới vành nón lá. Tôi thấy mình như nhẹ đi. “Cách đây ba năm, có ông Tây xuống đò kêu đi chèo trên sông và chụp hình bác. Biết mô đâu, rồi ổng nói đăng báo và đưa coi. Thấy mình cười trên nớ, già quắt”. Bà cười hom hem. “Họ nói bác là người phụ nữ đẹp nhất thế giới”. “Khùng, tau gần chết rồi, già đanh, khổ nghèo, đẹp chi”.
Ảnh bà Hai Xong cho Réhahn chụp in ở Los Angeles Times
Ông Tới, chồng bà kể: “Lúc đầu ở thôn 7, Cẩm Thanh, đi biển, chở cá hấp thuê, đưa đò, rồi họ dời chợ, mệt quá, tau với bả mới lên đây xin chèo đò trên sông rồi làm nhà ở thôn 2, Cẩm Nam. Con ba đứa, hai đứa sau đã có gia đình, còn thằng đầu sinh năm 1974 bị tật nguyền”. “Sáng tới chừ được đồng mô chưa?”. “Chưa”. “Làm ăn ra sao bác?”. “Tùy bữa con à. Có ngày được hai trăm ngàn, ngày năm chục, có bữa tay không”. Trên cây dựng bên thành ghe, chỗ cột chèo, có tấm tôn nhỏ như bảng học trò, ghi tiếng Anh với nội dung: 50.000đ cho 30 phút đi trên sông. “Mấy đứa ở Hà Nội ghi cho đó, hắn nói bác không biết chữ, Tây họ xuống hỏi giá bác trả lời răng được, nên ghi cái bảng luôn, khỏi nói chi nhiều”. “Một người năm mươi ngàn chứ?”. “Ừ, mà ai đi thì đi, mình không kêu kéo, dị lắm, lại mang tiếng”. “Hai bác ăn uống trên ghe?”. “Ừ, sáng nấu rồi đùm gói theo ăn cả ngày”.
Bà Hai Xong cho Réhahn chụp in ở Los Angeles Times
Ai đó nói sông Hoài chính là dòng sông tuổi già, nuôi nấng những kiếp chèo một đời nhấp nhô cơm áo. “Bữa trước có đứa mô đó tới làm phim, kêu tau cười miết”. “Mỏi miệng không bác?”. “Chi có mỏi, tau quen rồi, cần chi phim ảnh mới cười”. “Họ nói bác có nụ cười đẹp…”. “Tau có đóng phim đâu mà đẹp. Cha mẹ sinh ra rứa rồi”. “Chèo ghe kiếm sống, vợ chồng bác bảy mươi tuổi rồi, biết hồi mô hết cực mà bác cười miết hè...”. “Tới tuổi ni rồi trông chi sướng nữa. Nghèo thì đã nghèo, kệ, cười là vui mà con, tốn chi mô”.
Ông Tới ngồi dựa ngửa vào mạn ghe, nhìn qua phố. “Bác hè, cực khổ rứa, mà bả hay cười, có lúc mô bác nổi điên không?”. Ông Tới không nhổm dậy, cũng chẳng ngó mặt khách, phì cười: “Ngó bả cười, nhiều khi nghĩ không ra vì sao. Nghèo khổ kiếm ăn từng đồng, vui chi, nhưng bả cười mà không cằn nhằn than thở, là mình mừng, rồi chuyện chi cũng qua hết, tau cũng đỡ gánh nặng đầu óc. Làm chồng mà gia cảnh không an vui, thấy mình không hay ho chi. Nhiều khi tau ngồi nghĩ: bả hay quá hè, hơn mình nhiều…”.
Bà Hai Xong: "Cười là vui, có tốn chi mô..."
Réhahn sinh năm 1979, yêu Việt Nam và đến Hội An, ở lại nơi này từ năm 2011. “Ngày 4/5, Réhahn mời vợ chồng bác tới ăn sinh nhật, vì nó sinh cùng ngày tháng với bác. Quớ trời, hồi cha sinh mẹ đẻ tới chừ tau có biết sinh nhật là cái chi mô”. Ông Tới nhắc: “Nó làm bánh kem mời ăn, cho tau với bả hai bộ đồ và cái phong bì một triệu”. Ông và bà cùng cười khà khà. “Cái ghe ni cũng nó đóng cho đó. Lần đó nó nói ảnh của bác in ở Mỹ, nhiều người khen, gặp hỏi chừ bác muốn chi? Bác nói tiền rồi cũng ăn hết. Vợ chồng sống nhờ cái ghe, mấy chục năm rồi, mục, nước vô miết, tát rã tay, chừ ưng có cái ghe mới để chèo kiếm sống. Mấy tháng sau, nó kêu đi qua Cẩm Kim với nó nhận ghe. Bác với ổng không tin được. 15 triệu đồng chứ ít đâu. Cả đời mình không dám nghĩ tới”, bà bật cười. Ánh mắt, nụ cười như tỏa sáng. Những vết nhăn dồn hết về đuôi mắt và nhân trung, sống mũi, nhưng bị ánh mắt đẩy đi một cách nhẹ nhàng, tất thảy như muốn an ủi cơn đau, chia sẻ niềm vui cùng người đối diện. Nhìn bà cười, tôi không thể không cười. Sinh ra bên bờ sông này, một đời chớp bể mưa nguồn với sông, có lẽ nụ cười không thành tiếng của bà chính là sóng nước dịu êm của một kiếp nhân sinh nhọc nhằn nhưng nhẹ tênh khi nhìn mọi lẽ bằng tiếng cười an nhiên. Tôi nhớ câu nói: “Thiên thần bay được vì họ nhẹ” (G.K. Chesterton).
Nguồn PNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065