Mẹ tôi tên thật là Nguyễn Thị Ức, quê ở thôn Hòa, xã Cấp Tiến, huyện Hưng Nhân (nay là Hưng Hà), tỉnh Thái Bình. Quê ngoại tôi đất chật, người đông, tỉnh nghèo khổ vào loại nhất, nhì Đồng bằng Bắc Bộ. Người dân lam lũ “một nắng hai sương” vẫn không đủ ăn. Nghe mẹ kể, bà được già Đồi (một đảng viên Đảng Cộng sản) giác ngộ khi mới 16 tuổi, đi đưa thư, canh gác cho các cuộc họp kín. Năm 1939, khi tròn 19 tuổi, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Vì bị cha mẹ ép gả cho con một nhà giàu, kém đến 4-5 tuổi nên mẹ tôi xin tổ chức cho thoát ly. Một đêm tối trời, bà lẳng lặng mang theo chiếc nón và tay nải quần áo, bỏ nhà ra đi. Đến bờ sông Thái Bình, chiếc nón được vứt lại, đánh lạc hướng là đã nhảy xuống sông tự vẫn.
Hai vợ chồng cùng một con đường
Thoạt đầu, bà làm liên lạc cho Liên C (tổ chức của Xứ ủy Bắc Kỳ, gồm các tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình). Chẳng nề hà là phận gái, bà len lỏi khắp nơi, đưa thư, tài liệu giữa Liên C và các tỉnh, rồi tham gia gây dựng cơ sở tại hai tỉnh: Hà Nam, Ninh Bình.
Ngày 24-12-1943, đồng chí Phu-Xứ ủy viên kiêm Bí thư Hà Nam-bị bắt rồi bị tống giam vào nhà tù Hỏa Lò, bà đã đứng ra thay thế chỉ đạo phong trào. Mật thám Pháp lùng sục, treo thưởng 3.000 quan cho ai chỉ điểm bắt được “con mẹ Tân (tên khi hoạt động cách mạng của bà) có nước da trắng, răng đen, tóc dài, người thấp đậm”. Vì thế, bà phải chuyển về Ninh Bình. Cuối tháng 3-1945, khi đồng chí Phu thoát ngục Hỏa Lò trở về, được tổ chức “tác hợp”, bà xây dựng gia đình với đồng chí Phu.
Sau nạn đói khủng khiếp năm 1945, cả nước hừng hực khí thế tiến tới Tổng khởi nghĩa. Bà được Xứ ủy cử về hoạt động tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy viên Lê Liêm. Những ngày này, cái thai trong bụng mỗi ngày một lớn, công việc thì bộn bề… Quên đi tất cả, bà tới khắp các thôn cùng ngõ hẻm, cùng anh em tổ chức các đội tự vệ vũ trang, tự trang bị súng ống, gậy gộc, luyện tập võ thuật.
Bà Hưng (thứ ba, từ phải sang) tham gia vận động quần chúng. Ảnh tư liệu của gia đình |
Để vận động tuyên truyền trong nhân dân, bà xin cấp trên tổ chức mít tinh ở chợ Dĩ Chế vào phiên chợ chính. Với khăn vuông bịt đầu, kính đen che mắt, chọn mô đất cao, bà đứng lên hô hào: “Thưa đồng bào! Giờ chết của phát xít Nhật đã đến. Việt Minh kêu gọi đồng bào các giới sẵn sàng chờ lệnh Tổng khởi nghĩa…”. Sau đó, được sự bảo vệ của anh em tự vệ, bà biến vào đám đông. Đúng lúc đó, cái thai trong bụng nhói đau.
Ở Hưng Yên, những ngày này còn chấn động với tin “Việt Minh lãnh đạo bà con dân nghèo cướp kho thóc Đống Long”. Bà con thấy “cái bà Việt Minh bụng chửa vượt mặt” cũng có mặt ở hàng đầu. Có thóc, bà con thoát đói, càng thêm tin tưởng vào Việt Minh.
Tháng 7-1945, Ủy ban Khởi nghĩa Kim Động được thành lập. Nghe tin Hà Nội đã giành chính quyền ngày 19-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa Kim Động ra quyết định cướp chính quyền ở huyện. Bà Tân cùng các đồng chí của mình dẫn đầu đoàn quân tiến vào phủ huyện. Lính khố xanh, khố đỏ khiếp sợ đầu hàng, quan huyện vội vàng trao ấn, kiếm cho Việt Minh.
Đêm 22-8, quần chúng các huyện đổ về tỉnh lỵ. Đến trưa 23-8-1945, việc giành chính quyền ở Hưng Yên về tay nhân dân đã thành công.
Có một chuyện bà không thể ngờ, chồng bà trực tiếp tham gia lãnh đạo cướp chính quyền tại Phủ Khâm sai Hà Nội, vào sáng 19-8-1945. Ông chính là Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ Trần Tử Bình (tên thật Phạm Văn Phu)-người được giao nhiệm vụ trực cơ quan Xứ ủy ở làng Vạn Phúc, Hà Đông và theo dõi phong trào 10 tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ. Ông cùng Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội Nguyễn Khang lãnh đạo thành công Tổng khởi nghĩa tại Thủ đô mà không hề đổ một giọt máu.
Con ra đời sau Tổng khởi nghĩa
Giấc mơ sinh hạ con là công dân một nước độc lập sắp thành hiện thực. Ông bà chờ đợi phút giây hạnh phúc: Sinh con trai đặt tên là Khởi Nghĩa, còn con gái thì lấy tên Yên Hồng-để kỷ niệm cờ hồng tung bay trong nắng Hưng Yên!
Sau ngày Tổng khởi nghĩa thì ngày sinh đã cận kề. Lo lắng, không hiểu sinh con ra sẽ chăm sóc ra sao vì không có một cắc bạc trong tay, bà bàn với chồng gửi con về quê ngoại ở Thái Bình hoặc gửi ông bà nội ở Ân Thi. Nhưng cả ông bà nội, ngoại đều nghèo quá; nhất là ông bà nội chỉ có nghề gắp phân thuê kiếm sống. Còn chính quyền mới về tay, bao nhiêu việc cần sự có mặt của bà…
Đồng chí Học (Trần Sâm, sau này là Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước) cùng hoạt động với bà, đã bàn với tổ chức, gửi hai mẹ con cho chú thím mình là ông bà Nguyễn Đình Tám, đang là “sếp” ga xe lửa Tiền Trung (Hải Dương) và là cơ sở tin cậy ở thôn Giai Phạm, xã Tinh Tiến, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Cuối tháng 9-1945, đồng chí Học thu xếp đưa bà về ăn nghỉ ở nhà mình, rồi sang thưa với chú thím: “Chị Tân là cán bộ của tỉnh, vợ anh Bình, sắp đến ngày ở cữ… Chú thím cũng biết cán bộ cách mạng chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng nên tổ chức cử cháu về đặt vấn đề…”. Vừa nghe, ông bà mừng ra mặt: “Quý hóa quá! Thế thì còn gì bằng vì chúng tôi không có con. Hơn nữa đây cũng là đóng góp cho cách mạng. Anh đưa chị Tân sang ngay nhà tôi”.
Ngay hôm ấy, bà chuyển về ở với ông bà Tám. Vốn chất phác, là người phụ nữ xởi lởi, tốt bụng, bà Tám lo cho bà Tân từ cái ổ rơm để nằm đến bữa cơm, bữa cháo rồi giặt giũ phơi phóng… Bà Tân sinh ra ở nông thôn, lại quen làm công tác dân vận nên nhanh chóng trở thành người thân. Hai người đàn bà rủ rỉ rù rì, “chị chị, em em”, sắm sửa cho ngày sinh nở.
Sớm ngày 17-11 năm ấy, bà Tân thấy trong người khó chịu. Bà Tám giục đưa ngay đi Nhà thương Bần Yên Nhân. Khoảng 11 giờ trưa-“cái giờ gà nhảy ổ của năm Ất Dậu”-bà sinh hạ cô con gái. Mệt mỏi, trán vã mồ hôi sau cơn vượt cạn, bà nhìn con rồi thều thào: “Yên… Hồng!”.
Chỉ được uống sữa mẹ chừng chục ngày thì có cán bộ về tìm: “Chính quyền non trẻ có nhiều việc phải làm. Chị có thể… thu xếp?”. Mới nghe, bà Tân trào nước mắt. Sao có thể bỏ con vào lúc này? Chính quyền mới về tay, công việc thì bề bộn, nay đây mai đó, làm sao có thể mang con theo, mà có mang theo thì lấy gì mà nuôi?... Nếu không mang con theo thì gửi ai? Có người mẹ nào mới sinh con được hơn tuần lễ lại đang tâm xa con? - Bà trăn trở.
Bà Tám theo dõi câu chuyện từ đầu, động viên: “Chị Tân ạ, thôi thì cũng vì công việc cách mạng, chị cứ đi. Cái Yên Hồng để lại tôi nuôi. Chúng tôi không giàu nhưng cũng có ít tiền nuôi cháu. Khi nào có điều kiện thì anh chị về đón”. Lòng đau thắt, nước mắt ướt đầm nhưng những lời hứa hẹn chân tình của bà Tám làm bà Tân vững tâm: “Thôi thì công tác cách mạng trên hết. Anh chị giúp tôi nuôi cháu và coi nó như con mình. Tôi có công sinh, còn chị có công dưỡng…”.
Bà Tân lấy hết nghị lực, gạt nước mắt, cho con bú bữa cuối. Ôm con trong lòng, nước mắt lã chã: “Phía trước đang còn bao gian khó. Không biết khi nào mẹ con mới gặp nhau?”, rồi run run trao sinh linh bé bỏng trong bọc tã cho bà Tám: “Trăm sự nhờ anh chị! Ơn này vợ chồng tôi mãi không quên!”.
Kể từ đấy, hai mẹ con xa nhau… Nhờ ông bà Tám mà chục năm sau, hai mẹ con mới gặp lại nhau.
Cũng từ sau đó, bà Tân lấy tên Hưng, Nguyễn Thị Hưng, để kỷ niệm những ngày hoạt động trên đất Hưng Yên.
Phần tiếp của cuộc đời
Bà Hưng bắt đầu với công tác phụ nữ ở Hưng Yên rồi Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang… Còn ông Bình sau ngày 2-9-1945 thì nhận nhiệm vụ tiếp quản Trường Quân chính kháng Nhật, xây dựng nhà trường đào tạo cán bộ đầu tiên của nước Việt Nam mới.
Năm 1951, để tạo điều kiện hợp lý hóa gia đình, tổ chức cho bà nhập ngũ, về công tác tại Trường Lục quân Việt Nam. Sau năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, bà phục viên về công tác tại Bộ Ngoại thương cho đến khi về nghỉ hưu, năm 1978.
Trong công tác cũng như cuộc sống đời thường, bà luôn giữ phẩm chất đã được tôi luyện trong suốt cuộc đời theo cách mạng, tận tụy với công việc, gần gũi, chân tình với đồng chí, đồng nghiệp.
Ông bà sinh hạ được 8 người con. Mồng Ba Tết Nguyên đán năm 1967, ông đột ngột từ trần sau cơn tai biến. Khi đó, gia đình còn 6 con đang tuổi đến trường. Bà đã thay chồng nuôi dạy các con khôn lớn. Cả 8 con đều tốt nghiệp đại học, trong đó có 4 con nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Khi về hưu đúng lúc đất nước chưa thoát khỏi cơ chế bao cấp, với bản tính cần kiệm, bà lấy lương hưu của mình mua lợn giống về tăng gia, cải thiện. Sáng sáng, bà đi bộ ra chợ Cửa Nam, nhặt nhạnh những cọng rau héo ở quầy rau mậu dịch rồi lễ mễ xách về, nấu cám cho lợn. Bà con khối phố thấy thế xót xa, sợ làm “xấu mặt vợ một ông tướng”. Biết chuyện, bà cười: “Lao động là vinh quang. Tôi làm thế thì có gì mà xấu hổ. Khi đất nước còn khó khăn, chưa lo hết được cho dân thì ta phải tự lo”.
Cán bộ, chiến sĩ công an Đồn 10 còn nhớ, hằng năm, cứ mỗi khi Tết đến, bà lại mang chút quà lên đồn, động viên: “Lúc bà con được nghỉ ngơi, đón Xuân mới thì các đồng chí phải ở lại trực chiến, bảo đảm cho bà con ăn Tết. Hãy vui lòng nhận phần quà của tôi, gọi là chút chia sẻ với anh em”.
Những ngày cuối như ngọn đèn đã sắp hết dầu, cảm thấy sắp phải đi xa, bà mang tháng lương cuối cùng lên tặng Hội Cựu chiến binh phường Cửa Nam. Anh em không nhận, bà nói: “Các đồng chí nghỉ hưu mà còn làm việc thì làm gì có lương. Thôi thì đây cũng là đóng góp của một cựu chiến binh cho hội”.
Sáng sáng, bà xách chiếc ghế con ra ngồi ở cổng, để được gặp lại bà con chòm xóm. Có đồng chí cùng chi bộ được bà cho vay ít tiền để nuôi lợn, đã mang bọc tiền sang trả. Khi đó, bà lắc đầu: “Tiền tôi có mang theo được đâu. Thôi, chú cứ mang về, coi đó là quà của tôi tặng lại cô chú”.
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065