|
Tuy nhiên, rất nhiều người nghe nhạc không hình dung nổi cây đàn này như thế nào, ở đâu. Và cũng ít ai biết rằng, hiện nay chỉ còn một nghệ nhân duy nhất ở Ninh Thuận biết làm và gảy đàn Chapi.
Đó là Chama Léa Âu. Nhà Chama Léa Âu ở vùng sơn cước Ma Nới, thuộc H.Ninh Sơn. Trong nhà treo nhiều loại nhạc cụ và có rất nhiều giấy khen ghi tên ông. Biết chúng tôi đến để tìm hiểu về cây đàn Chapi. Chân đi, miệng cười, tay ông chỉ ra phía góc sân, nơi có lỉnh kỉnh đồ đạc và rất nhiều những ống tre khô nằm ngổn ngang. “Đó, đó tôi đang làm Chapi đó” - nói rồi, ông ngồi bệt xuống nền nhà, miệng bập điếu thuốc, tay cầm một cây đàn Chapi đang làm dở chừng lên bảo: “Các anh cứ ngồi xuống, đợi lát nữa, làm xong cái này rồi tôi gảy cho mà nghe”.
Vừa làm, Chama Léa Âu vừa kể về cuộc đời mình. Ông sinh năm 1955, người dân tộc Raglai chính hiệu. Tổ tiên và gia đình ông đã sống ở vùng đất này không biết bao nhiêu mùa lúa rẫy, gắn bó với cây đàn Chapi cho đến nay. Ngày xưa, nếu như những người Raglai giàu có thường có nhạc cụ mã la (một loại cồng chiêng gồm bộ bốn cái) để gõ trong tất cả các nghi lễ của làng thì nhà người Raglai nào nghèo cũng có cây đàn Chapi. Loại nhạc cụ bộ dây này phỏng theo thanh âm của cả bộ mã la.
Chama Léa Âu tâm sự: Ngày đó cả vùng núi này, ai cũng biết làm và chơi Chapi. Nhất là những đêm trăng sáng, ngày mùa, ngày nắng nhiều mưa ít, mất mùa, dân làng trai gái tập trung gảy cho nhau nghe rồi cùng tiếng Chapi mà vượt qua gian khó. Đàn Chapi đã gắn với người Raglai chúng tôi không biết bao nhiều đời. Thế rồi, cách đây chừng hơn 10 năm, đời sống phát triển, buôn làng đổi thay thì cây đàn Chapi bị bỏ rơi.
|
Sợ vốn quý của cha ông để lại có nguy cơ mai một, Chama Léa Âu bắt đầu có ý thức bảo tồn cây đàn này. Người làm cho Chama Léa Âu mê Chapi nhất chính là người cậu ruột Chama Léa Lơ của ông. “Cậu tôi bảo phải học làm và chơi đàn Chapi vì nó là hồn vía của dân tộc mình. Làm Chapi không khó, kinh nghiệm thôi, nhưng chơi Chapi mới khó”, Chama Léa Âu kể. Từ đó đến nay, ông được xem là người gắn bó cây đàn Chapi của người Raglai nhất vùng đất này.
Trong thời gian chừng 50 phút, Chama Léa Âu đã hoàn thành cây đàn đang làm dở. Khi cân chỉnh âm thanh, ông cho chúng tôi biết đây là dây mẹ, này là dây cha, dây con lớn, dây con út; dây mẹ thì trầm, dây con thì thanh… Nói xong, Chama Léa Âu hứng khởi đứng lên ôm cây đàn biểu diễn cho chúng tôi nghe. Hai chân nhịp nhàng, hai ngón tay cái sần sùi bật vào bốn cặp dây đàn, từng âm thanh trầm đục không nhanh, không chậm vang lên như nhịp đời của những người Raglai. Theo lời Chama Léa Âu, đàn Chapi không ký âm được, chỉ mô phỏng theo điệu gần với đời sống của buôn làng, đó là điệu con ếch trong những đêm mưa đầu mùa, điệu con chim, điệu than thở… Nghe những âm thanh trầm bổng dìu dặt vang lên giữa núi rừng, người nghe hiểu đó là tiếng lòng, là tâm sự của người Raglai được rung lên.
Khi được hỏi, vì sao ông gắn bó với cây đàn này thì ông trả lời nhanh: “Tôi muốn bảo tồn vốn riêng của dân tộc mình”. Ông còn than thở, không những nhiều thanh niên dân tộc Raglai không mặn với cây đàn của dân tộc mình, mà thậm chí nhiều em nghe bài hát “Giấc mơ Chapi” mà cứ ngỡ cây đàn đó của dân tộc khác ở Tây nguyên. Nếu cứ đà này thì nguy cơ xóa sổ loại nhạc cụ dân dã là cái chắc.
Đến nay, Chama Léa Âu không nhớ nổi mình đã làm bao nhiêu cây đàn, cho tặng ai bao nhiêu cây, tiếp bao nhiêu người đến nhà và cũng không nhớ có bao nhiêu lần xách đàn Chapi rời làng đi diễn. Từ các xã huyện trong tỉnh đến những tỉnh khu vực và cả thủ đô Hà Nội. Sau những lần đi diễn, Chama Léa Âu trở về với công việc nương rẫy.
Có một điều Chama Léa Âu lấy làm vui nhất trong đời mình là đã gặp được nhạc sĩ Trần Tiến trong dịp Ngày hội văn hóa dân tộc Raglai năm 2013 tại H.Bác Ái, Ninh Thuận. “Bài hát Giấc mơ Chapi do nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác cách đây hơn 20 năm nhưng đến nay tôi mới gặp được ông. Điều tôi lấy làm vui nhất là ông nhạc sĩ này đã nói đúng cái bụng của người Raglai chúng tôi: Ở nơi ấy họ đã sống cuộc sống yên bình/ Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi/ Khi rung lên vài sợi dây đàn đã đong đầy hồn người Raglai…” - ông kể.
Bảo tồn những điệu đàn Chapi Theo một số tài liệu, năm 1993, khi đến vùng núi cao Ninh Sơn, Trần Tiến đã gặp một đôi vợ chồng người Raglai, họ sống đơn sơ trong một mái nhà, trong đó có cây đàn Chapi. Lần đầu thấy Chapi, nghe câu chuyện của họ, ông muốn mua lại cây đàn nhưng họ không bán, họ bảo: Nếu anh thích, tôi tặng anh cây đàn này. Bài hát ra đời từ cảm xúc dạt dào đó. Giấc mơ Chapi được hát lần đầu tiên trên sân khấu là tại Pháp và Hà Lan, do tác giả trình bày. Khi về nước, Y Moan là ca sĩ đầu tiên hát Giấc mơ Chapi và cũng là người hát thành công nhất. TS Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở VH-TT-DL Ninh Thuận cho biết: “Chama Léa Âu là nghệ nhân Raglai gảy đàn Chapi hay nhất ở Ninh Thuận. Chúng tôi sẽ ghi âm lại tất cả các làn điệu mà Chama Léa Âu đang thuộc, với hi vọng có thể bảo tồn những điệu đàn Chapi đang mai một”. |
Nguồn TNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065