Cô Năm đang múa giao lưu cùng với đội văn nghệ của mình
“MẸ HIỀN” NƠI BIÊN GIỚI
Năm 1992, việc học của trẻ em ít được quan tâm. Hầu hết gia đình còn khó khăn nên việc kiếm ăn, làm rẫy quan trọng hơn nhiều so với chuyện học. Thêm vào đó, hủ tục của đồng bào dân tộc thiểu số cũng khiến việc giảng dạy gặp không ít trở ngại. Khu vực ấp Măng Cải không có lớp học. Trường học của xã ở xa, kinh tế lại khó khăn nên từ người lớn đến trẻ em trong ấp đều không biết chữ. Lúc đó, cô Năm đã tự mở lớp dạy tại nhà và đi vận động chị em đến học. Thấy cô Năm nhiệt tình, lại được nghe cô nói về lợi ích khi biết con chữ, chị em đến lớp ngày một đông. Lớp học tại nhà cô Năm không đáp ứng đủ nhu cầu nên người dân trong ấp đã tập trung lại làm phòng học, đóng bàn ghế bằng tre, lợp mái tranh. Cô Năm còn mượn nhà ở của đội công tác địa bàn Đồn biên phòng Tà Nốt cho bà con có nơi học tập... 3 năm sau, điểm trường ấp Măng Cải được thành lập với 2 phòng học làm bằng gỗ. Năm 2000, cô Năm không đứng lớp nữa mà chỉ hỗ trợ giáo viên.
Cô Năm nói: “Hiện điểm trường ấp Măng Cải có 5 lớp học, với tổng 53 cháu. Những em có hoàn cảnh đặc biệt, giáo viên phải kiên trì và có phương pháp giúp các em được đến trường thường xuyên và nắm vững kiến thức. Tôi tìm hiểu hoàn cảnh từng em và phân thành từng nhóm để có biện pháp vận động khi các em bỏ học. Để học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui, thầy cô giáo phải lắng nghe, chia sẻ, động viên, định hướng cho học trò; phải như người bạn cùng chuyện trò với các em. Lúc đó việc dạy học mới hiệu quả”.
Trong gia đình có 4 anh chị em chỉ mình Điểu Đại được đến trường. Em đang học lớp 4 nhưng hằng ngày vẫn phụ cha mẹ đi làm rẫy, mót mủ cao su. Hôm nào đi phụ cha mẹ về, nếu siêng em đến lớp, mệt thì em nghỉ học. Với những học sinh như vậy, cô Năm vẫn thường xuyên theo sát động viên, cổ vũ, đôi khi có cả răn đe để các em không bỏ học.
Giáo viên ở điểm lẻ ấp Măng Cải cho biết: Ngoài hỗ trợ giáo viên, hằng ngày cô Năm đến trường sớm theo dõi sĩ số lớp học để nắm tình hình. Vắng em nào, cô sẽ đến tận nhà tìm hiểu, vận động ra lớp. Tan học, cô ở lại quét dọn lớp xong mới về. Không chỉ khéo trong vận động học sinh đến lớp đầy đủ, cô Năm còn kiêm luôn việc chăm sóc sức khỏe học sinh, hòa giải khi các em đánh nhau hoặc không chịu học bài, không nghe lời cô giáo.
Cô Năm vui vẻ nói: “Chuẩn bị vào năm học mới, tôi đã đến các gia đình có con đủ tuổi vào lớp 1 để động viên, hướng dẫn họ chuẩn bị quần áo, sách vở cho các em đến trường. Năm học tới, ấp Măng Cải có 15 em vào lớp 1, các em đã đi học hè để được chuẩn bị tâm lý, kiến thức cơ bản bước vào khai giảng”.
ƯƠM MẦM VĂN NGHỆ
Dù không có chuyên môn múa nhưng cô Năm đã học hỏi từ băng đĩa, tivi... để dạy cho học sinh các bài múa nhằm giữ gìn bản sắc dân tộc mình. Đội múa của cô đều đạt giải cao tại các cuộc thi, liên hoan văn nghệ của xã và được đi biểu diễn ở một số chương trình giao lưu, lễ trao học bổng...
Những ai đã từng tiếp xúc với cô Năm đều nói cô là người vui vẻ, hoạt bát. Khi nhắc đến học sinh thì mắt cô sáng lên, miệng nở nụ cười và kể về những đứa trẻ không ngừng. Nói về những dự định sắp tới, cô Năm chỉ mong có sức khỏe để tiếp tục đến trường với các em và tập cho đội múa bài “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Cô vẫn luôn đau đáu trong lòng việc bảo tồn và truyền dạy các điệu múa của dân tộc cho thế hệ trẻ. Hơn ai hết, cô hiểu múa, hát là nghệ thuật lưu truyền, nếu không được rèn luyện, truyền đạt sẽ bị mai một. Vì thế, hằng ngày cô vẫn dành thời gian tập múa cho các em...
Lệ Thủy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065