Sau quãng thời gian rất dài rời xa thị phi của làng giải trí, mới đây, Hà Tăng bất ngờ gặp "sao quả tạ" khi nhận lời làm giám khảo cuộc thi Master Chef (Vua đầu bếp Việt Nam mùa thứ 2).
Quyết định loại một thí sinh ở cuộc thi vì anh ta tham dự vì "tiền thưởng" chứ không phải "đam mê" của Hà Tăng làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt của cộng đồng mạng.
Không những vậy, rất nhiều câu chuyện "râu ria" được đào xới lại, điển hình nhất là chiếc bánh kem được cho là "quá tệ" của Hà Tăng làm tặng sinh nhật một người bạn.
Nó khiến nhiều người càng thêm căn cứ để khẳng định Hà Tăng không đủ chuyên môn thẩm định khi ngồi vào vị trí đó.
Liên quan tới chuyện này, chủ nhân của chiếc bánh kem do Tăng Thanh Hà tự tay làm tặng đã viết một bức tâm thư khá dài trên trang cá nhân.
Anh đưa ra rất nhiều lý lẽ để bảo vệ "cô em" của mình trước "búa rìu" dư luận. Cùng với đó, với tư cách là một người làm công việc liên quan tới ẩm thực nhiều năm, anh đã đưa ra những nhận định và phân tích về quyết định của Tăng Thanh Hà.
"Nhân dịp sinh nhật mình, cô em mình tổ chức đãi tiệc cho ông anh tại nhà với những món ăn do cô ấy tự tay nấu. Xúc động hơn nữa, cô ấy còn làm một chiếc bánh sinh nhật tặng ông anh.
Sống đến từng tuổi này, đây mới là lần sinh nhật thứ 2 mình cảm thấy thực sự xúc động (lần thứ nhất là sinh nhật năm mình học lớp 2, chị Ả nấu một nồi chè đậu xanh đánh cho mình đãi sinh nhật vui vẻ với bạn bè trong xóm).
Dĩ nhiên mình không xúc động vì được ăn chùa, hay bữa tiệc quá ngon, hay cái bánh sinh nhật quá đẹp, quá ngon mà vì cái lòng của nhỏ em mình cho vào từng món ăn. Và mình xúc động nhất là chiếc bánh. Mình là người làm bếp, nói thẳng cũng nấu cho nhiều người ăn, cái nào chỉn chu mình mới mang ra, nhưng mình làm vì tiếng tăm của mình và vì đồng tiền mà mình nhận, nó khác với cái mà cô em mình làm vì cái lòng với ông anh (đôi khi mình cũng hổ thẹn vì điều này)", Quốc Võ xúc động kể về món quà hand-made của Tăng Thanh Hà.
Sau đó, anh lên tiếng trách móc những người đã "ném đá" Tăng Thanh Hà đã quên đi những tình cảm thật sự trong chiếc bánh đó mà chỉ phán xét những điều "mắt thấy".
"Nói có xúc phạm cũng đành chịu, chắc gì những đạo diễn ở ẩn rảnh rỗi (nếu không muốn nói là hết thời) và những anh hùng bàn phím ấy đã bao giờ làm một chiếc bánh cho người thân mình vào dịp đặc biệt hay chưa? Hay là chạy ra ngoài mua bánh làm sẵn (tuổi con trâu thì mua bánh hình con bò, tuổi con heo thì mua bánh hình con lợn, con trai thì mua bánh có hình siêu nhân còn con gái thì mua bánh có hoa thiệt nhiều), những thứ đó hoàn toàn là do người thợ làm công nghiệp, làm vì tiền và có tiền là mua được, thử hỏi mọi người có chạnh lòng nghĩ đến người thân của mình hay không?
Đã không chạnh lòng mà bày đặt lớn tiếng lên lớp chỉ trích tình cảm của người khác! Nói thật, con người sống là vì cái lòng đối với nhau, chỉ có súc vật mới sống vì cái có sẵn dâng tới miệng, chẳng hạn như heo chỉ biết ăn cám nấu sẵn và bò chỉ biết ăn cỏ và uống nước để lớn mà thôi.
Sống trên đời này mọi người phải biết suy nghĩ tích cực một tí chứ đừng mang cái sơ hở và lòng thành của người khác ra mà gièm pha nhằm kéo họ xuống.
Và hãy nên nhớ, càng kéo chỉ thì sườn diều càng cong, hứng gió càng nhiều để bay càng cao".
Anh tiếp tục bênh vực Hà Tăng bằng những lý lẽ khá "bất chấp: "Nếu nói nghĩa đen, cái bánh có hình thức thô mộc thì chưa chắc đã xấu. Biết đâu sau này trào lưu làm bánh home made mộc mạc như vậy mới là đẹp và là mode thì sao?
Các vị có nghĩ bây giờ cả thế giới "thích thú hơn khi được ngắm những tranh lõa thể đầy dục tính, phơi ra những cái mà con người muốn che kín, kể cả những ước vọng khác, mơ về rêver/dream là thực" của Picasso chưa? Ở thời ngài ấy sống, đó được cho là điều điên rồ, cấm kỵ.
Trường phái lập thể của ông cũng từng bị từ chối lúc mới bắt đầu. Nhưng rồi sao? Cả thế giới sau này phải nghiêng mình kính nể những tác phẩm vĩ đại ấy. Bởi thế mình muốn nói cái tâm nó tốt thì làm ra cái gì cũng có ý nghĩa. Chứ đừng nghĩ cái gì đẹp cũng là tâm của con người tạo ra nhen".
Bên cạnh đó, anh đưa ra rất nhiều dẫn chứng và lý lẽ để bảo vệ quyết định bị "ném đá" của Hà Tăng trong chương trình Master Chef.
Anh không ngại ngần gọi những người đó là "ngu dốt", "kẻ không học", "ganh ăn tức ở". Trong đó, đối tượng mà bức tâm thư này "nhắm tới" ở phần cuối chính là những người được gọi là "đạo diễn".
Chiếc bánh bị "ném đá" do Tăng Thanh Hà làm
"Nếu đã là đạo diễn thì phải biết nghề của mình như thế nào, tại sao khi làm phim phải có hư cấu, phải có lồng ghép bài học vào phim, phải có nhân quả và phải lấy nước mắt khán giả, mặc dù những trò đó đều phải diễn và nghĩ ra vì ngoài đời khó mà có thể xảy ra, nhưng chúng ta phải nghĩ ra và làm cổ tích một tí cho phim có nhân văn.
Vậy tại sao vị đạo diễn này lại đi chỉ trích từng lời nhận xét của người làm giám khảo khách mời trong show nấu ăn. Sao vị đạo diễn này không nghĩ thoáng hơn với nghề của mình là tạo kịch tính cho show mà đồng nghiệp của mình phải làm như vậy cho đúng format gốc.
Có điều mình thấy vị nào diễn này rất ngu là không phân biệt được đâu là show và đâu là program (bởi thế chẳng trách sao mà hết thời phải tha phương cầu thực sứ người). Mình là người chuyên làm ẩm thực, cũng làm và tham khảo rất nhiều show ẩm thực trên thế giới và cũng đã áp dụng rất nhiều vào những show mình làm ở Việt Nam.
Khi tìm hiểu thì ở nước ngoài họ phân biệt rõ ràng show và program. Mình lấy ví dụ, cũng là chương trình cooking nhưng chương trình kiểu thường thức gia đình, khéo tay hay làm mà cô Cẩm Vân, Diệu Thảo, Cẩm Tuyết hay làm gọi là program vì khán giả xem xong ghi chép và nấu lại được.
Còn chương trình như kiểu Yan can cook, Iron chef, Masterchef, Top chef thì được gọi là show vì chủ yếu làm sao xem cho hứng thú, kịch tính và nhiều người xem, trong đó có cả người không yêu thích nấu ăn.
Thiết nghĩ vị đạo diễn này không phân biệt được chương trình Master Chef thuộc thể lại nào nên thôi mình không trách mà chỉ nhắc nhở đừng có nhanh mồm nhanh tay kiểu vậy lần sau.
Mình cũng muốn nói cho các vị anh hùng bàn phím và vị đạo diễn gì đó biết rằng người nhận xét ẩm thực, phê bình ẩm thực không nhất thiết phải là người nấu ăn giỏi mà chỉ cần họ sành ăn họ đi nhiều, họ có cái lưỡi trời cho và họ yêu thích món ăn là đủ (các vị có thể nhờ anh google và tìm hiểu về những nhà phê bình ẩm thực trên thế giới thêm nhen).
Ví dụ như trên thế giới có rất nhiều nhà phê bình ẩm thực lỗi lạc nhưng liệu rằng họ đã là những đầu bếp thực thụ hay chính những người thân như các bà, các mẹ mới là những đầu bếp chuyên nghiệp của đời họ, mang đến cho vị giác của họ những bữa tiệc thú vị, khó phai.
Như cậu bé Eli Knauer – Mỹ, đã trở thành nhà phê bình ẩm thực khi mới học lớp 4. Cậu bé này chưa cao hơn 1 mét 20 và trong miệng còn vài chiếc răng sữa chưa thay nhưng đã đưa ra được những nhận xét chính xác cho các món ăn đã từng nếm qua. Những bài viết, nhận xét trên blog của cậu bé này trở thành những gợi ý tham khảo lý tưởng cho các bậc phụ huỵnh mỗi khi tìm các quán ăn cho cả gia đình vào dịp cuối tuần.
Chỉ từ ý nghĩ muốn trở thành nhà phê bình ẩm thực manh nha trong đầu vào đầu hè nhân dịp sang Canada du lịch, một năm sau, và sau khi có dịp thử qua 50 nhà hàng, cậu bé Eli nhỏ nhắn này đã rút ra được nhiều kinh nghiệm. Mỗi lần Eli bước vào một quán ăn là cậu biết mình tìm cái gì, từ miếng thịt mềm mại, miếng fromage đậm đà hay ly kem ngọt lịm.
Giờ đây bạn còn thắc mắc liệu rằng phải nấu ăn ngon mới được là nhà phê bình phê bình ẩm thực nữa không?!. Nếu bạn nhận thấy bản thân có khả năng trình bày, lập luận tốt để có thể đưa ra những nhận xét chính xác và tinh tế cho sự cảm nhận từ các giác quan của mình thì hãy tự tin bộc lộ tài năng nhé!", Quốc Võ giãi bầy.
Cuối cùng, anh cho rằng quyết định loại thí sinh đó của Hà Tăng là hoàn toàn đúng đắn. "Còn mình tán thành cái việc loại ngay một người nấu ăn chưa biết có ngon không mà không hề có niềm đam mê ẩm thực. Nấu ăn ngon thì rất dễ nhưng nấu ăn bằng niềm đam mê thì rất khó để trở thành một đầu bếp thực thụ.
Bạn phải có đam mê, vì có đam mê và nhiệt huyết thì bạn mới nấu ra được những món ăn được nhiều người thích, chứ không bạn chỉ nấu ngon cho một nhánh nhỏ nào đó trong khẩu vị ẩm thực rộng lớn này.
Chẳng hạn như KFC, Burger King chưa chắc là món ăn ngon nhưng lại là món được nhiều người yêu thích. Chính vì thế chúng có mặt khắp thế giới. Chỉ có niềm đam mê ẩm thực mới giúp họ tìm ra được khẩu vị chung của rất nhiều người. Đó gọi là tiếng nói chung trong ẩm thực".
Nguồn Kenh14
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065