Ngôi nhà của người phụ nữ được người dân vùng biên tôn vinh là “Người đi xây tổ ấm” tuềnh toàng, diện tích không quá 50m2, bên trong không có vật dụng gì đáng giá, bên ngoài che chắn bởi những tấm gỗ tạp, băng rôn góp nhặt từ các chương trình từ thiện mà bà từng tham gia. Căn nhà ấy suốt ¼ thế kỷ qua là nơi cho 6 thành viên trong gia đình bà nương náu. Ngước nhìn mái nhà nhiều tia nắng xuyên qua lớp tôn cũ kỹ, méo mó, tôi quay qua nhìn sâu vào mắt bà với câu hỏi bất giác bật ra: “Đi xây tổ ấm cho thiên hạ, sao bà lại bỏ quên tổ ấm của chính mình?”. Đáp lại tôi là nụ cười gượng gạo, bà nói: “Mỗi khi nghĩ đến dành cho mình một suất để có căn nhà đúng nghĩa cho các con, là tôi lại nghĩ sẽ còn nhiều người đang cần hơn mình nên lại thôi, để nhường phần cho người khác”.
Hạnh phúc của người cho đi
Suốt chuyến công tác hôm ấy và nhiều ngày sau đó, tôi đã nghĩ rất nhiều về câu nói từng nghe “Hạnh phúc là sự cho đi” hay “Cho đi là hạnh phúc”. Không nói tới lứa đôi, mỗi người có những suy nghĩ khác nhau về hạnh phúc. Có người cho rằng cuộc sống phải đầy đủ vật chất mới hạnh phúc hay hạnh phúc là khi đạt được vị thế nhất định trong xã hội. Có người tìm kiếm hạnh phúc từ những thú vui tiện ích của công nghệ hiện đại hay từ những thú vui như chăm cây cảnh, trồng hoa, nuôi chim, cá hoặc từ việc đọc sách, đánh đàn, làm thơ... Với những người có tấm lòng nhân hậu, hạnh phúc với họ là đem niềm vui đến cho người khác.
“Ở vùng biên giới này vào mùa nắng thì hanh khô, mỗi mùa mưa đến không biết hứng chịu bao nhiêu trận mưa bão. Công sức và thành quả lao động của người dân trong 1 năm bị thiên tai cuốn đi hết. Những lúc như thế, tôi chỉ biết đến chia sẻ, động viên tinh thần và cùng giúp đỡ khắc phục hậu quả thiệt hại. Dần dần công tác xã hội tự nhiên nó vận vào người lúc nào không hay” - bà Tiển nói về lý do của mình.
Làm y tế thôn bản từ năm 1992, lúc đó đời sống người dân ấp 9 còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cách xa trung tâm, khi trong ấp có trẻ em bị sốt hoặc thai sản chuyển dạ ban đêm, sốt rét rừng..., bất cứ giờ nào dù ngày hay đêm, có người gọi là cô y tế thôn bản Nguyễn Thị Tiển có mặt. Không nhớ giúp đỡ tổng cộng bao nhiêu trường hợp khẩn cấp vượt qua nguy hiểm, nhưng “điểm danh” từng hoàn cảnh hay các em bé chào đời trên đôi tay mình đến với vùng biên giới này thì bà nằm lòng. Bà kể về từng trường hợp với niềm hạnh phúc đầy ắp trên khóe mắt.
“Ai cần giúp đỡ, gọi bất cứ khi nào tôi cũng có mặt. Nhiều khi làm xong người mệt lả, việc nhà không hoàn thành. Những lúc như thế, chồng tôi luôn tỏ ra không hài lòng. Đó là rào cản lớn nhất mà tôi phải vượt qua khi gắn bó với công việc xã hội. Chồng không ủng hộ vì không muốn tôi mất nhiều thời gian, ảnh hưởng sức khỏe. Chồng tôi nói: “Ở đời có làm có ăn, đi làm như vậy hoài lấy gì mà ăn?”. Nhưng lạ một điều là khi đã bén duyên với công tác xã hội thì dù muốn nghỉ cũng không được, nhất là mỗi lúc ai đó cần thì mình không thể từ chối. Giúp được họ rồi bản thân thấy vui lây, có động lực để tiếp tục công việc” - bà Tiển kể lại cách vượt rào cản lớn nhất khi làm công tác xã hội.
“Muốn phên dậu của Tổ quốc được vững chắc thì mỗi gia đình biên giới phải là một tế bào khỏe mạnh. Nhưng ở biên giới xa xôi, thời tiết khắc nghiệt, điều kiện cuộc sống khó khăn, để tạo ra những nhân tố giàu mạnh không dễ dàng. Làm điều này là làm cho họ có tổ ấm đúng nghĩa, chỉ họ cách thức tổ chức cuộc sống, phát triển kinh tế khoa học để họ có thể an cư lập nghiệp, yên tâm “cắm rễ sâu” ở vùng biên giới”. Bà Nguyễn Thị Tiển chia sẻ về “kim chỉ nam” làm công tác xã hội của mình |
Trải qua 26 năm làm công tác xã hội, trong đó “cắm bản” 12 năm với các nhiệm vụ y tế thôn bản, dân số - kế hoạch hóa gia đình, Trưởng ban Công tác mặt trận ấp 9, xã Thanh Hòa, rồi 14 năm công tác ở hội chữ thập đỏ với vị trí Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thanh Hòa, đến năm 2018, bà nghỉ hưu, lại được phân công làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thanh Hòa.
Xây tổ ấm cho... thiên hạ
Năm 2004, bà Tiển được tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thanh Hòa. Bắt đầu nhiệm vụ mới, bà chuyên tâm chăm lo mái ấm cho các hộ dân khó khăn về nhà ở trên địa bàn xã. Người dân ở biên giới còn nhiều khó khăn về nhà ở, đời sống vật chất và tinh thần đều thiếu thốn. Do vậy, bà đi khảo sát toàn xã còn bao nhiêu hộ dân cần mái ấm, sau đó, lên kế hoạch vận động, đặt ra mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát bằng những con số cụ thể hằng quý, hằng năm.
Bà Tiển kể: “Tôi làm vì trách nhiệm, vì người dân, chứ phụ cấp Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã lúc đó chỉ 70.000 đồng/tháng. Tôi không nhớ chính xác mình vận động sửa chữa và xây dựng nhà cho bao nhiêu hộ nữa”.
Mải miết với hành trình đi xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân vùng biên, bà Tiển lại “bỏ quên” mái ấm của gia đình mình đã “hết hạn sử dụng”. Ngôi nhà của bà trống trước hở sau, nắng, mưa “ghé thăm” thường xuyên, liêu xiêu, cũng rất cần xây dựng từ lâu.
Sự đền đáp xứng đáng
Với tài sản 1 cặp dê sinh sản, 300 trụ tiêu xơ xác chưa hồi sinh vì bệnh, 2 sào ruộng sản xuất không đủ để vợ chồng bà nuôi 4 người con học đại học. Thời gian để chăm sóc gia đình, phát triển kinh tế và chăm lo 4 người con bằng cách bắt đầu từ 4 giờ sáng hằng ngày bà ra chợ Bù Đốp với gian hàng rau. Hiểu được tấm lòng của mẹ, để chia sẻ gánh nặng cùng gia đình, 4 người con của bà luôn cố gắng vượt qua những thiếu thốn, chăm lo học giỏi, phụ giúp việc nhà để mẹ có thời gian làm công tác xã hội.
Khi được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà từ Quỹ “Tiết kiệm bản thân dành phần người khó” của huyện, bà Tiển xúc động lắm. Bà kể: “Từ năm 1992 đến nay, tôi tham gia bình xét và xây dựng nhà ở cho rất nhiều hộ khó khăn nhưng chưa bao giờ nghĩ đến xây dựng cho mình một ngôi nhà từ các nguồn quỹ hỗ trợ... Cũng có lúc chạnh lòng, song khi thấy các hộ khó khăn có nhà ở vững chắc, có kinh phí phát triển kinh tế, tôi thấy hạnh phúc. Hiện tuổi đã già, hoàn thành trách nhiệm với xã hội, với các con, tôi không còn đủ khả năng để xây cho chính mình ngôi nhà khang trang. Được huyện quan tâm hỗ trợ, tôi rất xúc động. Vì ngôi nhà được xây từ sự chung tay “tương thân tương ái” của đồng chí với mình, có giá trị tinh thần rất lớn”.
Anh Trịnh Tiến Tâm, Chánh văn phòng Huyện ủy, Tổ trưởng Tổ giúp việc phong trào “Tiết kiệm bản thân dành phần người khó” huyện Bù Đốp chia sẻ: “Chị Tiển làm công tác xã hội với trách nhiệm rất cao. Khi đi khảo sát để hỗ trợ xây nhà “Nghĩa tình đảng viên” từ nguồn quỹ của chương trình “Tiết kiệm bản thân dành phần người khó”, biết về trường hợp của chị, tôi xúc động lắm. Bao nhiêu năm chị chỉ lo đi xây tổ ấm cho người khác... Chị nhỏ nhắn, mỏng manh như thế, nhưng lại là điểm tựa rất vững chắc cho người dân khó khăn ở vùng biên giới”.
Giờ đây, 4 người con đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định, ước mơ có một căn nhà tươm tất của bà đã thành hiện thực. Đó là đền đáp xứng đáng cho những năm tháng bà Tiển dành cả tuổi trẻ, nhiệt huyết để chăm lo các hộ khó khăn ở vùng biên.
“Ấp 9, xã Thanh Hòa có 268 hộ. Đến nay, ấp có 7 hộ đủ điều kiện được hỗ trợ xây nhà “Nghĩa tình đảng viên” từ nguồn quỹ của chương trình “Tiết kiệm bản thân dành phần người khó” do 1.753 đảng viên trên địa bàn huyện đóng góp. Năm 2018 có 4 nhà và năm 2019 có 3 nhà. Trong 3 nhà xây năm 2019 có 1 căn dành cho gia đình chị Tiển. Và gia đình chị Tiển là hộ cuối cùng trong ấp khó khăn về nhà ở được xây dựng nhà tình nghĩa””. Chánh văn phòng Huyện ủy, Tổ trưởng Tổ giúp việc chương trình “Tiết kiệm bản thân dành phần người khó” huyện Bù Đốp Trịnh Tiến Tâm |
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065