BP - “Cách biên giới khoảng 1km, 70 hộ dân ở tổ 6, thôn 7, xã Thiện Hưng (Bù Đốp) không chỉ chịu sự khắc nghiệt của thời tiết mà còn thiếu thốn đủ bề. Không có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, giao thông đi lại khó khăn làm cho đời sống của bà con khó chồng khó. Mỗi lần tiếp xúc cử tri, chúng tôi đều kiến nghị về việc đầu tư hệ thống điện và làm đường giao thông nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm” - bà Nguyễn Thị Mát, Chi hội phó Chi hội người cao tuổi thôn 7 cho biết.
CẦN ÁNH SÁNG SOI ƯỚC MƠ XANH...
Dưới cái nắng gay gắt của một buổi trưa đầu mùa khô ở vùng biên giới Đông Nam bộ, căn nhà rộng chừng 30m2 lụp xụp dưới tán điều của vợ chồng ông Lê Văn Lưu ở tổ 6 trở nên ngột ngạt. Loay hoay chỉnh kẹp điện bình ắc-quy để khởi động chiếc quạt “tí hon” xua đi phần nào cái nóng, ông Lưu nói: “Ở đây hầu hết hộ dân đều sử dụng điện năng lượng mặt trời. Do tự trang bị trong điều kiện kinh tế khó khăn nên công suất rất thấp, chỉ đủ thắp sáng, còn nấu cơm thì dùng bếp củi. Để bơm nước tưới cây trồng và phục vụ sinh hoạt, chúng tôi phải sử dụng máy dầu nên rất tốn kém và bất tiện”.
Qua cầu gỗ ở suối Đá là nỗi sợ hãi đối với người dân thôn 7, nhưng đây là con đường lưu thông duy nhất từ tổ 6 ra trung tâm xã Thiện Hưng (ảnh lớn). Ông Lê Văn Lưu ở tổ 6, thôn 7 điều chỉnh bình điện để cắm quạt làm mát khi nhà có khách (ảnh nhỏ)
Bà Ngô Thị Trường An ở tổ 6 cho biết: Gia đình tôi có 800 nọc tiêu, trong đó có 200 nọc đang cho thu hoạch và là nguồn thu chính của gia đình. Mấy năm nay, tôi phải đầu tư máy dầu để tưới tiêu, chi phí rất tốn kém. Năm 2016, gia đình bỏ ra 130 triệu đồng múc hồ trữ nước tưới tiêu, nhưng vẫn bị chết 50 nọc. Mùa khô năm nay, tôi chỉ lo thiếu nước tưới tiêu. Nếu có điện thì chi phí tưới chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng/tháng, còn tưới bằng dầu phải lên đến hàng triệu đồng.
“Trước đây, một số hộ kéo điện nhờ từ bên kia cầu qua, nhưng chỉ đủ thắp sáng với chi phí 4.000 đồng/kWh, bình quân mỗi hộ phải trả 300 ngàn đồng/tháng. Giá cao mà không đủ phục vụ sinh hoạt và sản xuất nên các hộ không sử dụng nữa” - bà An cho hay. Còn anh Phạm Tấn Đạt cho biết: Trong thôn có khoảng 25 ha hồ tiêu. Đây là cây trồng chủ lực và là nguồn thu chính của người dân nên nhu cầu sử dụng điện phục vụ tưới tiêu rất lớn bởi dùng máy dầu, sau mỗi vụ trừ chi phí thì lời không được bao nhiêu.
Điều khiến người dân ở đây trăn trở thêm nữa là con em họ không có điện để học tập như những đứa trẻ ở xã khác. “Tôi có hai con, vì hoàn cảnh khó khăn nên chỉ một cháu được đến trường và đang học lớp 4. Tối đến với một bóng tuýp nhỏ không đủ ánh sáng cho con học bài, thấy mà thương. Ước cho con có tương lai tươi sáng hơn bố mẹ nhưng sao thấy khổ vẫn hoàn khổ. Đường đi lại khó khăn, điện không đủ sáng để học tập, con đường biến ước mơ thành hiện thực sao quá xa vời” - ông Lưu buồn bã nói.
VÀ CÂY CẦU BẮC ĐẾN TƯƠNG LAI
Từ trung tâm xã Thiện Hưng đi vào tổ 6, thôn 7, chúng tôi phải đi qua cây cầu gỗ vắt ngang lòng suối Đá (người dân ở đây gọi là Bàu Đỉa). Mùa khô, lòng suối trơ đáy in hình chiếc cầu gỗ bằng những vệt nắng gắt. Những tấm gỗ trên mặt cầu cái dài cái ngắn do người dân tự lắp ghép, còn đinh đóng lâu ngày đã hoen rỉ khiến những tấm gỗ xộc xệch và kêu răng rắc mỗi khi có xe chạy qua.
Bà Ngô Thị Trường An nói: Ở khu Bàu Đỉa, vào mùa khô lòng suối Đá trở thành con đường đi, còn khi mưa đến, chiếc cầu lại chìm dưới nước, học sinh trong tổ không đi học được, người dân lưu thông rất khó khăn. Để bảo đảm an toàn phải cho con nghỉ học, khi nào nước rút mới đi học trở lại, mà thường là rất lâu. Trong tổ không có điểm mua bán thực phẩm, người dân đi chợ phải dắt xe đi bộ qua cầu vì nước ngập tràn vào pô xe máy.
Mùa khô lòng suối Đá (khu Bàu Đỉa) khô trơ đáy và trở thành đường đi
“Chứng kiến nhiều người bị té xuống suối do ngập nước, tôi đã đứng ra vận động mỗi hộ đóng 100 ngàn đồng để mùa khô sửa lại cầu. Mong thời tiết năm nay không khắc nghiệt như mọi năm để các em trong tổ yên tâm đến trường” - anh Phạm Tấn Đạt ở tổ 6 nói.
“Cây cầu này được làm cách đây hơn 20 năm do chồng tôi đứng ra vận động người dân trong tổ đóng góp kinh phí và ngày công. Lúc đó các hộ dân còn ít, nhu cầu đi lại chưa nhiều, nay dân số tăng nên người và phương tiện đi lại trên chiếc cầu ngày càng cao. Hiện nay, cầu đã xuống cấp trầm trọng, dù bà con liên tục đóng góp kinh phí tu sửa. Không biết bao giờ người dân tổ 6 mới được hưởng niềm vui có điện và đường đi thuận lợi” - bà Nguyễn Thị Mát mong muốn.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Chí Công, Chủ tịch UBND xã Thiện Hưng cho biết: Hiện xã đã lên kế hoạch xây dựng 3km đường điện và 1 trạm biến áp tại tổ 6 với kinh phí 1,1 tỷ đồng và đang đợi bố trí vốn. Còn cây cầu trước mắt bà con vẫn phải chờ.
Ngọc Bích
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065