Không mặn mà với khu tái định cư
Sóc Bù Tôm thành lập từ năm nào không ai nhớ. Bởi theo tập quán du canh, du cư, người dân trong sóc mải chạy theo những con thú, đám rừng già để săn bắt, tỉa cây. Đến năm 1980, họ tập trung sống quây quần tại thôn 7, xã Đoàn Kết và thành lập sóc Bù Tôm. 100% số dân trong sóc là người dân tộc S’tiêng, sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên, trình độ dân trí còn hạn chế nên đời sống rất khó khăn.
Trước tình hình đó, năm 1997, huyện Bù Đăng đã quy hoạch khu định cư sóc Bù Tôm tại thôn 7, xã Đoàn Kết với diện tích gần 27.000m2 với 48 hộ dân thụ hưởng, trung bình mỗi hộ 260m2. Đồng thời, huyện hỗ trợ các hộ mái tôn để làm nhà, ổn định cuộc sống. Đến nay, khu định cư đã được đầu tư điện, đường bê tông xi măng, trường học, nhà văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, một số hộ dân đã sang nhượng đất tại khu định cư, trở về sóc cũ và hiện đã ổn định cuộc sống. Ông Điểu Búp, một trong những hộ được cấp đất tái định cư cho biết: “Sau khi được Nhà nước cấp đất, gia đình đã đầu tư gần 60 triệu đồng để xây nhà ở. Tuy nhiên, do nhà có 6 người con trai, diện tích đất chật hẹp, lại xa rẫy nên không tiện cho việc sản xuất và chăn nuôi”.
Ông Điểu Bon, người có uy tín của sóc chia sẻ: “Tuy được Nhà nước cấp đất, đầu tư điện nhưng cách xa rẫy, diện tích chật hẹp, con đông, muốn trồng cây, chăn nuôi trâu, bò cũng khó”.
Không có điện, ông Điểu Bon đầu tư gần 40 triệu đồng mua máy dầu và hệ thống ống dẫn tưới cà phê vào mùa khô
Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết Võ Minh Phước cho biết: Khu định cư sóc Bù Tôm thuộc chủ trương của UBND huyện cấp cho 48 hộ dân với mong muốn giúp bà con có điều kiện tốt hơn để thoát cuộc sống du canh, du cư. Ban đầu các hộ đã đồng thuận và ổn định cuộc sống tại sóc Bù Tôm. Nhưng sau đó do thói quen, cùng với điều kiện phát triển rẫy, chăn nuôi nên một số hộ quay trở lại sóc cũ, chỉ một số hộ còn trẻ ở lại để tiện cho con đi học. Bên cạnh đó, các hộ này là người dân tộc S’tiêng, con đông, mỗi gia đình 4-5 người con trở lên. Sau nhiều năm, lớp trẻ lớn lên và lập gia đình nên họ quay trở lại sóc cũ...
Mong sớm có điện lưới
Năm nay gần 60 tuổi, cuộc sống của ông Điểu Bon, người có uy tín ở sóc Bù Tôm chỉ quanh quẩn trong sóc. Không có điện, việc tiếp cận thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng gần như “đóng băng”. Việc nấu cơm, đun nước gắn liền với bếp củi. Các hoạt động đều dừng lại trước 7 giờ tối bởi chiếc đèn dầu không đủ mang lại ánh sáng cho cả nhà sinh hoạt. Không có điện, cuộc sống gia đình ông càng khó khăn hơn, 2 ha rẫy trồng xen điều, cà phê, hồ tiêu luôn trong tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô, dù trước đó ông đã bỏ ra gần 40 triệu đồng để đầu tư máy dầu cùng hệ thống ống dẫn. “Không điện, không được xem tivi, 7 giờ tối đã đi ngủ rồi. Đèn dầu phải dành cho các cháu học bài. Tưới cà phê phải dùng máy dầu tốn kém lắm. Mong Nhà nước đầu tư kéo điện cho bà con trong sóc đỡ vất vả hơn” - ông Điểu Bon nói.
Gia đình ông Điểu Búp đã bỏ gần 15 triệu đồng để đầu tư điện năng lượng mặt trời cho con học bài. Nhưng nguồn điện ít ỏi này chỉ đủ để thắp sáng, sạc pin điện thoại, xem chương trình thời sự. Đó là chưa kể vào mùa mưa, nguồn điện hầu như chỉ đủ để thắp sáng. Việc tắm, giặt, tưới tiêu cho 14 ha rẫy vào mùa khô chủ yếu phụ thuộc nguồn nước tự nhiên. “Tôi sống tại đây từ năm 1982. Không điện thiệt thòi đủ điều, tối dưới ánh đèn dầu leo lét, sinh hoạt khó khăn. Các cháu học bài vừa thiếu ánh sáng vừa nóng nực. Từ ngày có điện năng lượng mặt trời chỉ cải thiện được việc thắp sáng. Mùa khô, tắm giặt phải ra suối, tưới cà phê phải dùng máy nổ chạy bằng dầu. Mong Nhà nước sớm đầu tư đường điện để người dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất” - ông Điểu Búp cho biết.
Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết Võ Minh Phước cho biết thêm, trước nguyện vọng có điện thắp sáng của 41 hộ dân ở sóc Bù Tôm, xã đã khảo sát thực tế và có tờ trình gửi Điện lực Bù Đăng xem xét hạ thế đường điện từ đường ĐT755 vào sóc Bù Tôm nhằm tạo điều kiện cho người dân sinh sống và sản xuất. Tuy nhiên, do sóc Bù Tôm xa trung tâm, người dân sinh sống thưa thớt nên đến nay vẫn chưa được kéo điện. Xã đang tính đến phương án kéo điện vào sóc qua các vườn cây ăn trái, vừa tiết kiệm đường đi vừa tận dụng được nhu cầu sử dụng điện để tưới cây ăn trái của các hộ dân. Việc kéo điện vào sóc Bù Tôm cũng là một trong những phần việc thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065