“HẨM HIU” CẢNH HỌC NHỜ
Dù còn nhiều khó khăn nhưng vì lòng yêu thương trẻ, cô Trần Thị Ban, giáo viên điểm lẻ Bình Hà 1, Trường mẫu giáo Măng Non vẫn tích cực đến lớp. 16 năm công tác trong ngành giáo dục thì hơn 12 năm cô Ban gắn bó với học trò vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số các thôn Bình Hà 1, Bình Hà 2, xã Đa Kia.
Cách trung tâm xã gần 5km nhưng con đường đất duy nhất đi vào điểm lẻ Bình Hà 1 vô cùng gian nan. Cơ sở vật chất điểm lẻ này lại đang xuống cấp trầm trọng, không điện, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh. Không chỉ cơ sở vật chất xuống cấp, học trò đồng bào S’tiêng ở các thôn Bình Hà 1, Bình Hà 2 đều thuộc diện nghèo, thiếu thốn đủ bề từ quần áo đến sách vở... Cô Ban vừa làm giáo viên vừa đi dân vận cơ sở, vận động phụ huynh cho trẻ đến trường, trẻ bỏ học ra lớp. Bởi thế, có những lần đến lớp chỉ lác đác 5-7 em, cô Ban lại mua dăm ba gói kẹo đi đến từng gia đình vận động, dẫn trẻ tới lớp.
Hằng ngày, học trò điểm lẻ Bình Hà 1, Trường mẫu giáo Măng Non phải ngồi học với những chiếc bàn, ghế đã bị hư hỏng, xộc xệch
Cô Ban cho biết: Các em ở điểm lẻ, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất đáng thương. Đời sống gia đình khó khăn, các em lại phải học trong môi trường thiếu thốn. Gắn bó với học trò S’tiêng lâu năm nên tôi cũng học được tiếng nói của các em để hỗ trợ giảng dạy và vận động. Đầu năm đi vận động trẻ ra lớp rất khó khăn nhưng kiên trì và phân tích cho phụ huynh hiểu, thay đổi phương pháp giáo dục thu hút trẻ thì cuối năm học gần như 100% trẻ hoàn thành chương trình và đủ điều kiện vào lớp 1.
Trường mẫu giáo Măng Non có 1 điểm chính và 6 điểm lẻ. Đa phần điểm lẻ phải học nhờ các nhà văn hóa thôn, Trạm xá Nông trường 2 (Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng) và Trường tiểu học Đa Kia. Tuy nhiên các cháu thường xuyên phải gián đoạn việc học do tổ chức, đoàn thể trong thôn có việc cần sử dụng nhà văn hóa. Vì thế, ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng giảng dạy của cô và trò. Tôi có mặt tại điểm lẻ nhà văn hóa thôn 4, tuy trong giờ hành chính nhưng không thấy bóng dáng trẻ mẫu giáo học. Ông Trần Quyết Thắng, Trưởng thôn 4, lý giải: Nhiều năm nay, các cháu độ tuổi mẫu giáo phải học nhờ nhà văn hóa thôn. Hiện ở đây có 80 cháu 4 tuổi/2 lớp chồi. Hôm nay, do thôn có việc nên lớp học tạm thời nghỉ để trả lại khuôn viên nhà văn hóa cho thôn hội họp.
KHI NÀO MỚI CÓ TRƯỜNG MẦM NON?
Xã đã thống nhất điều chỉnh 4.200m2 đất sân vận động (thuộc quỹ đất công) tại thôn 4, phía sau trụ sở UBND xã Đa Kia để xây dựng trường mầm non theo hướng đạt chuẩn trong giai đoạn 2017-2020. Hiện huyện Bù Gia Mập đã có chủ trương đến năm 2017 sẽ đầu tư vốn xây dựng trường mầm non cho xã. Ông Ngô Văn Uẩn, Phó chủ tịch UBND xã Đa Kia |
Toàn xã Đa Kia có khoảng 700 trẻ trong độ tuổi mầm non nhưng Trường mẫu giáo Măng Non chỉ đủ cơ sở tiếp nhận 350 cháu từ 4-5 tuổi, đạt 50% nhu cầu trên địa bàn xã. Bởi thế, khi biết tôi về tìm hiểu hiện trạng Trường mẫu giáo Măng Non, nhiều phụ huynh trong xã đã bày tỏ sự bức xúc và mong chính quyền các cấp xây dựng trường mầm non khang trang để tất cả con em độ tuổi mầm non trong xã được tới trường.
Chị N.T. L ở thôn 4, cho biết: “Chúng tôi lập gia đình khi nội - ngoại đã lớn tuổi nên gửi con rất khó khăn. Hai đứa con đang độ tuổi mầm non nên không thể theo cha vào rẫy, hay theo mẹ đến cơ quan. Nhiều người trong thôn có con lứa tuổi mầm non rất trông chờ xây thêm trường để đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn xã”. Chị Thị Ngọc ở thôn Bình Hà 1 cũng mong nhà nước sớm xây dựng thêm trường mầm non, bởi “mỗi lần tôi đưa con trai 5 tuổi đi học, đứa con nhỏ 3 tuổi cũng nằng nặc đòi đi học như anh”.
Trưởng thôn 4 Trần Quyết Thắng nói: Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần trong các kỳ họp HĐND, tiếp xúc cử tri về tình hình thiếu trường mầm non, đặc biệt, đây còn là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhưng đến nay kiến nghị của người dân vẫn chưa được giải quyết.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065