Không nhiều đồ đạc cần phân chia khi anh chị quyết định đường ai nấy đi. Một chiếc tủ đứng cũ kỹ đã bong cả vecni, nham nhở những mẩu vụn gỗ xù xì và đầy những đường vẽ chì màu của hai thằng “giặc cỏ” nhà chị. Một cái bàn khập khiễng và bốn cái ghế nhựa. Một chiếc giường gỗ có chạm đôi chim tung cánh hai bên cặp trái tim lồng vào nhau là quà cưới của bố chị - vốn là một thợ mộc, tặng hai người. Khó chia có chăng là hai thằng con trai, một đang học lớp 2 và một chưa đầy năm tuổi, chia kiểu nào cũng dở. Và, rất nhiều nỗi đau trong lòng chị, chẳng biết phải chia sớt thế nào.
Chị không xinh đẹp, càng không đào hoa. Cuộc sống lam lũ với vai trò con gái lớn trong gia đình khiến chị phải phụ bố cáng đáng nhiều việc, từ đồng áng đến nuôi lợn, chăn gà. Người anh cả thoát ly cuộc sống ở vùng quê mà anh chê “ao tù nước đọng” theo người ta đi hái thuê hồ tiêu, cà phê. Bố bảo, thôi thế cũng được, miễn nó làm được cái mà ăn rồi nên người. Mà chắc anh cũng làm ăn được thật, mỗi khi có người về, anh không quên gửi mấy bộ quần áo mới và ít đồ cũ về cho các em. Có khi, anh gửi cả tiền, món tiền nhỏ nhưng khiến bố mừng rơi nước mắt và đủ để chị thấy cảm phục khi nghĩ về anh. Quá nhiều nỗi lo, chị dặn mình không được nghĩ đến việc lấy chồng sớm.
17, 18 tuổi, khi các cô gái cùng lứa đã biết liếc mắt làm duyên thì chị vẫn cặm cụi như một con gà mái mẹ. Rồi đúng là “cái tuổi nó đuổi xuân đi”, bố chị bắt đầu sốt ruột. Chị quen anh khi bước sang ngưỡng “đã toan về già”. Anh hơn chị 11 tuổi, đã qua một đời vợ. Người thì nói anh bỏ vợ. Người nói anh bị vợ bỏ. Chẳng biết thế nào. Cuối cùng, chỉ thấy anh ở một mình, ba đứa con đi cùng mẹ, chả mấy khi về thăm bố. Anh làm thợ hồ, đến xây nhà hàng xóm của chị, khi bị mọi người ghép đôi, họ bắt đầu để ý đến nhau.
Mấy đứa em chị ra sức phản đối, không muốn chị mình lấy một người bị vợ bỏ, lại có những ba đứa con riêng. Anh trai cả điện về, bảo tùy cô quyết định. Bố chị nửa chạnh lòng, nửa muốn con gái mình yên bề, dù gì chị cũng chẳng còn trẻ trung. Còn chị, chị mong có một bờ vai để tựa…
Bố đóng một chiếc giường cưới cho con gái. Anh cả thu xếp về được một tuần lo cái đám cưới nho nhỏ cho em. Không đứa nào trong số ba con riêng của anh tới dự, mấy đứa em chị cũng tạm hài lòng.
Hai thằng con trai lần lượt ra đời khiến gánh nặng cơm áo càng nặng hơn trên đôi vai vốn chai sần của chị; nhất là khi công việc thợ hồ của anh bữa đực bữa cái, anh mắc thêm cái bệnh đau lưng của người “sắp già” hay làm việc nặng. Tằn tiện, tích cóp, vay mượn thêm của anh cả và vài người bà con, anh chị mua được mảnh đất nhỏ, cất một cái nhà, gọi là có chỗ chui ra chui vào. Bố chị vui trông thấy, mấy đứa em chị thôi nhắc chuyện ngày xưa.
Hai đứa con và người chồng tóc bạc gần nửa khiến chị cảm thấy nhẹ lòng. Dù sao, ông trời vẫn còn thương chị…
Cho đến khi anh đổ mình vào những con bài. Cái nhà vốn chẳng nhiều đồ đạc càng bị anh làm trống trải thêm. Cái ti vi cũ mà hai đứa con mỗi lần muốn xem lại phải đập đập mới chịu có hình, cái quạt điện anh cả mua cho bố, rồi bố chị nhường cho các cháu, đến cả cái nồi nấu cám lợn và mấy con gà đang đẻ cũng lần lượt ra đi sau những lần anh cố gỡ gạc. Chị nhắc mãi, nhẹ nhàng, khóc lóc rồi van xin, dọa bỏ… Anh đối phó với chị ban đầu bằng cách ăn năn, hứa hẹn, rồi sau bằng cả những cái bạt tai. Đồ đạc thì cứ lần lượt theo anh ra khỏi nhà.
Bố chị già sọp hẳn đi khi thấy con rể ngày càng đổ đốn. Mấy đứa em chẳng nỡ nhắc đến chuyện buồn, ôm chị khóc rưng rức, bù đắp bằng cách phụ chị nuôi hai đứa cháu. Anh cả về, khuyên cô đi theo con đường của anh ngày xưa, dù phải xa nhà xa quê nhưng dễ sống hơn. Bố có thể ở nhà cùng mấy đứa em hoặc theo anh cả để anh phụng dưỡng. Chị thấy lời khuyên của anh cũng xuôi.
Cuộc họp gia đình diễn ra chóng vánh. Chồng chị bảo muốn đi đâu thì đi, muốn mang theo một hay cả hai đứa con đều được, càng rảnh nợ. Rồi anh ta tu nguyên cả chai rượu, lè nhè đi khỏi nhà. Đêm về, nồng nặc mùi rượu, anh ta trèo lên người chị, vừa hành hạ vừa lảm nhảm những câu vô nghĩa. Chị cắn răng…
Rồi chị sẽ là người đàn bà một nách hai con nhỏ trông cậy vào anh trai và những người xa lạ. Rồi chị sẽ là người đàn bà bỏ chồng hoặc bị chồng bỏ. Rồi, có thể lắm, sẽ thỉnh thoảng chị cô đơn đến nhói lòng khi nhìn người ta có cặp có đôi. Nhưng, đau thì cũng đã đau rồi, chị tự nhủ, dù gì mình vẫn có hai đứa con…
Nguồn PNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065