BP - Đã 50 năm trôi qua, bản Di chúc thiêng liêng mà Bác Hồ để lại cho toàn thể dân tộc Việt Nam vẫn mãi là một văn kiện lịch sử, tài sản tinh thần vô giá, tinh hoa tư tưởng, tâm hồn và đạo đức trong sáng, đẹp đẽ của Người. Suốt 50 năm qua, mỗi người dân Việt Nam, trong đó có gần 1 triệu người dân Bình Phước đều không nguôi niềm tiếc thương vô hạn đối với vị lãnh tụ thiên tài của Đảng ta, vị anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Dù Bác đã đi xa nhưng tình yêu thương mà Người để lại trong bản Di chúc thiêng liêng vẫn tiếp tục dẫn lối chúng ta trên con đường dựng xây đất nước. Trong bài viết này, chúng tôi xin được đề cập 2 lĩnh vực mà Bác đặc biệt quan tâm, cũng là 2 lĩnh vực Bình Phước đã thực hiện tốt di nguyện của Người.
CHĂM LO CHO ĐỒNG BÀO DTTS - CHỦ TRƯƠNG XUYÊN SUỐT CỦA TỈNH
Quan điểm về vấn đề dân tộc của Người không chỉ thể hiện trong các trước tác, phát ngôn mà còn thể hiện rõ trong cách ứng xử với đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Trên cơ sở đó, Người đã tập hợp, đoàn kết đồng bào một lòng theo Đảng, theo cách mạng, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Kính trọng, yêu thương Người và tỏ lòng biết ơn đối với đồng bào các DTTS, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Bình Phước luôn quan tâm chăm lo cho đồng bào các DTTS, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, là cơ sở để tỉnh nhà phát triển bền vững.
Từ đặc thù của một tỉnh có 41 thành phần dân tộc, quan điểm xuyên suốt, thể hiện sự nhất quán của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Bình Phước là: Đoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào. Điều đó thể hiện rõ trong chủ trương cùng những quyết sách táo bạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh từ nhiều năm qua.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm bền vững hộ nghèo DTTS
Khi tái lập tỉnh (năm 1997), tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 42%, trong đó chủ yếu đồng bào DTTS. Vì thế, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 20-CTr/TU về công tác dân tộc và chủ trương xây dựng chính sách phù hợp với nội dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa IX của Đảng về công tác dân tộc trong thời kỳ mới. Từ đó đến nay, bên cạnh các chính sách của Trung ương thì rất nhiều chương trình, nghị quyết, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS đã được tỉnh ban hành và nỗ lực thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thăm, tặng quà gia đình chính sách, khó khăn ở xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tháng 1-2019 - Ảnh: Vũ Thuyên
Chỉ 4 năm sau ngày tái lập tỉnh, Bình Phước đã mạnh dạn sử dụng ngân sách và kêu gọi nguồn xã hội hóa xây dựng 2.000 căn nhà cho người nghèo, chủ yếu là đồng bào DTTS bản địa - một việc làm mà ngay cả những tỉnh, thành có điều kiện hơn hẳn lúc ấy cũng chưa làm được. Năm 2014, HĐND tỉnh khóa VIII ban hành Nghị quyết chuyên đề số 17 về thực hiện Đề án đẩy mạnh giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS tỉnh Bình Phước giai đoạn 2014-2015, định hướng đến năm 2020. Sau 1 năm thực hiện đề án, toàn tỉnh đã giảm thêm được 996 hộ nghèo DTTS. Giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 6,1% còn 3,55% (từ 14.627 hộ giảm còn 8.614 hộ); giảm 1.945 hộ nghèo DTTS. Cuối năm 2018, toàn tỉnh còn 8.614 hộ nghèo, 6.617 hộ cận nghèo, trong đó 4.545 hộ nghèo DTTS.
Để có được kết quả này, các sở, ban, ngành trong tỉnh đã thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án dành cho hộ nghèo và hộ nghèo DTTS. Chương trình 133 giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh được phân bổ 83,416 tỷ đồng. Nguồn vốn này đầu tư cho 9 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), 1 xã biên giới và 51 thôn ĐBKK. Năm 2016, UBND tỉnh phân bổ bình quân 1 tỷ đồng/xã ĐBKK, 200 triệu đồng/thôn ĐBKK đối với dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; phân bổ 300 triệu đồng/xã và 50 triệu đồng/thôn đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Tổng vốn thực hiện tiểu dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã ĐBKK, xã biên giới và các thôn, ấp, sóc ĐBKK trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến hết năm 2018 là 65,97 tỷ đồng. Riêng năm 2018, tổng vốn thực hiện dự án lên tới 25,138 tỷ đồng.
Từ việc lựa chọn những công trình bức thiết với đối tượng thụ hưởng ở từng thôn, xã ĐBKK cùng sự kiểm tra, giám sát nghiêm túc, nguồn vốn của chương trình đã được sử dụng hiệu quả. Rất nhiều thôn, xã ĐBKK đã có đường nhựa, bê tông đến từng khu dân cư; nhiều công trình dân sinh được đưa vào sử dụng, góp phần cải thiện đáng kể điều kiện sống, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo giữa các đối tượng và các vùng trong tỉnh. Bên cạnh đó, việc triển khai hiệu quả các hợp phần, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, duy tu, bảo dưỡng công trình, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng đã tạo bước chuyển mới đối với các địa bàn ĐBKK.
Ngày 8-4-2019, Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 168 về thực hiện “Chương trình phát triển kinh tế, xã hội bền vững vùng đồng bào DTTS của tỉnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”. Điều này cho thấy sự nhất quán trong phương hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh luôn đồng hành với sự phát triển toàn diện của đồng bào DTTS, của vùng sâu, xa. Mục đích khảo sát, phúc tra là nhằm hoàn chỉnh nội dung chương trình để triển khai thực hiện giảm 1.000 hộ nghèo DTTS trong năm 2019. Ngay sau khi kế hoạch được ban hành, Tỉnh ủy đã thành lập các đoàn phúc tra, khảo sát đời sống đồng bào DTTS trong tỉnh.
Theo kết quả khảo sát, huyện Bù Đốp hiện có 2.510 hộ DTTS, bằng 17,76% số hộ toàn huyện. Theo đánh giá nghèo đa chiều, đầu năm 2016, huyện Bù Đốp có 1.273 hộ nghèo và 1.180 hộ cận nghèo. Đến nay, hộ nghèo giảm còn 950 hộ (trong đó có 307 hộ DTTS nghèo) và 1.012 hộ cận nghèo. Dự kiến trong năm 2019, huyện Bù Đốp phấn đấu giảm thêm 100 hộ nghèo DTTS. Huyện Chơn Thành hiện còn 231 hộ nghèo, trong đó 65 hộ DTTS, chiếm 28,14% tổng hộ nghèo. Trong 65 hộ nghèo DTTS thì 21 hộ có khả năng thoát nghèo, còn lại 44 hộ không có khả năng thoát nghèo do hoàn cảnh ĐBKK. Huyện Phú Riềng hiện có 278 hộ nghèo DTTS, chiếm 48,85% tổng hộ nghèo toàn huyện. Từ năm 2016 đến tháng 4-2019, huyện đã phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho 294 lao động DTTS. Số lao động sau đào tạo có việc làm đạt 80%. Năm 2019, huyện Bù Gia Mập được chọn làm điểm thực hiện mục tiêu xóa nghèo cho 150 hộ DTTS. Đây là cơ hội, cũng là thách thức đối với chính quyền cơ sở nhằm xóa dần khoảng cách về tỷ lệ hộ nghèo với các địa phương khác trong tỉnh...
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DTTS
Cùng với đầu tư phát triển hạ tầng, thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, dự án của Trung ương và địa phương nhằm phát triển đồng bộ kinh tế, xã hội vùng DTTS, những năm qua Bình Phước còn quan tâm phát triển nguồn nhân lực DTTS. Đặc biệt, từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 52/NQ-CP đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh càng quan tâm nhiều hơn đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức DTTS.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và lãnh đạo tỉnh tặng nhà đại đoàn kết cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Bình Minh (Bù Đăng) - Ảnh: Thùy Hương
Thực hiện chính sách cử tuyển đối với người DTTS, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh bố trí công tác tại các cơ quan, đơn vị cho 130 học sinh DTTS đã tốt nghiệp. Một số cơ quan như: Ban Dân tộc tỉnh, Sở Nội vụ, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước; các huyện: Bù Gia Mập, Bù Đăng, Bù Đốp, Hớn Quản... có tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS khá cao. Tính đến tháng 12-2018, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS toàn tỉnh là 1.483 người. Trong đó, cấp tỉnh 219 người, cấp huyện 1.057 người, cấp xã 207 người. Về trình độ chuyên môn, có 9 người sau đại học, 754 đại học, 276 cao đẳng, 418 trung cấp và 35 sơ cấp. Giai đoạn 2016-2018, Ban Dân tộc tỉnh đã cử 20 lượt cán bộ DTTS đi dự các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng do Trung ương và các sở, ban, ngành tổ chức. Ban chủ trì phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức 6 lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác dân tộc cho 648 lượt cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện, xã, trong đó trên 16,32% là cán bộ, công chức người DTTS... Với hơn 1.900 đảng viên người DTTS, 82 hội đồng già làng, hơn 400 người có uy tín đang trực tiếp tham gia hoạt động tại cơ sở là cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc truyền đạt chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến người dân...
Từ thực hiện đồng bộ nhiều chương trình, dự án, đời sống đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh đã tốt lên rất nhiều. Bây giờ về những xã vùng sâu như Đường 10, Bom Bo, Thọ Sơn (Bù Đăng) hay Đắk Ơ (Bù Gia Mập)... sẽ thấy rất nhiều khu dân cư sầm uất của đồng bào các DTTS làm sáng lên bức tranh làng quê. Rất nhiều tỷ phú người DTTS như các ông Điểu Thiệt (xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản), Điểu Kem (xã Long Hà, huyện Phú Riềng), Điểu Khinh (xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng)... không chỉ làm giàu chính đáng cho gia đình mà còn đóng góp tích cực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Và đó là minh chứng sống động của người Bình Phước trong việc thực hiện di nguyện của Bác Hồ kính yêu: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...”.
Linh Tâm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065