TỪ THỰC TRẠNG...
Ngày 19-10-2018, tại tỉnh Bình Thuận, Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị bàn biện pháp tuyên truyền và ngăn chặn tình trạng tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Theo thống kê của Ban chỉ đạo quốc gia Đề án tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng biên giới, hải đảo, trong năm 2017, cả nước xảy ra 143 vụ vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài, với 236 tàu và 1.897 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ. Trong 9 tháng năm 2018, dù được đánh giá đã giảm nhưng vẫn còn 83 vụ vi phạm với 139 tàu cá, cùng 1.037 ngư dân. Trước khi ra khơi, ngư dân đã được tuyên truyền nhưng một số tàu vẫn đi vào các vùng biển nhạy cảm, thuộc phạm vi quản lý của các nước, thậm chí vào sâu trong vùng biển nước khác để đánh bắt.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ngư dân là do nguồn lợi thủy sản vùng biển nước ta hiện đã suy giảm, hiệu quả sản xuất tại ngư trường không cao. Ngư dân vì hám lợi đã cố tình xâm phạm vùng biển nước khác để đánh bắt trái phép. Ngoài ra, hiện còn tồn tại một số đường dây tổ chức và tình trạng bảo kê tàu cá sang vùng biển các nước để đánh bắt hải sản trái phép. Bên cạnh đó, ở một số nơi ngư dân ta chưa phân biệt rõ vùng biển Việt Nam với biển các nước khác. Theo Bộ Quốc phòng, sở dĩ tình trạng này tiếp tục diễn biến phức tạp là do các nước trong khu vực còn có sự nhận thức khác nhau về vùng biển chồng lấn. Việc phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và các nước trong khu vực hiện nay vẫn chưa được rõ ràng. Thời gian qua, một số nước tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm tự khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển chồng lấn nên dẫn đến việc cản trở tàu cá Việt Nam. Khi bị phát hiện, một số tàu của ngư dân ta bỏ chạy, không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng thực thi pháp luật nước ngoài, dẫn đến việc truy đuổi và bị bắt giữ.
... ĐẾN BIỆN PHÁP QUYẾT LIỆT
Từ thực tế phức tạp trên biển thời gian qua, các địa phương có biển đã và đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân thấy được hành vi sai phạm để điều chỉnh kịp thời, nhằm góp phần ổn định an ninh trên biển, bảo đảm cuộc sống của người dân phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 13-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm nỗ lực gỡ bỏ cảnh cáo “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam xuất khẩu sang EU và ngăn chặn hiệu quả tình trạng ngư dân vi phạm, các tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Theo đó, nếu ngư dân khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài sẽ bị tước giấy phép vĩnh viễn và xử lý hình sự. Khi xuất bến, tàu phải bật thiết bị 24/24 giờ kết nối với trạm bờ của cơ quan chức năng để theo dõi. Tăng khung hình phạt và xử lý kiên quyết đối với chủ tàu, thuyền trưởng, máy trưởng có hành vi đưa người, phương tiện khai thác hải sản trái phép, vi phạm vùng biển nước khác, vi phạm các quy định về bảo vệ tài nguyên môi trường biển.
Việc tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài xua đuổi, bắt giữ không chỉ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế mà còn nguy hiểm đến tính mạng của ngư dân, gây khó khăn trong việc quản lý về hoạt động thủy sản nói riêng và an ninh trật tự, an toàn trên biển nói chung. Vì vậy, để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn ở khu vực biên giới biển, song song với việc quản lý, siết chặt kỷ cương đối với tàu cá ngư dân, các cơ quan chức năng của nước ta đang tiếp tục đàm phán với các nước lân cận có vùng biển chồng lấn để có thỏa thuận hợp tác khai thác hải sản. Đồng thời, thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân đối với các trường hợp tàu cá bị các nước bắt giữ, xử lý. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có hình thức đấu tranh với hành động của nước ngoài trong việc uy hiếp, ngăn cản, đập phá, lấy tài sản của ngư dân Việt Nam hành nghề khai thác hải sản hợp pháp trên các vùng biển Việt Nam, nhất là ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đức Hồng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065