BPO - Bài 2: Thủ lĩnh phong trào sinh viên tại Đà Lạt
Nửa đầu năm 1966, tại Đà Lạt đã dấy lên một cao trào đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên và những người dân lao động khiến chính quyền Sài Gòn chao đảo. Những người đấu tranh đã làm chủ một nửa thành phố trong 77 ngày, chiếm đài phát thanh trong 4 ngày, 4 đêm. Một trong những thủ lĩnh của phong trào ấy là ông Ngô Ngọc Dũng, cháu ruột nhà cách mạng Lê Quang Phấn.
Hai ông cháu đều là tù chính trị ở Côn Đảo
Trong suốt thời gian diễn ra buổi Lễ khánh thành bia lưu niệm về một dấu tích lịch sử cách mạng tại Đà Lạt năm đó, tôi chú ý tới một người đàn ông đứng tuổi, cao, gầy, tóc bạc trắng nhưng dáng vẻ vẫn rất nhanh nhẹn với ánh mắt linh hoạt, thân thiện, tươi vui. Qua tìm hiểu, tôi được biết, ông chính là cựu tù Côn Đảo kiên trung, cựu lãnh tụ sinh viên Đà Lạt Ngô Ngọc Dũng. Ông Dũng là con trai cô em gái Lê Thị Tố Nhung của nhà cách mạng Lê Quang Phấn. Tiếp cận được với ông Dũng, tôi tìm cách khơi gợi để ông kể về những năm tháng hào hùng, hoạt động trong phong trào sinh viên, học sinh Đà Lạt trong những năm 60 của thế kỷ trước. Như được sống lại với những kỷ niệm tuổi thanh xuân, khi nghe tôi hỏi chuyện, ông hoạt bát hẳn lên, ánh mắt như trẻ lại hàng chục tuổi. Ông chia sẻ: “Tôi sinh ngày 16-5-1944 tại Đà Lạt. Như tất cả thanh niên miền Nam dưới chế độ Sài Gòn lúc đó, tôi đã bị nhồi nhét tư tưởng chống Cộng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bởi vậy, tôi không thích Cộng sản, không biết chính trị, chỉ lo học. Rất may, khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời thì tôi được 16, 17 tuổi. Giữa lúc cả miền Nam đang sục sôi cách mạng, mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn nhắc cho anh em chúng tôi biết rằng ông ngoại Lê Văn Tiến của chúng tôi là sĩ phu yêu nước, chống thực dân Pháp bị lưu đày Côn Đảo gần 9 năm. Thông tin của mẹ tôi cung cấp chỉ vỏn vẹn có mấy câu nhưng tôi cứ suy nghĩ và tự hứa đừng làm gì trái với chí hướng của ông ngoại. Nghĩ như vậy nhưng phải làm gì? Đâu là con đường phải đi? Lúc đó đối với tôi vẫn là những câu hỏi còn để ngỏ. Năm 1963-1965, một cách tự phát tôi tham gia phong trào học sinh, sinh viên chống chính quyền quân phiệt Sài Gòn. Từ trong phong trào, tôi đã kết thân với một số anh em cùng lớp có chung thao thức: “Thanh niên yêu nước phải làm gì?”.
Chiến sĩ cách mạng Ngô Ngọc Dũng (ngoài cùng, bên trái) chụp ảnh sau ngày Côn Đảo được giải phóng. Ảnh do gia đình cung cấp. |
Ngô Ngọc Dũng và 6 người bạn là: Phạm Xuân Ái, Trần Ngọc Thọ, Thái Ngô Cư, Hoàng Mạnh Tiến, Hồ Đắc Dung và Hồ Hiếu lập thành nhóm “Thất hiền Đà Lạt”. Qua thảo luận, trao đổi thông tin về thời cuộc, họ cùng khẳng định: Chỉ có một con đường đúng đắn là đi theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đánh đuổi đế quốc Mỹ. Tháng 2-1965, họ cùng nhau vào chiến khu tuyên thệ, học tập, đồng thời xin được thành lập Đoàn thanh niên Ái quốc Việt Nam (gọi tắt là AQ, tức là Ái quốc) nhằm vận động thanh niên, sinh viên, học sinh Đà Lạt tham gia cách mạng. Từ đó 2 chữ "AQ" xuất hiện trên truyền đơn, biểu ngữ, khẩu hiệu chống Mỹ-ngụy được rải khắp nơi ở Đà Lạt khiến chính quyền Sài Gòn vô cùng hoảng sợ. Nhóm nòng cốt AQ đã cho ra đời tờ báo Đà Lạt Thức, đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Tờ báo ra 5 số thì bị đình bản. Ngô Ngọc Dũng và Phạm Xuân Ái bị bắt. Hàng nghìn học sinh, sinh viên và nhân dân Đà Lạt, bạn đọc của báo biểu tình đòi thả ngay hai người này.
Nhằm tập hợp lực lượng rộng rãi hơn, nhóm AQ đã thành lập tổ chức “Thanh niên, sinh viên học sinh Đà Lạt tranh thủ dân chủ” và đưa Ngô Ngọc Dũng làm Phó chủ tịch.
Không thể quên những ngày tháng 4-1966, khi nhóm AQ đã đưa phong trào đấu tranh lên đỉnh cao. Cao trào bắt đầu từ ngày 1-4-1966, một đoàn biểu tình hàng nghìn người do tổ chức “Thanh niên, học sinh, sinh viên Đà Lạt tranh thủ dân chủ” lãnh đạo, kéo đến vây dinh Tỉnh trưởng đưa yêu sách và hô vang “Đả đảo!”. Nữ Thị trưởng Đà Lạt buộc phải ra tiếp. Bà này yêu cầu: “Chính quyền chỉ nói chuyện trực tiếp với đại diện chính thức của sinh viên”. Ngô Ngọc Dũng liền tiến lên phía trước đưa ra bản yêu sách. Khi bà thị trưởng trả lời “Tôi không có quyền quyết định”, ông Dũng liền nói lớn “Đài phát thanh là tiếng nói của nhân dân, bà không có quyền thì quần chúng có quyền” và đưa ra mệnh lệnh “Chiếm đài phát thanh!”.
Nhân dân như chỉ chờ mệnh lệnh này của ông Dũng, hàng nghìn người ào ào hưởng ứng, vừa reo hò, vừa ầm ầm xông tới đài phát thanh. Lính bảo vệ và nhân viên đài phát thanh phải bỏ chạy. Tiếp đó, lực lượng sinh viên chiếm Ty Thông tin chiêu hồi, đốt hết các hồ sơ, giấy tờ, thu 10 xe thông tin rồi tiến sang chiếm trụ sở Hợp tác xã rau Đà Lạt… Trong suốt 4 ngày 4 đêm làm chủ đài phát thanh, nhóm AQ đã lên chương trình phát sóng liên tục. Hằng ngày, họ thay nhau diễn thuyết đường lối đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, hòa bình thống nhất đất nước. Nhờ vậy, quần chúng được giác ngộ lý tưởng, đồng tình, ủng hộ cách mạng chống chế độ Mỹ-ngụy.
Đài phát thanh bị chính quyền Sài Gòn huy động quân đội tấn công tái chiếm. Sinh viên, học sinh bằng những vũ khí tự chế hết sức thô sơ, đã chiến đấu anh dũng, nhiều người đã ngã xuống, bị thương… Trước khi rút lui, các sinh viên đã đốt cháy đài phát thanh. Cuộc đấu tranh của sinh viên, học sinh và những người dân lao động buộc chính quyền ngụy ở Đà Lạt lùi bước, chấp nhận một chính quyền do sinh viên làm chủ. Thực tế tại Đà Lạt lúc đó, trong 77 ngày đêm, đã hình thành trạng thái “hai chính quyền song song tồn tại”, như một hình thức tiền khởi nghĩa, tập dượt đấu tranh giành chính quyền.
Sau cao trào 1966, Ngô Ngọc Dũng phải vào Sài Gòn hoạt động. Trong thời gian này, ông đã được kết nạp vào Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam. Ngày 21-4-1968, ông bị địch bắt giam và lần lượt bị đưa qua các nhà tù an ninh quân đội, Tổng nha Cảnh sát, Chí Hòa, Tân Hiệp và cuối năm 1968 ông bị lưu đày ra Côn Đảo.
Ông Dũng nhớ lại: “Đặt chân lên Côn Đảo, nơi mà 60 năm trước ông ngoại tôi là Lê Văn Tiến cũng bị địch giam cầm, tra tấn. Tôi cảm thấy mình đã trưởng thành... Tôi thầm hứa sẽ giữ vững khí tiết cách mạng để xứng đáng với ông, với truyền thống của gia đình”. Trong thời gian bị giam cầm, ông luôn bất khuất trước những đòn roi tra tấn của kẻ thù. Bị nhốt trong chuồng cọp, chịu đủ các nhục hình của “địa ngục trần gian”, ông vẫn hăng hái đi đầu trong tất cả các cuộc đấu tranh của anh em tù chống chào cờ ba que, nội quy, khổ sai của địch. Đến ngày miền Nam được giải phóng (30-4-1975), ông Dũng cùng các chiến sĩ trong trại tù đã nổi dậy cướp chính quyền và trở về quê hương cùng đoàn quân chiến thắng. Ngày nay, ai có dịp đến Côn Đảo sẽ thấy hình ảnh người thanh niên can đảm Ngô Ngọc Dũng cùng đồng đội giương cao ngọn cờ cách mạng trong ngày giải phóng Côn Đảo được lưu giữ tại nhà tù.
Vẹn nguyên một tấm lòng
Sau giải phóng, ông Ngô Ngọc Dũng đã giữ nhiều trọng trách về đảng và chính quyền tại Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và UBND huyện Cần Giờ, làm Giám đốc, Bí thư Đảng ủy nhiều đơn vị kinh tế quốc doanh lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ... Trong thời gian công tác, ông luôn chăm lo đời sống, bảo đảm chế độ, chính sách cho anh em, đặc biệt đối với những người có công với cách mạng, những bạn tù chính trị. Ngược lại, với quyền lợi của bản thân, ông tuyệt đối không hề đòi hỏi. Đất nước hòa bình đã bốn chục năm, nhưng gia đình ông vẫn sống thuê trong một căn phòng chật hẹp hơn 20m2 của Nhà nước, trong một con hẻm nhỏ tại chợ Cầu Muối (TP Hồ Chí Minh). Tuy còn khó khăn nhưng ông luôn vui vẻ, lạc quan. Khi con cháu trong gia đình muốn ông chia sẻ thêm về những năm tháng phải chịu cực hình trong chuồng cọp Côn Đảo, ông chỉ cười xòa: “Ba cũng như anh em, đồng đội khác, cũng phải chịu những đòn roi tra tấn, có gì để kể thêm đâu!”… Trong những năm tháng cuối đời, ông đã phải chống chọi với những cơn đau khủng khiếp của căn bệnh ung thư ác tính. Khi được hỏi: "Ông có nguyện vọng gì đề đạt với Đảng, với Nhà nước?", ông xúc động trả lời: “Cả cuộc đời tôi theo Đảng, theo cách mạng, cống hiến cả tuổi thanh xuân, cả sức lực của mình cho Tổ quốc để con cháu có được ngày hôm nay... Tôi thấy sự hy sinh của các thế hệ đi trước đã được đền đáp xứng đáng. Tôi không có đòi hỏi gì hơn”. Ngày 2-8-2015, ông đã vĩnh biệt cõi trần. Cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời, gương mặt ông vẫn luôn thanh thản.
Những người con của dòng họ Lê Minh sống ở những thời điểm lịch sử khác nhau, nhưng đều mang trong mình dòng máu yêu nước, cách mạng của dòng tộc. Trên đất nước thân yêu của chúng ta, có biết bao dòng họ có truyền thống yêu nước, bất khuất như dòng họ Lê Minh. Tất cả các dòng họ kết thành dân tộc Việt Nam anh dũng, không chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào.
>> Bài 1: Người thành lập chi bộ đầu tiên ở Lâm Đồng
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065