Bài 1: Người thành lập chi bộ đầu tiên ở Lâm Đồng
Vào một ngày thu xanh ngắt năm 2013, trong không khí tưng bừng kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, giữa cao nguyên Đà Lạt đầy mộng mơ và nắng gió, tôi may mắn có mặt trong một buổi lễ xúc động: Lễ khánh thành bia lưu niệm về một dấu tích lịch sử cách mạng do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy-UBND tỉnh Lâm Đồng, TP Đà Lạt và gia đình cố lão thành cách mạng Lê Quang Phấn tổ chức. Trong lời khai mạc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc nêu rõ: “Nơi đây là dấu tích hoạt động của những chiến sĩ cộng sản đầu tiên trên mảnh đất Lâm Đồng…". Thấy rõ tầm quan trọng của bia lưu niệm như một địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước và truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ sau, mặc dù đã gần tuổi bách niên, không quản đường sá xa xôi, Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã tới Đà Lạt tham dự lễ khánh thành. Có lẽ cũng chính vì lý do đó, ngày 24-10-2012, khi biết tin công trình bia lưu niệm chuẩn bị khởi công, tuy đang mệt nặng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn gửi một bức thư tới gia đình cố lão thành cách mạng Lê Quang Phấn. Bức thư có đoạn: “Cách mạng luôn ghi nhớ công lao của những người đã đặt viên gạch cách mạng đầu tiên tại mảnh đất Đà Lạt, Lâm Đồng, trong đó có cố lão thành cách mạng Lê Quang Phấn… một trong những người đầu tiên xây dựng chi bộ Cộng sản tại tỉnh Lâm Viên trước đây”.
85 năm trước, Trạm Bò, Km số 12
Chính tại nơi dựng bia lưu niệm, cách đây 85 năm, là ngôi nhà của cố lão thành cách mạng Lê Quang Phấn-một trong ba đảng viên đầu tiên của Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại tỉnh Lâm Viên trước đây (nay là tỉnh Lâm Đồng). Ngôi nhà nằm ở cây số 12 (Trạm Bò) trên Đường 11, nay thuộc xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt.
Ông Lê Quang Phấn thời kỳ hoạt động cách mạng (1929-1930). Ảnh do gia đình cung cấp. |
Ông Lê Quang Phấn, sinh ngày 14-7-1905, trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở Thanh Hóa. Tuy là viên chức trong ngành đường sắt của chính quyền thực dân ở Nha Trang nhưng ông luôn có ý thức dân tộc, yêu nước, căm thù thực dân xâm lược. Từ 1925-1929, ông đã được kết nạp vào hội “Phục Việt”, sau đổi thành Đảng Tân Việt, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người giác ngộ và kết nạp ông Phấn vào Đảng Tân Việt là đồng chí Hà Huy Tập (sau này là Tổng Bí thư của Đảng). Đầu năm 1929, ông tham gia thành lập Chi bộ Tân Việt tại Đà Lạt cùng hai đồng chí là Trần Diệm và Trần Hữu Duyệt (nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).
Tháng 4-1930, đồng chí Trần Diệm, Bí thư Chi bộ Tân Việt Đà Lạt, triệu tập một cuộc họp chi bộ tại căn buồng số 2, trên tầng gác của nhà xe, khách sạn Palace để giải thể chi bộ Đảng Tân Việt, thành lập chi bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đà Lạt. Ba đảng viên Tân Việt: Trần Diệm, Trần Hữu Duyệt và Lê Quang Phấn đều đủ tiêu chuẩn trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Như vậy, đồng chí Lê Quang Phấn là một trong những người cộng sản đầu tiên của thành phố cao nguyên xanh này.
Với tình yêu nước nồng nàn, ông Lê Quang Phấn và vợ là bà Đỗ Thị Khương đã không quản hiểm nguy, biến chính ngôi nhà của mình thành cơ quan bí mật của Đảng, nơi gặp gỡ, tổ chức các lớp huấn luyện cho các chiến sĩ cách mạng, nuôi giấu cán bộ trong những năm tháng đầu tiên sau khi tổ chức cộng sản được thành lập. Ngôi nhà là đầu mối liên lạc cách mạng giữa các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ trong thời kỳ "trứng nước" vô cùng khó khăn, gian khổ của cách mạng. Ông Phấn, bà Khương lúc đó hiểu rất rõ con đường cách mạng là con đường đầy chông gai “Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề cổ, súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa” (Tố Hữu), nhưng vì lý tưởng giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc khỏi xích xiềng nô lệ, họ sẵn sàng hy sinh. Ông Phấn đã cùng vợ không những tích cực trong những hoạt động tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, mà còn nhận nhiệm vụ làm kinh tế để nuôi cách mạng. Ông bà đã làm nhiều nghề như: Xây dựng, trồng hoa, bán tạp hóa, chăn nuôi gia súc để có tiền cung cấp cho cách mạng. Chính ông Lê Quang Phấn là nhà thầu lớn nhất thầu xây dựng Dinh Bảo Đại 2 và một số công trình lớn khác ở Đà Lạt. Những công trình đó nay vẫn tồn tại như những chứng tích lịch sử về hoạt động của những chiến sĩ cộng sản đầu tiên của vùng đất Lâm Viên. Bà Đỗ Thị Khương là quần chúng tích cực của Đảng. Bà có công nhiều trong việc đóng góp tài chính cho Đảng, tích cực giúp đỡ cán bộ, làm liên lạc cho Đảng, đưa tài liệu mật xuống Nha Trang, Tháp Chàm... Sau phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp điên cuồng khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng. Nhiều cơ sở Đảng bị khủng bố trắng. Do có kẻ phản bội nên ông Phấn, bà Khương bị giặc Pháp bắt giam. Dù bị tra tấn, đánh đập hết sức dã man nhưng ông bà vẫn một lòng kiên trung với cách mạng. Không khai thác được gì, chứng cứ không đủ nên giặc Pháp buộc phải thả ông bà.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, ông Lê Quang Phấn tham gia cướp chính quyền ở Thọ Xuân, Thanh Hóa-quê hương ông và trở thành Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân (từ tháng 4-1945 đến tháng 9-1947)… Thời gian sau đó, ông bị một cơn sốt ác tính khiến đôi tai điếc đặc nên chỉ có thể tham gia công tác hậu phương tại quê nhà. Hòa bình lập lại, ông cùng gia đình ra sinh sống ở Hà Nội, trở thành cán bộ cốt cán của ngành lương thực, thực phẩm cho đến khi nghỉ hưu (năm 1971). Bà Đỗ Thị Khương được UBND tỉnh Phú Khánh cấp Giấy chứng nhận là “Người có công giúp đỡ cách mạng chống đế quốc và phong kiến, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc” (năm 1981) và được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng tặng Bằng “Có công với nước” với lời biểu dương: “Đã nêu cao tinh thần yêu nước, tích cực giúp đỡ và bảo vệ cách mạng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám” (ngày 28-8-1985).
Mặc dù thời gian hoạt động cách mạng của ông Lê Quang Phấn và bà Đỗ Thị Khương ở Đà Lạt, Lâm Đồng không dài, nhưng hai ông bà đã có những đóng góp quan trọng, là một trong những người đặt nền móng cho phong trào cộng sản, đấu tranh chống thực dân Pháp của Đà Lạt, Lâm Đồng và các tỉnh Nam Trung Bộ như lịch sử Đảng bộ TP Đà Lạt (1930-1975) đã ghi nhận.
Dòng máu yêu nước truyền đời
Tôi đã có dịp về thăm Từ đường dòng họ Lê Minh ở làng Đại Bái, xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi từ đường cũ đã bị hư hại nhiều, nay được con cháu trong dòng họ, đặc biệt là bà Lê Thị Bích Hường, con gái út của cố lão thành cách mạng Lê Quang Phấn góp công tu tạo thành một khu từ đường đẹp đẽ, uy nghi. Sau cuộc Hội thảo “Về một dòng tộc yêu nước ở Thanh Hóa” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức ngày 14-9-2012, Từ đường dòng họ Lê Minh đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Những gì nhận biết được ở ngôi từ đường này đã cho tôi hiểu vì sao Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã đề tặng cho từ đường bức hoành phi “Trung Hiếu Truyền Gia”.
Ông Lê Quang Phấn chính là một người con của dòng họ Lê Minh. Ông nội của ông là Lê Minh Dung, từng tham gia chống Pháp cùng Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, là một chiến sĩ Cần Vương anh dũng, nghe theo "Chiếu Cần Vương" của vua Hàm Nghi tham gia cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Tháng 2-1887, trong một trận huyết chiến ở hệ thống cứ điểm Mã Cao, cụ Lê Minh Dung bị giặc Pháp bắt mang về làng Đại Bối (nay là Đại Bái) ở Thanh Hóa để xử chém nhằm uy hiếp tinh thần yêu nước của dân chúng. Trước kẻ thù, mặc dù thương tích đầy mình, cụ không hề run sợ. Khi đầu cụ bị giặc chém văng ra, cụ bà đã bất chấp cái chết lao vào ôm lấy, bọc vào một mảnh khăn đen và vùng chạy. Bọn giặc đuổi theo nhưng bị dân làng cản lại. Tiếp đó, dân làng xô xát với giặc cướp lại thi thể cụ. Giặc Pháp đã phóng hỏa đốt cả làng hôm đó.
Bố đẻ ông Lê Quang Phấn là quan cửu phẩm Lê Văn Tiến, vì có tham gia tổ chức Đông Kinh Nghĩa Thục của nhà chí sĩ yêu nước Lương Văn Can và phong trào chống thuế Trung Kỳ mà bị thực dân Pháp kết án tử hình. Sau nhờ sự đối đáp thông minh của ông tại phiên tòa xét xử buộc chúng phải giảm án xuống 9 năm tù khổ sai, đày đi Côn Đảo, mang số tù 7648. Khi nghe tin chồng bị kết án tử hình, vợ ông là bà Trịnh Thị Thường đang ôm con (lúc đó ông Lê Quang Phấn mới 3 tuổi) nằm trên võng bị đứt mạch máu não chết ngay.
Gia cảnh đau thương và dòng máu yêu nước chảy trong huyết quản đã khiến ông Lê Quang Phấn sớm giác ngộ cách mạng, trở thành một trong những hạt giống đỏ đầu tiên của Đà Lạt, Lâm Đồng.
>> Bài 2: Thủ lĩnh phong trào sinh viên tại Đà Lạt
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065