Giúp trẻ phát triển toàn diện
Hiệu trưởng Trường mầm non Phú Riềng Vũ Ngọc Ánh cho biết: Ở trường mầm non “học bằng chơi - chơi bằng học”, vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ và đồ chơi là phương tiện giúp trẻ thực hiện các hoạt động. Sử dụng nhiều đồ dùng, đồ chơi cũng chính là cách giúp trẻ tiếp thu bài học sinh động, nhiệt tình, tích cực, phát huy triệt để kỹ năng của trẻ trong từng hoạt động. Hiện nay, đồ chơi cho trẻ có rất nhiều trên thị trường nhưng xét về phương diện giáo dục thì không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu và mục đích của chương trình dạy học ở trường mầm non. Mặt khác, việc mua quá nhiều đồ chơi cho trẻ rất tốn chi phí, trong khi đồ phế thải luôn sẵn có để sử dụng tái tạo làm đồ chơi. Đặc biệt, món đồ chơi do tự tay mình làm ra, các cháu sẽ cảm thấy yêu quý và hứng thú hơn nhiều so với đồ chơi mua sẵn. Đây cũng là một hình thức dạy cho trẻ biết yêu quý sức lao động ngay khi còn bé. Bằng cách tận dụng nguyên vật liệu từ các phế phẩm, trẻ có ý thức hơn trong bảo vệ môi trường.
Đối với giáo viên mầm non, để làm được bộ đồ chơi thông thường thì đơn giản nhưng để có được 1 chủ đề sử dụng cho nhiều hoạt động, phát huy tính tích cực, sáng tạo của trẻ thì rất khó. Sau khi tìm được chủ đề phù hợp, tập thể cán bộ, giáo viên đưa ra ý tưởng xây dựng, lập kế hoạch thực hiện, đồng thời thông tin, tuyên truyền đến phụ huynh chuẩn bị vật liệu phế thải. Các vật liệu phế thải đơn giản không còn sử dụng như tre, cành cây, ống nhựa, sợi len, vải vụn, hộp bánh, xoong nồi, chén, đĩa... được phụ huynh mang đến. Theo đó, những công trình nào khó thì giáo viên phối hợp phụ huynh cùng thực hiện thông qua các hoạt động ngoại khóa, số còn lại giáo viên làm hoặc hướng dẫn các cháu làm. Mô hình vườn cổ tích với chủ đề “Cây thần kỳ” được trường thực hiện trong năm học 2017-2018 đoạt giải nhất hội thi làm đồ dùng, đồ chơi cấp huyện và là đề tài sáng kiến được công nhận cấp tỉnh năm học 2018-2019 do cô Ánh thực hiện. Vườn cổ tích là khuôn viên rất phù hợp với trẻ bậc học mầm non. Mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật cổ tích đều ẩn chứa ý nghĩa, những bài học giàu tính nhân văn về cuộc sống. Vì thế, những giờ học ở vườn cổ tích qua giọng kể ngọt ngào, dịu dàng của giáo viên, qua những hình ảnh minh họa sinh động, ngộ nghĩnh sẽ giúp trẻ cảm nhận được cái hay, cái đẹp của cuộc sống; đồng thời góp phần hình thành nhân cách và phát triển sự sáng tạo của trẻ. “Cây thần kỳ” gắn thêm các con vật sẽ sử dụng cho rất nhiều hoạt động khác của trẻ như kể chuyện, làm quen chữ cái, văn học, toán, phát triển nhận thức, phát triển thẩm mỹ, tạo hình, âm nhạc, khám phá môi trường xung quanh... Hay “Bé làm quen với phương tiện giao thông” cũng là mô hình sáng tạo, ý nghĩa. Đối với giao thông đường thủy, giáo viên giúp trẻ nhận biết tàu, thuyền, bè, ca-nô; đối với giao thông đường bộ, giúp trẻ hình dung được các khu vực ngã ba, ngã tư có đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng, có các phương tiện tham gia giao thông... qua đó giúp trẻ nắm được luật giao thông.
Dẫn đầu các phong trào thi đua
Hiệu trưởng Vũ Ngọc Ánh cho biết thêm: Theo quy định, mỗi giáo viên phải thực hiện 2 bộ đồ chơi tự tạo có chất lượng/năm học, nhưng ở trường phong trào làm đồ chơi phát triển mạnh, có giáo viên làm 9 bộ/năm học. Đồ dùng, đồ chơi đa dạng, phong phú, vì thế thu hút phần lớn trẻ tham gia, nhất là các trò chơi vận động, sáng tạo. Từ đầu năm học chỉ có 75% trẻ hưởng ứng thì cuối năm học nâng lên trên 95%. Đặc biệt, trẻ thể thấp còi, suy dinh dưỡng và béo phì, dư cân hằng năm giảm 2,5%. Tại hội thi “Bé thông minh vui khỏe” năm học 2018-2019, trường đoạt giải nhất cấp huyện và nhất cấp tỉnh cả 4/4 nội dung dự thi, gồm: “Bé khéo tay”, “Ai thông minh hơn”, “Hiểu ý đồng đội” và “Liên hoàn”. Tại hội thi làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo và các phong trào thi đua khác, trường nhiều năm liền nhất huyện, nhất tỉnh.
Năm học 2018-2019, trường có 72 cán bộ, giáo viên, nhân viên quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng 674 cháu/23 nhóm, lớp. Trong năm học có 6 bộ sáng kiến được cấp huyện công nhận, trong đó 1 bộ sáng kiến được cấp tỉnh công nhận; 10 cán bộ, giáo viên được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen; 22 giáo viên được Chủ tịch UBND huyện và 1 giáo viên được Sở GD-ĐT tặng giấy khen. Tham gia kỳ thi giáo viên dạy giỏi năm học 2017-2018, trường có 24 giáo viên được công nhận dạy giỏi cấp huyện; 8 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, trong đó có 1 giải nhì, 2 giải ba. Trường nhiều năm liền đạt tập thể lao động xuất sắc, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, cờ thi đua. Sau 34 năm thành lập, trường vinh dự 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen (năm 2004 và 2011).
Chi bộ trường có 13 đảng viên. Nhiều năm liền, chi bộ đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu, được Tỉnh ủy tặng bằng khen năm 2016. Với những thành tích xuất sắc trong hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp, đồng thời là đơn vị thực hiện tốt chuyên đề điểm “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” được Phòng GD-ĐT huyện chọn để các trường bạn về học tập, vì thế Chi bộ trường được Huyện ủy tuyên dương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019.
Vũ Thuyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065