Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngoại giao
Đó là đánh giá của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về vai trò của ngành ngoại giao tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành và đón nhận Huân chương Sao vàng diễn ra sáng 27/8 tại Hà Nội.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, phối hợp nhịp nhàng với các mặt trận chính trị, quân sự, vừa phát huy thế mạnh trên chiến trường vừa tập hợp được mặt trận quốc tế rộng rãi chưa từng có ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi của các Hội nghị Geneve và Paris mãi mãi đi vào lịch sử, là những mốc son chói lọi của ngoại giao Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Bước vào thời kỳ xây dựng hòa bình, đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa, hội nhập và phát triển, ngoại giao càng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong việc ổn định và tái thiết đất nước, phá bao vây cấm vận, thực hiện chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại, góp phần tích cực vào việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng và chế độ XHCN, giữ vững môi trường hòa bình, tranh thủ sự hợp tác và ủng hộ quốc tế cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Ba mươi năm đổi mới đã chứng kiến những đóng góp hết sức nổi bật của ngành ngoại giao vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Từ tình thế bị bao vây, cô lập, Việt Nam đã mở rộng quan hệ đối ngoại chưa từng có cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Từ vỏn vẹn 11 nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1954, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả các châu lục; đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với nhiều quốc gia chủ chốt trên thế giới…
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Huân chương Sao vàng lần thứ 2 cho Bộ Ngoại giao
Những bài học lớn
Chủ tịch nước cho rằng, chưa bao giờ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, chúng ta lại có mối quan hệ quốc tế rộng khắp, bình đẳng và hữu nghị, có môi trường quốc tế hòa bình, ổn định và có vị thế quốc tế vững vàng, thuận lợi như ngày nay.
Theo Chủ tịch nước, những thành công đó có được là do sự kết hợp nhân tố dân tộc và thời đại, trong đó nhân tố trung tâm, xuyên suốt và có tính quyết định chính là đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, kết tinh ở một số bài học lớn có giá trị sâu sắc cho cả hôm nay và mai sau.
Trước hết, đó là đường lối đối ngoại đúng đắn, luôn đặt lợi ích chính đáng của dân tộc lên trên hết, độc lập, tự chủ trong hoạch định đường lối, chính sách, kiên trì về nguyên tắc nhưng hết sức linh hoạt và sáng tạo trong triển khai thực hiện.
Thứ hai, đó là chính sách tập hợp lực lượng tài tình, biết tận dụng triệt để mối tương tác giữa thế và lực, “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít thắng nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”, phát huy tối đa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, kết hợp khéo léo giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, để tạo ra sức mạnh tổng hợp đưa đất nước vượt qua mọi thách thức và vững bước tiến lên.
Thứ ba, đó là tư duy nhạy bén trong việc dự báo, nắm bắt, tranh thủ và tạo dựng thời cơ, “biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến”, nắm vững sự vận động của các mối tương quan giữa thế và lực đất nước với cục diện quốc tế.
Thứ tư, chúng ta biết phát huy và nêu cao những giá trị và bản sắc của dân tộc Việt Nam như truyền thống hòa hiếu, tinh thần yêu nước nồng nàn, đoàn kết, yêu chuộng hòa bình, đề cao chính nghĩa, công bằng, nhân ái. Những truyền thống tốt đẹp đó đã tạo thành sức mạnh của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, biết tranh thủ đối tác, thu phục đối thủ, thêm bạn bớt thù, “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Một số nhiệm vụ trọng tâm
Tới dự lễ kỷ niệm còn có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước: Lê Đức Anh, Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh; Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang; Bí thư thành phố Hà Nội Phạm Quang Nghị; Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Trương Hoà Bình; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng; Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên…
Về đại biểu Bộ Ngoại giao có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao: Nguyễn Mạnh Cầm, Phạm Gia Khiêm; nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan; nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên và các cán bộ lão thành; các vị lãnh đạo của Bộ Ngoại giao. Các cán bộ ngoại giao còn được đón nhận lẵng hoa chúc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh…
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh nhiệm vụ của trong thời gian tới là phải phát huy cao nhất sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại để đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, xây dựng nền tảng để sớm đưa đất nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đó, ngành ngoại giao cần kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa; đưa quan hệ với các nước, đặc biệt là các nước láng giềng có chung biên giới, các nước lớn, các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, tăng cường đan xen lợi ích.
Kiên quyết đấu tranh trước mọi hành động can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và ổn định chính trị của đất nước; kiên trì chủ trương giải quyết tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và quy tắc ứng xử của khu vực.
Đồng thời, triển khai mạnh mẽ tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và hiệu quả, trên cơ sở phát huy nội lực, lấy hội nhập kinh tế làm trọng tâm, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, tăng cường ngoại giao đa phương, phát huy vai trò tích cực của Việt Nam trong các thể chế khu vực và toàn cầu nhằm tranh thủ mọi điều kiện quốc tế thuận lợi cho an ninh - phát triển và tăng cường sức mạnh tổng hợp và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Để nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại thời gian tới, Chủ tịch nước yêu cầu ngành ngoại giao cần tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Một là, trên cơ sở kiên định lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng, thấm nhuần và quán triệt sâu sắc đường lối chính sách của Đảng, vận dụng linh hoạt tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, không ngừng sáng tạo và đổi mới tư duy mạnh mẽ, nhạy bén hơn nữa để bắt kịp với các diễn biến của thời cuộc.
Hai là, cần tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo tình hình nhạy bén, chủ động, kịp thời hơn nữa để có chiến lược và chính sách sát thực tế, hiệu quả, linh hoạt, đảm bảo được lợi ích dân tộc, tranh thủ tối đa các cơ hội, hóa giải hiệu quả các nguy cơ, góp phần tạo được thế và lực tốt nhất cho đất nước.
Ba là, ngành ngoại giao dành ưu tiên cao cho việc xây dựng lực lượng và bồi đắp nhân tố con người. Toàn ngành ngoại giao và bản thân mỗi cán bộ ngoại giao cần ý thức sâu sắc điều này để không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ mọi mặt, cả “đức” lẫn “tài”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân và đất nước.
Thay mặt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức các thế hệ của ngành ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chân thành cảm ơn sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, nhân dân và cá nhân các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành cho ngành ngoại giao.
Phó Thủ tướng đề nghị toàn ngành ngoại giao quyết tâm phát huy truyền thống vẻ vang của 70 năm trưởng thành và phát triển, viết tiếp những trang sử hào hùng của nền ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nguồn Chinhphu.vn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065